VCCI: Nên cắt giảm ‘giấy phép con’ trong kinh doanh vàng trang sức
Theo TS Nguyễn Minh Thảo, còn một số vấn đề bất cập như điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định, vẫn tồn tại điều kiện kinh doanh không cần thiết, điều kiện kinh doanh lồng ghép trong các quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh thể hiện dưới hình thức chứng chỉ khá phổ biến.
Ngày 25/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2023, điểm lại những chuyển biến nổi bật của pháp luật kinh doanh Việt Nam năm qua.
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, trong quá trình tham gia và theo sát quá trình xây dựng chính sách, pháp luật trong năm vừa qua, VCCI nhận thấy có một số “dòng chảy” đáng lưu ý như hoạt động cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa chi phí cho doanh nghiệp được thúc đẩy mạnh mẽ; đã có nhiều nỗ lực để tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp.
Dấu ấn của doanh nghiệp trong hoạt động vận động chính sách thể hiện ở Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt… Nhiều ý kiến mạnh mẽ, kiên trì của doanh nghiệp đã tác động đến cơ quan soạn thảo chính sách.
Dù vậy, vẫn còn một số chính sách chưa phù hợp, cần tiếp tục thay đổi mạnh mẽ về tư duy quản lý hay chính sách chuyển đổi xanh đang được thúc đẩy mạnh mẽ nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn từ phía doanh nghiệp.
Chính sách quản lý xăng dầu là một ví dụ. Hiện, Nhà nước đang can thiệp trực tiếp vào giá thành, quy định chặt chẽ về phương thức kinh doanh, tổ chức hệ thống phân phối, dự trữ, số lượng đầu mối, điều chỉnh giá… Chính sách quản lý như vậy làm giảm khá nhiều sự năng động, cạnh tranh trên thị trường.
Cũng theo báo cáo của VCCI, Chính phủ luôn thúc đẩy các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó chú trọng đến các hoạt động về cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh để giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Hàng nghìn điều kiện kinh doanh được bãi bỏ hoặc đơn giản hóa. Thủ tục hành chính từng bước được cải thiện và thuận lợi hơn rất nhiều, đặc biệt là một số lượng lớn thủ tục đã chuyển sang thực hiện trên môi trường điện tử.
Tuy nhiên, báo cáo của VCCI cũng chỉ ra rằng, việc cắt giảm các quy định về điều kiện kinh doanh được thực hiện mạnh mẽ trong giai đoạn 2016-2020; còn giai đoạn gần đây chưa có sự đột phá.
Đáng lưu ý, việc cắt giảm “giấy phép con” có xu hướng hạ nhiệt; đối với một số lĩnh vực không những không giảm mà còn tăng thêm.
Theo báo cáo, một số lĩnh vực có thể cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh như: kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu; kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ; nhập khẩu thiết bị in…
Theo TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), từ năm 2019, nhất là từ năm 2020 đến nay, cải cách môi trường kinh doanh nói chung và ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh nói riêng có xu hướng chững lại. Điều kiện kinh doanh vẫn tạo nhiều rào cản, hạn chế về quyền tự do kinh doanh, ẩn chứa rủi ro, và tạo gánh nặng chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp.
TS Nguyễn Minh Thảo cho biết, kết quả rà soát điều kiện kinh doanh của CIEM (2023) cho thấy còn một số vấn đề bất cập như điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định, điều kiện kinh doanh lồng ghép và chứa đựng các giấy phép, vẫn tồn tại điều kiện kinh doanh không cần thiết, điều kiện kinh doanh lồng ghép trong các quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh thể hiện dưới hình thức chứng chỉ khá phổ biến.
VCCI nhấn mạnh bên cạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về kinh doanh, cần kiểm soát các quy định sắp ban hành để đảm bảo các quy định mới thực sự tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, tránh phải rà soát, sửa đổi sau này.