Xây dựng Nghị định mới về xăng dầu: Cần duy trì động lực thị trường
Đây là chia sẻ của ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký, kiêm Trưởng ban Pháp chế – VCCI tại hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu” sáng 14/5/2024.

Theo đó, để bảo đảm tính hợp lý, khả thi của văn bản, bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp, sáng ngày 14/5/2024, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu”.

Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu” do VCCI và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức

Thông tin tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký, kiêm Trưởng ban Pháp chế – VCCI nhấn mạnh, xăng dầu là mặt hàng đặc biệt quan trọng, việc điều hành ngành này cũng rất khó không chỉ với Việt Nam mà nhiều quốc gia vì phải cân bằng nhiều lợi ích.

Đồng thời cho rằng, nếu giá xăng dầu cao, sẽ tốt cho doanh nghiệp ngành này nhưng lại ảnh hưởng đến vĩ mô khác. Mặt khác, chi phí doanh nghiệp xăng dầu bỏ ra lớn, nên những bất ổn trên thị trường có nhiều rủi ro gây đứt gãy chuỗi. Thực tế này chúng ta đã chứng kiến hơn 1 năm trước…

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký, kiêm Trưởng ban Pháp chế – VCCI thông tin tại hội thảo

Theo ông Tuấn, Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu không chỉ tác động đến cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực này mà tác động đến nhiều ngành khác. Cho nên rút kinh nghiệm từ những bất ổn trong những năm qua, lần sửa này cần đảm bảo quan điểm công khai minh bạch, thị trường hoá, hướng đến bền vững, duy trì động lực thị trường trong Nghị định.

“Để làm được điều đó, Bộ Công Thương cần lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp, cần tạo động lực để người góp ý nói thẳng, nói thật… từ đó đưa ra những điểm phù hợp nhất”, ông Tuấn bày tỏ.

Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương thông tin tại hội thảo

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng cho hay, xăng dầu là mặt hàng chiến lược và phải có cơ chế quản lý. Vì thế, cơ chế quản lý có hướng tiếp cận khác so với các mặt hàng khác.

Theo ông Chinh, điểm khác không chỉ đơn thuần là làm sao áp chế tài cho chặt, cho mạnh, mà chúng ta phải có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào thị trường gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ quốc gia.

“Sở dĩ có điều này, trước đây, chúng ta vẫn nghĩ các doanh nghiệp khi kinh doanh xăng dầu mang lại rất nhiều lợi nhuận, chỉ cần bơm ra là có tiền. Thế nhưng không phải như vậy. Xăng dầu là mặt hàng không phụ thuộc vào cung cầu mà phụ thuộc vào địa chính trị – yếu tố chúng ta không thể đoán trước được”, ông Chinh lý giải.

Đồng thời cho rằng, vì đặc thù như vậy, chúng ta cần phải có chiến lược linh hoạt, thực tiễn. Điều này thể hiện trong 4 vấn đề lớn được đề cập trong Nghị định lần này, các vấn đề được kế thừa từ nội dung của Nghị định cũ và có những điều chỉnh mới để phù hợp với thị trường hiện nay.

Các đại biểu tham gia phát biểu tại hội thảo

Nhìn nhận về Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo đã kế thừa những ưu điểm của Nghị định hiện hành; Sửa đổi, bổ sung, thay thế các điều khoản cho phù hợp với tinh hình thực tiễn và yêu cầu quản lý kinh doanh hiện nay. Về cơ bản những quy định khá rõ ràng, khắc phục những tồn tại bất cập trong quản lý kinh doanh xăng dầu.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Đơn cử như vấn đề liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; chi phí định mức dành cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong cơ cấu tính giá;…

Từ đó, các chuyên gia, các doanh nghiệp cũng đề xuất, kiến nghị các giải pháp xây dựng, hoàn thiện Dự thảo nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường xăng dầu hiện nay.

Tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các doanh nghiệp trong góp ý xây dựng Dự thảo, ông Phan Văn Chinh mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa những ý kiến thiết thực để Dự thảo khi hoàn thiện, ban hành và đi vào cuộc sống sẽ giải quyết được những tồn tại của thị trường xăng dầu hiện nay.

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp