Chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh
Tổng thu ngân sách Nhà nước 7 tháng năm nay ước đạt 1.016 nghìn tỷ đồng, bằng gần 63% dự toán năm. Trong bối cảnh Nhà nước liên tục có các chính sách về giảm thuế VAT 2%, giảm tiền thuê đất, giãn nộp thuế cho doanh nghiệp và người dân thì kết quả thu ngân sách như vậy rất đáng ghi nhận.
Đã hơn 1 tháng chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đi vào thực tiễn, Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia An tiết kiệm gần 200 triệu đồng tiền mua nguyên vật liệu. Bên cạnh đó, hàng loạt chính sách như: giãn, hoãn nợ thuế; miễn, giảm tiền thuê đất, hoàn thuế giá trị gia tăng… được đẩy nhanh, doanh nghiệp có thêm được nguồn lực gần 10 tỷ đồng để đầu tư, phục hồi sản xuất kinh doanh. Dự tính, hoạt động kinh doanh duy trì sự ổn định cùng tín hiệu thị trường phục hồi ở những tháng cuối năm, nên khi đơn hàng về nhiều hơn, tiền tạm nộp thuế của đơn vị có thể lên 4 tỷ đồng.
“Các chính sách về thuế hỗ trợ doanh nghiệp đã giúp doanh nghiệp tích luỹ được lợi nhuận và từ tích luỹ lợi nhuận đó sẽ đóng góp được thuế cho nhà nước cũng như chăm lo đời sống của người lao động ngày càng tốt hơn, ví dụ thời gian ngắn vừa rồi, chính sách thuế đã giúp doanh nghiệp chúng tôi tiết kiệm được hàng tỉ đồng. Và đây là điều đáng mừng và tạo đà cho doanh nghiệp trong những tháng tới đây…”, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia An nêu thực tế.
Ngành thuế tiếp tục thực hiện chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh (Ảnh minh họa: KT)
Còn với doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu, nhờ các chính sách hỗ trợ kịp thời, đơn vị đã có thêm nguồn lực để thực hiện vai trò bình ổn thị trường, giữ giá cả và thêm nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu.
“Với chương trình giảm thuế của Chính phủ cộng với nội lực của doanh nghiệp, với những chương trình khuyến mãi mà chúng tôi đã và đang thực hiện thường xuyên, chúng tôi kỳ vọng doanh thu ở giai đoạn 6 tháng cuối năm sẽ tăng từ 10 – 15%”, ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản cho biết.
Mặc dù thu ngân sách 7 tháng đảm bảo tiến độ, nhưng dự báo, những tháng cuối năm sẽ còn khó khăn. Do vậy, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế tập trung triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc cải cách thủ tục hành chính và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt là về hoàn thuế giá trị gia tăng. Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách, Tổng cục thuế cho biết, những chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp năm nay cơ bản kế thừa chính sách năm trước đó. Tuy nhiên, về đối tượng được gia hạn, Nghị định số 12/2023 loại trừ đối tượng là “tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
“Để góp phần tiếp tục hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp, cá nhân tập trung vốn vào sản xuất, kinh doanh, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn thông qua giảm chi phí tài chính, hỗ trợ thanh khoản và dòng tiền, Tổng cục Thuế đã trình Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023”, bà Phạm Thị Minh Hiền cho biết thêm.
Ngay từ đầu năm 2023, trước triển vọng không mấy lạc quan của nền kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam có khả năng sẽ chịu nhiều tác động, để chuẩn bị đối mặt với các khó khăn trước mắt, cần những giải pháp đồng bộ, linh hoạt, chủ động từ cả phía cơ quan quản lý, đến từng người dân và doanh nghiệp. Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là mấu chốt để quốc gia đương đầu được với khó khăn, tiếp tục chinh phục những cột mốc tăng trưởng mới.
Các chính sách về thuế hỗ trợ doanh nghiệp đã giúp doanh nghiệp tích luỹ được lợi nhuận (Ảnh minh họa: KT)
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, ngay từ những tháng cuối năm 2022, Bộ Tài chính cũng đã chuẩn bị và nghiên cứu, đề xuất một loạt các giải pháp liên quan đến chính sách tài khoá cũng như chính sách thuế để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Bộ Tài chính cũng đã có kiến nghị và báo cáo với Chính phủ theo thẩm quyền, Chính phủ quyết định, tiếp tục hoãn thời gian nộp một số khoản thuế cho doanh nghiệp và người dân, trên cơ sở đó lại tiếp tục hỗ trợ dòng tiền và thanh khoản cho đối tượng nộp thuế.
“Về cơ bản, Bộ Tài chính đã đề xuất các chính sách về thuế, phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân trong năm 2023 tương tự như các chính sách được áp dụng trong năm 2022, tất nhiên là có những chính sách có sự điều chỉnh, nhưng tinh thần thì Chính phủ vẫn tiếp tục các chính sách để hỗ trợ cho người dân doanh nghiệp, thông qua các chính sách thuế, các chính sách tài chính và cũng sẵn sàng các kịch bản khác nữa nếu như tình huống năm 2023 có những diễn biến cần thiết phải có các tác động của các chính sách hỗ trợ người dân doanh nghiệp”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi thông tin.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 7/2023 đạt khoảng 109.000 tỷ đồng, trong đó miễn, giảm khoảng 31.600 tỷ đồng; gia hạn khoảng 77.400 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam đánh giá, thực hiện chính sách đã tạo thêm động lực và niềm tin cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
“Để các chính sách, gói giải pháp thực sự đi vào cuộc sống, phải làm tốt công tác tuyên truyền hướng dẫn để các doanh nghiệp, doanh nhân thấy được quyền lợi của mình được hưởng, thời điểm được gia hạn thuế, những loại phí nào được giảm và mặt hàng nào, dịch vụ nào được giảm thuế giá trị gia tăng. Và đi đôi với tuyên truyền thì phải hỗ trợ điều chỉnh kê khai bổ sung… Về phía người nộp thuế thì thấy được nhà nước có khó khăn nhưng luôn luôn tạo điều kiện để cho doanh nghiệp được hưởng những thuận lợi và nhận những khó khăn về mình thì doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm với đất nước”, bà Nguyễn Thị Cúc nêu ý kiến.
Tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế sản xuất kinh doanh, ngay từ tháng 7, Bộ Tài chính có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi). Nhận định những tháng cuối năm, tình hình thế giới vẫn diễn biến khó lường, lạm phát tuy hạ nhiệt nhưng còn ở mức cao, cơ quan thuế tiếp tục tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý thu ngân sách theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính. Theo đó, ngành thuế tiếp tục thực hiện tốt các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, tạo đà cho doanh nghiệp và người dân nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.