[Bình Định] Doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp: Nỗ lực duy trì ổn định sản xuất kinh doanh

Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá nhằm thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 – 2025 mà Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra. Tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong tỉnh, các DN đang tiếp tục nỗ lực vượt khó để duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, hoàn thành kế hoạch đặt ra.

Tăng tốc từ đầu năm

Hiện có 310 dự án của 216 DN đang hoạt động tại các KCN, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 22.000 lao động. Cùng với đó, có 303 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh ở 42 cụm công nghiệp (CCN), tạo việc làm cho hơn 22.600 lao động. Ngay sau tết Nguyên đán Giáp Thìn, trên 99% DN tại các KCN, CCN đã đi vào sản xuất, kinh doanh.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Delta Gali. Ảnh: CÔNG HIẾU

Theo báo cáo của Sở Công Thương, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN ở KCN, CCN cơ bản ổn định, nhất là với nhóm DN sản xuất mặt hàng may mặc, giải khát, bia, dược, viên nén, thức ăn gia súc…

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Giám đốc Công ty CP Thành Ngân (CCN cầu 16, xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn) chia sẻ: Công ty hoạt động sản xuất trở lại từ ngày mùng 6 Tết (15.2). Trong năm 2023, công ty sản xuất 80.000 tấn viên nén và 50.000 tấn dăm gỗ, kim ngạch xuất khẩu đạt 33 triệu USD; kế hoạch năm 2024, công ty phấn đấu nâng kim ngạch xuất khẩu lên 38 triệu USD, tạo việc làm cho 145 lao động tại địa phương.

Sau Tết, nhu cầu tái đàn gia súc, gia cầm tăng cao, đây là “thời điểm vàng” của các DN sản xuất thức ăn phục vụ chăn nuôi. Tại KCN Nhơn Hòa (TX An Nhơn) từ mùng 6 Tết, các công ty thức ăn gia súc như: Công ty CP Greenfeed Việt Nam, chi nhánh Bình Định; Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam, chi nhánh Bình Định, hoạt động sản xuất diễn ra khẩn trương, xe chở nguyên liệu và sản phẩm ra vào tấp nập. Năm 2023, doanh thu của các công ty này đều tăng khoảng 7 – 9% so với năm trước. Dự kiến sản lượng thức ăn gia súc, gia cầm ở năm 2024 đều tăng, đảm bảo giải quyết việc làm, tăng thu nhập và tăng mức đóng  góp cho ngân sách.

Tại CCN Cát Trinh (Phù Cát), Công ty TNHH Delta Galil – chuyên gia công hàng may mặc xuất khẩu, tạo việc làm cho hơn 3.500 lao động – sớm đi vào hoạt động từ mùng 6 Tết. Trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt mức 75,1 triệu USD, nộp ngân sách 28,2 tỷ đồng; kế hoạch năm 2024, công ty phấn đấu nâng kim ngạch xuất khẩu lên mức hơn 91,5 triệu USD, nộp ngân sách 30,7 tỷ đồng. Để thực hiện mục tiêu này, Công ty tiếp tục triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, năng động nhằm tìm kiếm thêm khách hàng mới. Cùng với đó là chủ động nâng cao năng lực sản xuất bằng cách chú trọng phát triển công nghệ, đầu tư bổ sung thiết bị tự động và bán tự động, xây dựng đội ngũ quản lý điều hành sản xuất phù hợp yêu cầu của công nghệ quản lý số…

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Năm 2023, do ảnh hưởng tình hình bất ổn trên thế giới, không ít DN tại các KCN, CCN gặp khó khăn, đơn hàng ít hoặc không có đơn hàng để sản xuất. Như các DN sản xuất sản phẩm gỗ xuất sang thị trường châu Âu chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine, hoặc DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy hải sản, sắt thép… gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ. Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2023 tăng 3,5% so với năm 2022, tuy chưa đạt chỉ tiêu đề ra, nhưng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.600 triệu USD, đạt 100% kế hoạch năm 2023, cho thấy nỗ lực của các DN trong tỉnh.

Điển hình như Công ty TNHH sản xuất, thương mại và xây dựng Thiên Phát (CCN Hoài Tân, TX Hoài Nhơn) nỗ lực tìm kiếm đơn hàng sản xuất, kim ngạch xuất khẩu đạt 29 triệu USD, tạo việc làm cho trên 900 công nhân, nộp ngân sách 6,5 tỷ đồng trong năm 2023. Năm 2024, công ty hướng tới mục tiêu tăng cường khai thác thị trường để có thêm nhiều đơn hàng hơn nữa, đảm bảo việc làm với thu nhập ổn định cũng như có thêm điều kiện để quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, nhân viên và người lao động.

Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Năm 2024, Sở tăng cường phối hợp với các cơ quan, DN để nắm bắt và giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của DN. Tăng cường hoạt động đối thoại, trao đổi thông tin, hướng dẫn các DN tiếp cận chính sách pháp luật mới cũng như thực hiện các quy định về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường… tạo tiền đề cho DN phát triển ổn định, bền vững.

Đối với cộng đồng DN, năm 2023 là năm vượt khó. Những ngày đầu năm 2024, các DN nỗ lực, quyết tâm và tận dụng hiệu quả sự hỗ trợ của các cấp, ngành, chủ động liên kết tạo ra chuỗi cung ứng lưu thông hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh; dành đầu tư thích đáng cho phát triển bền vững, trong đó có công nghệ và quản trị tiên tiến để hoàn thành mục tiêu sản xuất năm 2024, đóng góp vào sản xuất công nghiệp chung của tỉnh.

Theo Báo Bình Định