[Đà Nẵng] Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị

Một trong những quan điểm phát triển được đề cập trong Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là kết hợp đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, gia tăng mật độ kinh tế trên một diện tích đất và hiệu quả sử dụng kết cấu hạ tầng dùng chung… Trên cơ sở đó, quy hoạch đề ra phương án phát triển không gian đô thị với định hướng phát triển đa cực, phân thành 6 khu vực có vai trò động lực và phương hướng phát triển 6 ngành kinh tế cấp 1.

Khu đô thị lõi gồm khu trung tâm thuộc quận Hải Châu và khu vực nội đô quận Sơn Trà được xác định là khu vực có vai trò động lực phát triển. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Điều chỉnh cấu trúc đô thị đơn tâm thành phát triển đa cực

Theo định hướng phát triển không gian đô thị trong Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, toàn thành phố được tổ chức theo 3 vùng đô thị đặc trưng và vùng sinh thái với 12 phân khu; điều chỉnh cấu trúc đô thị đơn tâm (Thanh Khê và Hải Châu) thành phát triển đa cực và phát triển toàn thành phố trở thành một điểm du lịch lớn. Trong đó, khu đô thị hiện hữu gồm 6 quận nội đô được định hướng tái phát triển theo mô hình đô thị nén, giảm mật độ xây dựng đối với khu vực lõi đô thị trung tâm hiện hữu, bổ sung các tiện ích đô thị và tích hợp với hệ thống giao thông công cộng…

Đồng thời, hình thành các công trình kiến trúc mang phong cách hiện đại, ưu tiên phát triển các không gian, công trình, dịch vụ công cộng, tạo sức hấp dẫn về một khu trung tâm kinh doanh thương mại (CBD) hiện đại, chất lượng sống cao, thân thiện và đáng sống. Khu vực phát triển đô thị mới là ở phía tây, tây bắc của thành phố. Đến năm 2030, khu vực đô thị hóa được xác định tại 9 xã của huyện Hòa Vang hiện nay gồm: Hòa Khương, Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Liên, Hòa Sơn và một phần xã Hòa Ninh; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 90%.

Quy hoạch cũng định hướng 6 khu vực có vai trò động lực để phát triển, cụ thể: khu vực động lực số 1 là khu đô thị lõi gồm khu trung tâm đô thị lịch sử thuộc quận Hải Châu (được khuyến khích phát triển phù hợp cho cả sinh sống, làm việc và sẽ trở thành trung tâm thương mại sầm uất) và khu vực nội đô thuộc quận Sơn Trà, quận phía đông cầu Sông Hàn. Khu số 2 là khu vực nội đô thuộc quận Thanh Khê và Liên Chiểu dọc theo vịnh Đà Nẵng với định hướng tập trung phát triển du lịch, vui chơi giải trí biển ven vịnh, khuyến khích hình thành một CBD mới tại khu vực trung tâm vịnh gắn với trục thương mại dịch vụ trên (khu vực đô thị nén).

Khu số 3 là khu đô thị sáng tạo ở khu vực phía nam gồm một phần quận Ngũ Hành Sơn (phường Hòa Quý) và quận Cẩm Lệ với định hướng tập trung phát triển các dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế, thể dục – thể thao chất lượng cao. Khu số 4 là trung tâm hành chính huyện Hòa Vang hiện nay, tiểu trung tâm kinh tế đa ngành, kết nối thành phố Đà Nẵng với tỉnh Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên với định hướng phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ logistics, nông sản và mở rộng không gian đô thị về phía tây bắc để kết nối các khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và các khu ở mới. Khu số 5 là tổ hợp đô thị – công nghiệp công nghệ cao với định hướng hình thành cụm liên hợp gồm: trung tâm hội chợ triển lãm miền Trung, thương mại (outlet) gắn với du lịch, trung tâm dịch vụ logistics cấp vùng. Khu số 6 là tổ hợp đô thị cảng biển Liên Chiểu, trung tâm dịch vụ logistics gắn với cảng biển Liên Chiểu.

Tập trung phát triển 6 ngành kinh tế

Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đề ra phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng trong thời gian tới, trong đó có 6 ngành kinh tế cấp 1. Theo đó, du lịch được tiếp tục phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngành thương mại của thành phố được định hướng trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn; phát triển các ngành dịch vụ, thương mại liên quan đến du thuyền. Ngành vận tải và logistics được định hướng phát triển trở thành trung tâm logistics, cửa ngõ giao nhận, vận chuyển về đường bộ, đường biển và đường hàng không với các địa phương, quốc gia trên hành lang kinh tế Đông – Tây, trong khu vực ASEAN và quốc tế.

Về thông tin – truyền thông, phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông trở thành ngành kinh tế chủ đạo; ưu tiên phát triển công nghiệp phần mềm, sản xuất nội dung số, thiết kế, sản xuất vi mạch; thúc đẩy đào tạo, nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế số.

Về công nghiệp, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước; phát triển các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao gồm: công nghệ vi điện tử, công nghệ chip và vi mạch bán dẫn, cơ khí chính xác, cơ – điện tử, quang – điện tử và tự động hóa; phát triển các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên gồm: công nghiệp ô-tô, hàng không, du thuyền, điện tử, cơ khí chế tạo, hóa dược, hóa mỹ phẩm, thực phẩm, đồ uống, thời trang và các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo khác có giá trị gia tăng cao. Tài chính – ngân hàng phát triển, trở thành trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực…

Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng Huỳnh Liên Phương cho rằng, Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã tích hợp tổng thể về phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, đặc biệt là phát triển các ngành. Sự phát triển của các ngành phụ thuộc vào các dự án nên việc thu hút đầu tư vào các dự án là rất quan trọng để tạo sự tăng trưởng cho ngành cũng như phát triển kinh tế – xã hội. Quy hoạch này là cơ sở rất quan trọng để kêu gọi, thu hút đầu tư, trong đó, quy hoạch đã xác định cụ thể danh mục dự án trọng điểm, động lực, ưu tiên thực hiện nhằm tạo sự phát triển bứt phá cho Đà Nẵng.

Theo Báo Đà Nẵng