[Thừa Thiên Huế] Nắm bắt cơ hội đón luồng khách quốc tế

Chính sách mới thị thực (visa) về xuất, nhập cảnh chính thức có hiệu lực từ 15/8/2023, được dự báo sẽ giúp lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khoảng 20 – 30% vào cuối năm nay và năm 2024. Song để đạt được mục tiêu, đòi hỏi những người làm du lịch sớm có phương án đón luồng khách quốc tế.

Khách quốc tế đến Huế bằng đường hàng không

Cơ hội để du lịch bứt phá

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP ngày 14/8/2023 (có hiệu lực từ ngày 15/8/2023) mở đường cho việc áp dụng visa điện tử đối với công dân tất cả 257 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, thúc đẩy mối quan hệ quốc tế. Trước đó, visa điện tử được Việt Nam áp dụng đối với 80 quốc gia.

Theo chính sách thị thực mới, thời hạn visa điện tử tăng từ 1 tháng lên tối đa 3 tháng, tạo điều kiện để người nước ngoài có thêm thời gian trải nghiệm và khám phá đất nước Việt Nam. Cũng từ ngày 15/8/2023, công dân của những nước được miễn thị thực đơn phương có thời hạn miễn thị thực nhập cảnh tại Việt Nam kéo dài từ 15 ngày lên 45 ngày. Đây là cơ hội tốt cho ngành du lịch Việt Nam, trong đó có Thừa Thiên Huế.

Lâu nay, nhắc đến thu hút khách quốc tế tham quan và lưu trú chưa cao, ngành du lịch nhắc nhiều đến lý do chính sách visa chưa cởi mở. Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, chính sách visa lâu nay là “nút thắt” khiến khách quốc tế, đặc biệt là khách châu Âu không thể ở lại dài ngày. Còn theo TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, câu chuyện visa những năm qua đã tồn tại trong thời gian rất dài. Chính sách như trước đây là chỉ miễn visa cho hai mươi mấy nước và chỉ có 15 ngày, ảnh hưởng thời gian lưu trú của khách.

Chính sách visa thông thoáng được ví như đòn bẩy giúp ngành du lịch phát triển vượt bậc, tăng nhanh lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Song, tín hiệu vui này cũng cần độ trễ, đòi hỏi những người làm du lịch sớm có phương án đón “làn sóng” khách quốc tế.

Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, việc thực hiện chính sách mới về visa là bước tiến lớn tháo gỡ nút thắt cho du lịch Việt Nam sau dịch COVID-19. Vấn đề hiện nay là các doanh nghiệp du lịch tạo dựng sản phẩm phù hợp và đẩy mạnh thông tin quảng bá tới du khách quốc tế biết đến chính sách mới này để chủ động lên kế hoạch đi du lịch Việt Nam.

Hợp lực để tạo đột phá trong phát triển du lịch

Từ nay đến cuối năm thời gian không còn nhiều, đòi hỏi các doanh nghiệp tập trung chuẩn bị sẵn sàng cho mùa cao điểm đón khách du lịch quốc tế vào dịp cuối năm. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh khảo sát thị trường, từ đó xây dựng và điều chỉnh các sản phẩm du lịch có hành trình tour dài ngày hơn, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng và phù hợp với nhu cầu của thị trường. Các doanh nghiệp lữ hành du lịch cũng chủ động truyền thông, thông báo cho các đối tác quốc tế biết về chính sách visa mới của Việt Nam, đặc biệt là các thị trường nhận được lợi ích trực tiếp từ chính sách visa mới, đẩy mạnh tiếp thị, xúc tiến du lịch đến các thị trường trọng điểm.

Trước mắt, chính sách visa mới này sẽ có tác động ngay đến luồng khách du lịch đi nhỏ lẻ, như “Tây ba lô”, do thời gian linh hoạt và thiên về du lịch trải nghiệm. Về lâu dài, chính sách này hướng đến du khách nghỉ dưỡng, tránh mùa đông của các nước châu Âu, Nga thường có kỳ nghỉ dài ngày vào dịp cuối năm. Đây là điều các doanh nghiệp lữ hành du lịch cần nghiên cứu để xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp.

Để thúc đẩy phát triển du lịch hiệu quả, vai trò hợp lực giữa các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp rất lớn. Hiện, ban lãnh đạo Vietnam Airlines đã chỉ đạo các chi nhánh trong và ngoài nước đẩy mạnh truyền thông rộng rãi về chính sách thị thực mới của Việt Nam. Trong đó, có việc cập nhật điều này trong các hội thảo, hội chợ tại các thị trường để các đối tác, công ty du lịch nắm bắt cơ hội và mở rộng hợp tác trong giai đoạn tới. Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam tập trung xây dựng những sản phẩm tour phù hợp với khách quốc tế đến từ các thị trường trọng điểm như Pháp, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ…

Công ty Hàng không Lữ hành Việt Nam – Vietravel Airlines cũng đã tăng đội máy bay lên sáu chiếc trong tháng 9/2023. Cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, công ty đã làm việc với các nhà chức trách hàng không tại khu vực Đông Bắc Á để sớm có chuyến bay thường lệ và chuyến bay thuê chuyến đến các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… Như vậy, du khách quốc tế có thêm sự lựa chọn bay để đến Việt Nam.

Ông Đinh Việt Phương, Tổng giám đốc Công ty CP Hàng không Vietjet cho biết, đối với Thừa Thiên Huế, Vietjet đã khai thác đường bay quốc tế đầu tiên đến sân bay Phú Bài từ Côn Minh (Trung Quốc) cùng với đường bay Huế – Seoul (Incheon, Hàn Quốc), Huế – Đài Bắc (Đài Loan). Thời gian tới, Vietjet sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan của tỉnh, Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài để tổ chức thêm nhiều chuyến bay hơn nữa, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Thừa Thiên Huế.

Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc khẳng định, ngành du lịch tỉnh cũng đang kết nối nhiều bên, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, truyền thông hình ảnh, sản phẩm du lịch địa phương. Đồng thời, hỗ trợ kết nối và quảng bá cho doanh nghiệp du lịch tỉnh xây dựng các sản phẩm mới, đặc biệt là du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE, du lịch làng nghề truyền thống và du lịch tâm linh để bổ trợ thêm cho du lịch di sản; đồng thời xây dựng các danh hiệu: “Huế – Thành phố Lễ hội”, “Huế – Kinh đô Áo dài”, “Huế – Kinh đô ẩm thực”.

Theo Báo Thừa Thiên Huế