[Quảng Nam] Từng bước xây dựng đô thị thông minh

Dự án Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Quảng Nam qua 3 năm triển khai, đến nay đã xây dựng xong các bản dự thảo tổng quan về đô thị thông minh và định hướng chiến lược đô thị thông minh cho 4 đô thị: Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Núi Thành.

img_0074.jpg
Dự án xây dựng đô thị thông minh tỉnh Quảng Nam đạt một số kết quả bước đầu. Ảnh: T.T.T

7 hợp phần, 5 vấn đề cốt lõi

Dự án Xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) tỉnh Quảng Nam (TP.Tam Kỳ) do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam – KOICA tài trợ, được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 4/2021, thời gian triển khai đến năm 2025.

Ông Nguyễn Minh Nam – Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, mục tiêu dự án là xây dựng các chiến lược, kế hoạch và từng bước xây dựng hạ tầng, dịch vụ thông minh cho đô thị.

Dự án nhằm tạo năng lực cạnh tranh cho đô thị, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước, góp phần phát triển kinh tế – xã hội cho tỉnh Quảng Nam nói chung và TP.Tam Kỳ nói riêng. Đồng thời dự án hướng đến hình mẫu về ĐTTM tại Việt Nam với sự hỗ trợ từ chính phủ Hàn Quốc.

Dự án có 7 hợp phần, gồm: Tổng quan chiến lược tổng thể thành phố thông minh tỉnh Quảng Nam và Kế hoạch tổng thể phát triển thành phố thông minh Tam Kỳ; Xây dựng cơ sở dữ liệu nền tảng của ĐTTM Tam Kỳ; Phát triển nền tảng dữ liệu ĐTTM (hệ thống thí điểm cho Tam Kỳ); Dịch vụ thí điểm ĐTTM (địa bàn thí điểm tại các phường nội thị Tam Kỳ); Xây dựng và vận hành trung tâm điều hành ĐTTM; Đào tạo, nâng cao năng lực; Quản lý và xúc tiến dự án.

img_0076.jpg
Các đơn vị tư vấn dự án xác định tập trung vào 5 lĩnh vực chính liên quan đến đời sống, kinh tế gồm: giao thông, an toàn, y tế, du lịch, công nghiệp

Các nhà nghiên cứu đến từ Hàn Quốc cho hay, kết quả nghiên cứu xây dựng hạ tầng ĐTTM tại TP.Tam Kỳ cho thấy, điều kiện triển khai các chức năng liên kết, tích hợp còn tương đối thấp.

Vì vậy cần phải thiết lập phương hướng lập quy hoạch, thời điểm triển khai các dự án liên quan nhằm xây dựng ĐTTM hiệu quả, bền vững. Dự án xác định tập trung vào 5 lĩnh vực chính liên quan đến đời sống, kinh tế gồm: giao thông, an toàn, y tế, du lịch, công nghiệp.

Từng bước hoàn thiện để vận hành

Đến nay, qua 3 năm triển khai, nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bên, dự án đã đạt được những kết quả tích cực.

Đại diện đơn vị tư vấn – Công ty Jungdo UIT và Trường đại học Anyang (Hàn Quốc) cho biết, đã phối hợp với đơn vị, địa phương của tỉnh xây dựng xong các bản dự thảo Tổng quan về ĐTTM và định hướng chiến lược ĐTTM cho tỉnh Quảng Nam (gồm 4 đô thị: Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Núi Thành) và Kế hoạch, chương trình tổng thể phát triển ĐTTM cho TP.Tam Kỳ. Các dự thảo trên đang được lấy ý kiến các đơn vị liên quan, hoàn thiện và trình phê duyệt.

Đơn vị tư vấn cũng đang hoàn thiện các chức năng phần mềm của cơ sở dữ liệu nền tảng của ĐTTM Tam Kỳ, dự kiến quý II/2024 có thể bắt đầu nhập dữ liệu phục vụ công tác quản lý và chỉ đạo điều hành của các phòng chuyên môn TP.Tam Kỳ.

Việc xây dựng nền tảng dữ liệu ĐTTM (hệ thống thí điểm cho Tam Kỳ) đang được tiến hành song song, dự kiến vận hành trong năm 2024.

dothi.jpg
Sơ đồ tổng quan về dịch vụ thí điểm đô thị thông minh.

Nền tảng này nhằm hỗ trợ các nghiệp vụ liên quan đến chính sách đô thị và quản lý đô thị dựa trên cơ sở dữ liệu được xây dựng từ dự án. Nền tảng còn hỗ trợ dịch vụ tương tác với người dân nhằm chia sẻ và khai thác thông tin công cộng với sự tham gia của cộng đồng.

Các dịch vụ thí điểm đô thị thông minh tại các phường nội thị Tam Kỳ như camera giám sát, cảnh báo ngập lụt sông ngòi, wifi công cộng… cơ bản lắp đặt hoàn thiện.

Các dịch vụ này sau khi thử nghiệm ổn định sẽ đi vào vận hành chính thức cùng trung tâm điều hành với quy mô 10 màn hình ghép 55 inch, hệ thống máy tính, phòng máy, trang thiết bị phục vụ giám sát hiện trường.

Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án vẫn đang gặp một số vướng mắc. Ông Nguyễn Minh Nam bày tỏ băn khoăn về vấn đề thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch chiến lược vùng thông minh tỉnh Quảng Nam; mô hình cơ quan quản lý, bộ máy quản lý, vận hành về đô thị thông minh các cấp của tỉnh và địa phương. Các vấn đề tích hợp, chia sẻ tài nguyên dùng chung giữa các cơ quan liên quan, đặc biệt là việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của hệ thống.

Theo Báo Quảng Nam