VCCI lo ngại dự thảo sửa đổi Luật Quản lý thuế tạo gánh nặng lớn cho sàn thương mại điện tử
Theo VCCI, quy định tại Dự thảo sửa đổi Luật Quản lý thuế có thể tạo ra gánh nặng tuân thủ lớn cho các sàn thương mại điện tử, trong khi chưa đánh giá tác động một cách đầy đủ về lợi ích có thể đạt được so với chi phí bỏ ra.
Hiện Quốc hội đang xem xét Dự thảo Luật sửa đổi Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia (Dự thảo). Đây là dự thảo quan trọng, có tác động lớn đến doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực.
Với Luật Quản lý thuế, Điều 6.5 Dự thảo (sửa đổi Điều 42.2 Luật Quản lý thuế) bổ sung trách nhiệm của sàn thương mại điện tử (TMĐT) trong kê khai, nộp thuế hộ người bán.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ doanh nghiệp và chuyên gia, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, quy định này cần được xem xét ở một số điểm.
Thứ nhất, quy định tại Dự thảo là chưa thống nhất với các văn bản luật khác trong lĩnh vực thuế. Cụ thể, quy định chưa thống nhất với Luật Thuế thu nhập cá nhân. Điều 24 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân 2012) chỉ quy định hai chủ thể có trách nhiệm thực hiện kê khai, nộp thuế, gồm: cá nhân có thu nhập chịu thuế và tổ chức, cá nhân trả thu nhập.
VCCI lo ngại, trăn trở về một số quy định tại Dự thảo sửa đổi Điều 42.2 Luật Quản lý thuế.
Theo quy định tại Điều 28, 29 Nghị định 65/2013/NĐ-CP, thu nhập từ hoạt động kinh doanh của cá nhân cư trú không thuộc loại thu nhập phải khấu trừ thuế do tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện.
“Vì thế, sàn TMĐT không được coi là tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người bán. Như vậy, trách nhiệm kê khai, nộp thuế thuộc về cá nhân có thu nhập chịu thuế, trong trường hợp này là người bán trên sàn”, VCCI nêu.
Quy định cũng chưa thống nhất với Luật Thuế giá trị gia tăng. Điều 4 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 chỉ quy định hai đối tượng là người nộp thuế: tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (cơ sở kinh doanh); tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa (người nhập khẩu). Theo quy định này, người bán trên sàn TMĐT sẽ là đối tượng có trách nhiệm nộp thuế giá trị gia tăng.
Tóm lại, theo VCCI, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế giá trị gia tăng đều quy định trách nhiệm kê khai, nộp thuế thuộc về người bán, không phải của sàn TMĐT.
Thứ hai, quy định tại Dự thảo có thể tạo ra gánh nặng tuân thủ lớn cho các sàn TMĐT, trong khi chưa đánh giá tác động một cách đầy đủ về lợi ích có thể đạt được so với chi phí bỏ ra.
Theo nghiên cứu năm 2022 của VCCI, nếu áp dụng quy định này, các sàn TMĐT có thể phải tăng tổng chi phí hơn 10% vào năm đầu tiên thực hiện và hơn 8% vào năm tiếp theo để tuân thủ quy định này. Các chi phí chủ yếu bao gồm chi phí công nghệ thông tin và chi phí nhân sự.
Tuy nhiên, từ các tài liệu Dự thảo, VCCI nhận thấy, chưa có một đánh giá tác động toàn diện về các chi phí mà người dân, doanh nghiệp phải bỏ ra, cũng như lợi ích mà phương án này đạt được, đặc biệt là so sánh với phương pháp hiện nay.
“Việc ban hành quy định theo trình tự rút gọn, trong khi chưa có đánh giá tác động cụ thể, lại có thể mang lại các tác động nghiêm trọng cho doanh nghiệp là chưa phù hợp, chưa phù hợp với tinh thần Nghị quyết 93/NQ-CP”, VCCI nhìn nhận.
Thứ ba, quy định này chưa được hoàn thiện, còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Theo đó, VCCI đưa ra một loạt câu hỏi như: Việc thu thuế với người bán vừa kinh doanh trên sàn TMĐT vừa có cửa hàng truyền thống sẽ được thực hiện như thế nào? Hiện nay, người bán đã nộp thuế (dạng thuế khoán) cho cơ quan thuế địa phương. Nếu thu thêm thuế trên TMĐT, liệu có gây ra vấn đề thu thuế hai lần hay không?
Việc thu thuế với người bán lần đầu, người bán dưới ngưỡng thu thuế sẽ được thực hiện như thế nào? Do không có cơ chế hoàn thuế, nếu sàn TMĐT đã thu và nộp cho cơ quan thuế rồi thì có cách nào hoàn trả lại cho người bán hay không?
VCCI cũng trăn trở người bán có trách nhiệm như thế nào? Nhiều công việc các sàn TMĐT khó có thể tự làm mà phụ thuộc vào người bán như kê khai các thông tin làm căn cứ nộp thuế; xác định mức thuế với từng mặt hàng… Doanh thu tính thuế được xác định như thế nào? (giá bán, giá bán sau khi trừ khuyến mại hay giá người mua chi trả…)
“Nếu không được quy định rõ ràng và chi tiết, quy định này có thể khiến doanh nghiệp và thương nhân kinh doanh trên sàn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện” VCCI nêu.
Thứ tư, quy định như Dự thảo không theo thông lệ quốc tế. Kinh nghiệm nhiều nước như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Anh, New Zealand, Australia, Mỹ, Indonesia đều không quy định trách nhiệm sàn TMĐT phải kê khai, nộp thuế thay cho người bán trong nước.