Triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay gói 40 ngàn tỉ đồng chưa đáp ứng yêu cầu
Chính phủ nhìn nhận việc giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vay trong gói 40 ngàn tỉ đồng của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội chưa đáp ứng yêu cầu.
Sáng 6-11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu
Đi vào các nhóm vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết các lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; tài chính; ngân hàng, từ đầu năm 2023, đã 4 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%; triển khai gói tín dụng 120 ngàn tỉ đồng cho nhà ở xã hội, 15 ngàn tỉ đồng cho lâm sản, thủy sản; tập trung vốn tín dụng cho các động lực tăng trưởng, lĩnh vực ưu tiên.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Chính phủ, trong các lĩnh vực này vẫn còn những hạn chế, bất cập, đúng như nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu. Tiến độ hoàn thành các quy hoạch ngành, vùng, quy hoạch tỉnh còn chậm. “Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vay trong gói 40 ngàn tỉ đồng của Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH chưa đáp ứng yêu cầu”.
Cùng với đó, việc sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Tiếp cận tín dụng còn hạn chế, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém gặp nhiều khó khăn do phải đánh giá đúng giá trị tài sản đã qua nhiều thời kỳ.
Về các lĩnh vực: Công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng; tài nguyên và môi trường, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết kim ngạch xuất khẩu nông sản 10 tháng năm 2023 đạt 43,08 tỉ USD, xuất siêu 9,3 tỉ USD; dự kiến cả năm 2023 đạt 43 triệu tấn lúa, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, các cân đối lớn và ổn định kinh tế vĩ mô.
Chính phủ đã trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư 6 dự án giao thông trọng điểm quốc gia với tổng vốn đầu tư gần 400 ngàn tỉ đồng. Đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục khởi công toàn bộ các dự án được Quốc hội thông qua; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công các dự án giao thông.
Từ năm 2021 đến nay, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 659 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đưa vào khai thác là 1.822 km; phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành và vượt mục tiêu 3.000 km đường cao tốc theo Nghị quyết Đại hội XIII.
Về các lĩnh vực: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động – thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông, bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cục bộ chưa được khắc phục triệt để; chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu; chưa xử lý dứt điểm các dự án bệnh viện chậm tiến độ. Số người lao động mất việc làm, giảm giờ làm, rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng cục bộ; lao động khu vực phi chính thức còn lớn; tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao.