VCCI miền Trung – Tây Nguyên kiến nghị nhiều giải pháp cải thiện chỉ số DDCI Quảng Nam
Sau khi thực hiện khảo sát, VCCI miền Trung – Tây Nguyên kiến nghị, đề xuất nhiều nhóm vấn đề cần thực hiện để cải thiện chỉ số DDCI tại Quảng Nam.
Chiều 30/11, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị “Công bố kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Sở, Ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố (DDCI) tỉnh Quảng Nam năm 2023”. Đây là hoạt động có sự tư vấn của Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Miền Trung – Tây Nguyên (VCCI miền Trung – Tây Nguyên).
Theo đó, từ tháng 6/2023, VCCI miền Trung -Tây Nguyên đã thực hiện khảo sát đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố (DDCI) tỉnh Quảng Nam năm 2023. Mục tiêu của khảo sát DDCI Quảng Nam 2023 nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Nam. Theo đó, tổng số đơn vị được đánh giá trong DDCI Quảng Nam 2023 là 40 đơn vị, trong đó có 22 đơn vị nhóm sở, ban, ngành và 18 đơn vị thuộc nhóm cấp huyện.
Chỉ số DDCI Quảng Nam 2023 bao gồm 9 Chỉ số thành phần (CSTP) gồm Tính minh bạch – Tính năng động – Vai trò người đứng đầu – Chi phí thời gian – Chi phí không chính thức – Cạnh tranh bình đẳng – Hỗ trợ doanh nghiệp – Thiết chế pháp lý và Tiếp cận đất đai. Trong đó, CSTP Tiếp cận đất đai chỉ để đánh giá cấp huyện. DDCI Quảng Nam được xây dựng theo quy trình 3 bước, gồm Thu thập thông tin thông qua khảo sát các doanh nghiệp, hợp tác xác, hộ kinh doanh trên địa bàn – Tính toán các CSTP và chuẩn hóa trên thang điểm 10 – Gán trọng số và tính điểm số DDCI tổng hợp gồm điểm của các CSTP trên thang điểm tối đa 100 .
Kết quả DDCI Quảng Nam 2023 nhóm Sở, ban, ngành ghi nhận điểm trung vị là 65,54 điểm. Điểm số DDCI tổng hợp cao nhất trong nhóm sở, ban, ngành 74,62 điểm và thấp nhất là 53,78 điểm.
Khoảng cách giữa đơn vị có điểm số cao nhất và thấp nhất là 20,84 điểm. Các đơn vị nhận được nhiều sự đánh giá tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp trong nhóm sở, ban, ngành là Cục Hải quan tỉnh, Sở Tư pháp và Sở Công thương với số điểm lần lượt là 74,62 điểm, 74,11 điểm và 71,21 điểm.
Điểm trung vị của 8 CSTP nhóm Sở, ban, ngành đều cao hơn 6, điểm trung vị các CSTP từ 6,02 điểm – 7,15 điểm. Trong 8 CSTP chỉ có 1 CSPT có điểm trung vị trên 7. Ba CSTP có điểm trung vị cao nhất trong nhóm gồm Thiết chế pháp lý 7,15 điểm, Vai trò người đứng đầu 6,91 điểm và Tính minh bạch 6,76 điểm. Các CSTP thấp điểm nhất trong 8 CSTP là Tính năng động 6,25 điểm, Hỗ trợ danh nghiệp 6,21 điểm và Chi phí không chính thức 6,02 điểm.
Về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, trung vị điểm DDCI tổng hợp cấp huyện là 60,92 điểm. Khoảng cách điểm giữa các đơn vị không quá chênh lệch ở các đơn vị kề nhau, điểm số DDCI tổng hợp nhóm cấp huyện dao động từ 50,69 điểm đến 71,72 điểm. Khoảng cách giữa đơn vị có điểm số cao nhất và thấp nhất là 21,03 điểm, với khoảng cách điểm không quá lớn các đơn vị hoàn toàn có thể cải thiện điểm số và thứ hạng trong những năm tiếp theo,…
Theo VCCI miền Trung – Tây Nguyên, thời gian tới tỉnh Quảng Nam cần chú trọng công tác cán bộ, khuyến khích tính năng động, dám nghĩ dám làm. Cán bộ cũng như lãnh đạo các đơn vị cần phát huy sự năng động, sáng tạo trong công việc để có thể tạo một môi trường kinh doanh thân thiện.
Ông Hồ Anh Tuân – Phó Giám đốc VCCI miền Trung – Tây Nguyên cho rằng việc khuyến khích tính năng động, dám nghĩ dám làm của cán bộ trong công việc không chỉ còn là việc của riêng mỗi đơn vị hay địa phương. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đây sẽ là căn cứ pháp lý tốt cho tỉnh đề ra những quy định hỗ trợ sự năng động, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ tỉnh.
