[Bình Định] Với địa hình đa dạng, tỉnh này sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch lớn của cả nước
Tỉnh này là 1 trong 5 tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất của các tỉnh Tây Nguyên, Lào, Campuchia và Thái Lan.
Tiềm năng phát triển của Bình Định
Bình Định là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ. Bình Định được xác định là 1 trong 5 tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có vị trí chiến lược quan trọng ở trung tâm của trục Bắc – Nam, là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất của các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan.
Địa hình của tỉnh tương đối phức tạp, thấp dần từ Tây sang Đông, với độ chênh lệch khá lớn (khoảng 1.000m). Tỉnh có đa dạng các dạng địa hình như: Vùng núi, đồi và cao nguyên, vùng đồi, vùng đồng bằng và vùng ven biển.
Tỉnh hiện có nhiều tiềm năng cho việc phát triển kinh tế xã hội như hệ thống hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không (trong đó sân bay Phù Cát và Cảng biển quốc tế Quy Nhơn đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển KTXH của Vùng).
Quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp khá lớn; bờ biển dài, vùng lãnh hải rộng; nhiều tài nguyên khoáng sản quý và tiềm năng phát triển năng lượng (gồm thuỷ điện, điện gió), Bình Định có nhiều lợi thế phát triển về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, thuỷ sản; phát triển năng lượng tái tạo và thương mại, dịch vụ logicstic, du lịch biển…
Bình Định là tỉnh có độ cho phủ rừng tới 58%, vì thế có nhiều thuận lợi để hình thành, phát triển thị trường tín chỉ carbon, giúp các doanh nghiệp trên địa bàn có chứng chỉ xanh cho sản xuất và xuất khẩu. Tỉnh này có vị trí là một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu sản phẩm gỗ hàng đầu cả nước.
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại.
Đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Bình Định trở thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm kết nối khu vực vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông – Tây.
Hoạt động kinh tế xã hội của Bình Định ra sao?
Tại buổi làm việc về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại và việc triển khai thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh của Đoàn Công tác của Bộ Công Thương, đại diện tỉnh Bình Định đã báo cáo nhiều kết quả kinh tế đáng khích lệ.
Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2024 hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Định đã phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng vượt kế hoạch.
Trên địa bàn tỉnh Bình Định có 169 dự án sản xuất công nghiệp đang triển khai đầu tư với tổng vốn đầu tư 77.767 tỷ đồng. Năm 2024, dự kiến đi vào hoạt động; trong đó, có 12 dự án trọng điểm. Trong 7 tháng năm 2024, toàn tỉnh có 25 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 4.133 tỷ đồng.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2024 tăng 9,8% so với cùng kỳ (cả nước tăng 8,5%); trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,50%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 0,91%; cung cấp nước quản lý và xử lý rác thải nước thải tăng 12,11%; công nghiệp khai khoáng tăng 13,24%. Công nghiệp chế biến chế tạo được định hướng là trụ cột phát triển chiếm tỷ trọng trên 85% và tăng 10,50%, cao hơn mức tăng chung, tiếp tục đóng vai trò động lực, dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.
Hoạt động xuất khẩu của Bình Định với kim ngạch xuất khẩu 7 tháng năm 2024 ước thực hiện 982,6 triệu USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ, đạt 59,6% kế hoạch năm (1.650 triệu USD). Kim ngạch nhập khẩu 7 tháng năm 2024 ước đạt khoảng 250,5 triệu USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ.
UBND tỉnh Bình Định phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng cuối năm 2024 ước tăng từ 7,5 – 7,7% để cả năm 2024 đạt 8 – 9% so với cùng kỳ (đạt 100% kế hoạch năm). Dự báo năm 2025, IIP ước đạt 8,5 – 9,5%; giai đoạn 2021-2025 IIP ước đạt 8%.