[Ðắk Lắk] Phát huy hiệu quả của các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp

Đẩy mạnh xây dựng và phát triển chi hội, tổ hội nghề nghiệp là cách mà các cấp Hội Nông dân trong tỉnh thực hiện, tạo điều kiện để hội viên nông dân có cơ hội liên kết phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập hộ gia đình, góp phần phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.

Nông dân liên kết sản xuất

Năm 2020, sau khi tổ chức cho hội viên nông dân tham quan mô hình trồng nhãn hương chi tại huyện Ea Kar, nhận thấy đây là loại cây dễ trồng và phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, ông Nguyễn Xuân Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) đã khảo sát nhu cầu của hội viên nông dân và đề xuất với Hội Nông dân huyện hỗ trợ thành lập Tổ hội nông dân nghề nghiệp Nhãn Hương Chi với 10 thành viên; đồng thời lập dự án vay vốn (từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh) với số tiền 600 triệu đồng để triển khai mô hình.

Cán bộ, hội viên nông dân tham quan mô hình của thành viên Tổ hội nông dân nghề nghiệp Nhãn Hương Chi (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana).

Hiện nay, các thành viên của tổ đã phát triển diện tích trồng nhãn lên gần 5 ha, đã cho thu hoạch với năng suất đạt trên 20 tấn/ha, giá ổn định từ 25.000 – 30.000 đồng/kg. Mô hình không chỉ tạo thu nhập ổn định cho các thành viên với mức bình quân đạt 500 triệu đồng/ha mà còn tạo việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương.

Anh Trần Quang Vinh, Tổ trưởng Tổ hội nông dân nghề nghiệp Nhãn Hương Chi chia sẻ: “Các thành viên tham gia tổ được hướng dẫn, giúp đỡ nhau về vốn, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây nhãn đảm bảo an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình. Để đảm bảo sản phẩm nhãn sản xuất ra đạt năng suất, chất lượng, các thành viên đã cam kết cùng thực hiện quy trình sản xuất an toàn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và bảo quản sản phẩm theo đúng quy định, tiến tới tạo thương hiệu cho sản phẩm. Trong thời gian tới, tổ sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất, kết nạp thêm hội viên mới, thường xuyên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với các đơn vị trồng nhãn trong và ngoài tỉnh để tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật và các biện pháp canh tác mới nhằm hoàn thiện quy trình canh tác, xây dựng vườn nhãn hữu cơ với năng suất và chất lượng cao”.

Thành lập từ năm 2021 với 20 thành viên, Chi hội “Nông dân sản xuất nông sản sạch – xã Ea Tir” (thôn 3, xã Ea Tir, huyện Ea H’leo) hoạt động theo phương thức tự nguyện, tự quản, tập trung dân chủ. Ngay khi chi hội thành lập, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ các thành viên tham gia dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong canh tác cây sầu riêng theo hướng an toàn sinh học” với quy mô 8 ha, tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng.

Là hội viên của chi hội, ông Lê Trung Tuyến chia sẻ: “Nếu như trước đây, khi làm độc lập, mỗi hộ sẽ tự sản xuất riêng lẻ, thiếu kết nối trong tiêu thụ sản phẩm, thì khi vào chi hội, tham gia dự án, chúng tôi được hỗ trợ giống, chuyển giao kỹ thuật dùng chế phẩm sinh học cho việc phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh, chất kích thích tăng trưởng bón cho cây trồng; cải tạo đất, xử lý phế thải nông nghiệp. Bên cạnh đó, các thành viên tự giám sát, hỗ trợ nhau về kinh nghiệm sản xuất. Nhờ vậy, nhiều hộ đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, từng bước hình thành vùng trồng sầu riêng an toàn với quy mô lớn tại địa phương”.

Duy trì và nhân rộng mô hình hiệu quả

Hiện nay, sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các thành phần tham gia, nhất là đối với nông dân. Việc xây dựng các chi hội, tổ hội nghề nghiệp đã tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể.

Mô hình canh tác cây sầu riêng theo hướng an toàn sinh học của thành viên Chi hội “Nông dân sản xuất nông sản sạch – xã Ea Tir”, huyện Ea H’leo.

Xác định được tầm quan trọng, nhiệm kỳ 2018 – 2023, Hội Nông dân tỉnh đã có nhiều kế hoạch, chuyên đề để hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể, trong đó xây dựng, phát triển các mô hình chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp theo tiêu chí “5 cùng” (cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi).

Kết quả nhiệm kỳ qua, Hội đã xây dựng được 36 chi hội nông dân nghề nghiệp, 200 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 66 hợp tác xã, 164 tổ hợp tác với 5.517 thành viên; thông qua đó kết nạp được 1.380 nông dân tham gia vào tổ chức Hội.

Bà Lại Thị Loan, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Khi tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, người nông dân cũng đã chủ động trang bị kiến thức về quy trình sản xuất an toàn, áp dụng khoa học kỹ thuật, vay vốn để đầu tư, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, giúp tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây được coi là giải pháp căn cơ để cơ cấu lại sản xuất, hình thành các chuỗi sản xuất liên kết để giúp người nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp”.

Để các loại hình kinh tế hợp tác ngày càng được phát triển, tăng lên về số lượng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hoạt động bền vững, bên cạnh phát huy nội lực, Hội Nông dân các cấp cần nghiên cứu, đề xuất thêm các chính sách từ cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, phương thức quản lý vận hành để giúp thành viên các mô hình có định hướng cụ thể về sản xuất. Bên cạnh đó, khảo sát, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh nhằm lựa chọn, phát huy thế mạnh ngành nghề, lĩnh vực của các địa phương trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền, vận động người dân đăng ký thành lập, tham gia chi hội, tổ hội nghề nghiệp.

Theo Báo Ðắk Lắk