VCCI sẽ đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp miền Trung – Tây Nguyên
Chiều 10.4, Hội nghị Hiệp hội doanh nghiệp miền Trung – Tây Nguyên năm 2024 đã được tổ chức tại TP Đà Nẵng với mục tiêu kết nối các doanh nghiệp trong khu vực, hỗ trợ nhau trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế.
3 tháng đầu năm 2024, kinh tế – xã hội cả nước đã có nhiều dấu hiệu tích cực như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,77%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,18%; khách quốc tế tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2023; xuất siêu đạt 8,08 tỉ USD…
Dù vậy, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới. Hầu hết các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ chậm lại do cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn vẫn còn tiếp diễn, thị trường tài chính, tiền tệ, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dự báo kinh tế vẫn sẽ khó khăn trong 2 quý đầu năm 2024 và khởi sắc vào 6 tháng cuối năm.
Riêng với khu vực miền Trung – Tây Nguyên, phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị xác định phát triển vùng và liên kết phát triển vùng có vai trò đặc biệt quan trọng. Liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển các địa phương trong vùng.
Vì vậy, các địa phương sẽ phải cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên cơ sở xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù, sát với thực tế của vùng để thu hút và sử dụng có hiệu quả hơn nữa các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, nhất là của khu vực kinh tế tư nhân.
Phát triển vùng phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, chiến lược phát triển bền vững, tăng trưởng xanh quốc gia và chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Với mục tiêu đó, ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch VCCI – cho biết, trong thời gian tới, VCCI sẽ đẩy mạnh triển khai hoạt động liên kết vùng tập trung vào 2 vùng chính là vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực Tây Nguyên, thúc đẩy liên kết hiệp hội, doanh nghiệp góp phần cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy tốt vai trò là cơ quan đại diện, là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, VCCI sẽ tiếp tục kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thúc đẩy cung – cầu, giảm áp lực lạm phát.
VCCI sẽ tăng cường triển khai các hoạt động liên quan đến công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, trong đó, đẩy mạnh các hoạt động, giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển các công cụ hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể số hóa hoạt động quản trị, khuyến khích chuyển đổi mô hình kinh doanh sang doanh nghiệp.