“Đồng thời, tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong năm vừa qua tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Tỉnh đã ban hành quyết định 1181/QĐ-UBND ngày 08/6/2023 về việc kiện toàn Tổ công tác 1181 do Chủ tịch UBND tỉnh là Tổ trưởng với nhiệm vụ giải quyết các vướng mắc có tính chất phức tạp, khó khăn kéo dài trong hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới tỉnh cần duy trì và đẩy mạnh công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Khâu thu thập, tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cần được mở rộng hơn nữa bằng nhiều hình thức”, ông Hồ Anh Tuân nói.
Theo vị này, thực hiện tốt giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp sẽ là chìa khóa để tỉnh, các sở, ban, ngành và cấp huyện nâng cao hình ảnh chính quyền luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp tỉnh, qua có thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh việc tháo gỡ vướng mắc, các đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cần đồng hành xây dựng cộng đồng doanh nghiệp tỉnh lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, quy mô. Tập trung hỗ trợ tích cực, có hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng quy mô, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp theo chuẩn khu vực, quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
VCCI miền Trung – Tây Nguyên cũng kiến nghị địa phương thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và nâng cao vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp. Hiện nay tỉnh đã triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc phân theo từng lĩnh vực, ngành nghề, tỉnh có thể nghiên cứu triển khai các chính sách hỗ trợ phân theo qui mô, thời gian hoạt động của doanh nghiệp.
Bên cạnh việc tiếp nhận và tổng hợp ý kiến, góp ý của doanh nghiệp, thì cần phải nâng cao sự hiệu quả trong khâu tiếp nhận những ý kiến, góp ý. Các ý kiến, góp ý nếu cứ gửi tới mà không có sự phản hồi từ các cấp chính quyền thì sẽ khiến những cảm nhận tích cực từ doanh nghiệp giảm xuống. Do đó cần có cơ chế đảm bảo các ý kiến, góp ý từ doanh nghiệp được các cơ quan tiếp nhận và xử lý một cách thực chất.
Tiếp tục thực hiện các nỗ lực cắt giảm Chi phí không chính thức, đây là điểm cần tiếp tục cải thiện ở cả 2 nhóm sở, ban, ngành và địa phương. Theo ông Hồ Anh Tuân, các giải pháp cần tập trung thực hiện là Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính – Thanh tra, kiểm tra công vụ thường xuyên – Gắn chặt trách nhiệm kiểm soát tham nhũng với công tác đánh giá cán bộ.
“Bên cạnh đó cần thường xuyên rà soát để đơn giản hóa thủ tục hành chính, không quy định thêm và kiên quyết loại bỏ những quy trình, khâu trung gian, giấy tờ không cần thiết, khắc phục tình trạng khép kín, thiếu công khai, minh bạch dễ phát sinh tiêu cực trong giải quyết các thủ tục hành chính với doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đồng bộ cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai ở cấp huyện Các đơn vị tiếp tục tập trung rút ngắn thời gian hoàn thành một số thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm về đất đai cần được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế, đúng quy định và kịp thời. Cùng với đó là công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thông tin về khu đất, quỹ đất sạch bán đấu giá để doanh nghiệp dàng tiếp cận”, Phó Giám đốc VCCI miền Trung – Tây Nguyên kiến nghị.
Tỉnh Quảng Nam cũng cần chủ động tổ chức giải đáp trực tiếp các vướng mắc về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai cho doanh nghiệp hiểu rõ khi thực hiện các thủ tục hành chính. Hiện nay hoạt động của các doanh nghiệp khi đầu tư trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản đang gặp khá nhiều khó khăn. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục cải cách khắc phục khâu thủ tục pháp lý thuận lợi hơn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Về công tác giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh có thể cân nhắc tỉnh thành lập Ban chỉ đạo đền bù giải toả giám sát và hỗ trợ các doanh nghiệp vì nếu để doanh nghiệp tự thực hiện thì rất khó khăn như đề xuất của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh. Cần chỉ đạo sát sao sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng đặc biệt là giữa Phòng Tài nguyên môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất và UBND phường, xã…
Đặc biệt là chú trọng công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chương trình, kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh. Đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp có thể tập trung vào các nội dung như công tác xây dựng các chương trình/kế hoạch cụ thể tại đơn vị và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại kế hoạch cụ thể đó; kết quả thực hiện các chỉ số, chỉ tiêu được giao tại kế hoạch của tỉnh.
“Ngoài ra có thể mở rộng việc kiểm tra về việc triển khai và kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thuộc ngành, địa phương mình quản lý, những giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ, xây dựng nền hành chính công vụ hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Tránh tình trạng có kế hoạch hành động nhưng không được thực thi hoặc thực thi không tốt ở các đơn vị”, ông Tuân nói thêm.
Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp