[Bình Định] Dịch vụ cảng biển, logistics – động lực tăng trưởng kinh tế

Phát huy mạnh mẽ lợi thế vị trí địa lý có được, trong mấy năm gần đây tỉnh Bình Định tập trung phát triển hệ thống logistics, dịch vụ cảng biển phù hợp với tiềm năng lợi thế từ biển, góp phần quan trọng để sớm đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm dịch vụ – du lịch – thương mại hiện đại của cả nước.

Đưa cảng biển thành động lực tăng trưởng

Một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế mà tỉnh Bình Định xác định là dịch vụ cảng biển – logistics. Toàn tỉnh có 4 cảng lớn đều ở tại TP Quy Nhơn: Cảng Quy Nhơn, Tân Cảng Quy Nhơn, Tân Cảng miền Trung, cảng Thị Nại. Trong kế hoạch phát triển đến năm 2025, hệ thống cảng sẽ tiếp tục được đầu tư mở rộng lên gần 90 ha, tức gấp 3 lần hiện nay, để đáp ứng vai trò cảng cửa ngõ khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Tháng 8.2023, cảng Quy Nhơn đưa bến số 1 mở rộng đi vào hoạt động, đảm bảo tiếp nhận đồng thời 2 tàu hàng tổng hợp, tàu container 30.000 tấn đầy tải.

Cảng Quy Nhơn nhìn từ bán đảo Phương Mai. Ảnh: NGUYỄN DŨNG

Ông Lê Hồng Quân, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Quy Nhơn, cho biết: Để tăng năng lực và hiệu quả khai thác Cảng Quy Nhơn, Công ty CP Cảng Quy Nhơn tập trung triển khai một số nhiệm vụ và dự án với tổng giá trị đầu tư gần 770 tỷ đồng, bao gồm: Trước ngày 30.9.2023 hoàn thành dự án nạo vét khu vực trước bến; giai đoạn 2023 – 2024, triển khai dự án đầu tư 2 cẩu quay đa năng giá trị 250 tỷ đồng; dự án kho chuyên dùng 10.000 m2 giá trị 60 tỷ đồng; dự án sửa chữa mặt cầu và cầu dẫn bến số 4 – Cảng Quy Nhơn giá trị 6 tỷ đồng; giai đoạn sau năm 2024, Cảng Quy Nhơn triển khai dự án đầu tư 2 cẩu STS chuyên dùng cho hàng container giá trị 450 tỷ đồng…

Hệ thống cảng biển ở Bình Định thuộc nhóm cảng biển số 3, có các bến container tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí, bến cảng dành cho tàu chở khách; có chức năng phục vụ phát triển KT-XH của địa phương và cả khu vực Tây Nguyên. Về quy mô, các cảng phục vụ cỡ tàu container tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 50.000 tấn (kết hợp tiếp nhận tàu chở khách); tàu hàng lỏng/khí đến 10.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện. Do đó, dự án Khu cảng nội địa ICD Tuy Phước (giai đoạn 1) dự kiến mức đầu tư 395 tỷ đồng sẽ đáp ứng nhu cầu mở rộng kho bãi sau bến cảng đang phát triển nhanh.

Cảng Quy Nhơn liên tục thực hiện các dự án nâng cấp dịch vụ, kho bãi. Ảnh:DNCC

Phát triển logistics -tầm nhìn tương lai

Bình Định đã và đang dồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông hoàn chỉnh có tính liên thông gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và đường hàng không, đảm bảo kết nối tới cảng nước sâu và mạng lưới logistics trên địa bàn tỉnh.

Năm 2023, UBND tỉnh đã triển khai việc quy hoạch, mời gọi các nhà đầu tư xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics. Đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đối với 3 dự án: Khu kho bãi, dịch vụ, logistics 4 QL 19 mới với tổng diện tích 4,02 ha; Khu kho bãi, dịch vụ, logistics 5 QL 19 mới với tổng diện tích 4,02 ha; Khu dịch vụ kho bãi, logistics tại xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước với tổng diện tích 2,9 ha.

Tại sự kiện Gặp gỡ Bình Định – Nhật Bản năm 2023, ông Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, nhấn mạnh: Để phát triển logistics, cần phải phát triển hạ tầng kết nối, không chỉ kết nối vùng mà còn kết nối khu vực, với các trục giao thông lớn của quốc gia và quốc tế. Tỉnh Bình Định đang làm tốt điều này ở giai đoạn đầu khi phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông thông theo trục Bắc – Nam như tuyến đường bộ ven biển, đường bộ cao tốc; hướng Đông – Tây, hình thành các hành lang kinh tế để kết nối với các tỉnh Tây Nguyên nhằm phát huy lợi thế là cửa ngõ hướng ra biển của các tỉnh trong vùng như cao tốc Pleiku – Quy Nhơn; dự án kết nối giao thông Tây Nguyên….

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: UBND tỉnh đã chủ động lồng ghép với các hoạt động đối ngoại nhằm thúc đẩy, mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế về logistics thông qua việc tăng cường liên kết với các hiệp hội và DN dịch vụ logistics, như: Hội thảo trực tuyến “Logistics Hà Lan Việt Nam: Xác định cơ hội và kết nối đối tác” do Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức; Hội nghị tập huấn kiến thức về logistics với nội dung “Thúc đẩy giao hàng chặng cuối gắn với thương mại điện tử trong tình hình dịch Covid-19”. Ngoài ra, tỉnh cũng đã chủ động mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các địa điểm quy hoạch phát triển trung tâm logistics trên địa bàn. Điển hình, Khu phức hợp công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định quy mô tổng thể 1.425 ha được chia làm 5 dự án thành phần là dự án Khu Công nghiệp 1.000 ha và 4 dự án khu dân cư, đô thị, dịch vụ với quy mô 425 ha…

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4317/QĐ-UBND về Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics tỉnh Bình Định đến năm 2025. Mục tiêu là phát triển dịch vụ logistics với tốc độ tăng trưởng cao và nâng mức đóng góp của dịch vụ logistics, phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng đóng góp trong GDP của dịch vụ logistics nằm trong nhóm cao trong khu vực dịch vụ của tỉnh, tốc độ trung bình dịch vụ logistics đến năm 2025 tăng trên 12%/năm, góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra.

Theo Báo Bình Định