VCCI cam kết hỗ trợ Lào trong vai trò chủ tịch ASEAN BAC 2024

Ngày 01/8/2024, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đã có buổi tiếp Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp quốc gia Lào (LNCCI), đồng Chủ tịch ASEAN BAC 2024, ông Oudet Souvannavong.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công (phải) có buổi tiếp Chủ tịch LNCCI, đồng Chủ tịch ASEAN BAC 2024, ông Oudet Souvannavong

Tại cuộc gặp, ông Phạm Tấn Công khẳng định quan hệ Việt Nam – Lào luôn giữ vai trò quan trọng đặc biệt, là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Quan hệ hợp tác song phương phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả trên các lĩnh vực, trong đó quan hệ chính trị chiếm vai trò trung tâm, luôn được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước hai bên quan tâm và liên tục được tăng cường.

Về phía VCCI, ông Phạm Tấn Công khẳng định cam kết hỗ trợ Lào đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN BAC trong năm 2024, đồng thời vẫn liên tục duy trì hợp tác chặt chẽ với LNCCI cũng như thường xuyên trao đổi thông tin về chính sách thương mại đầu tư để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Ngoài ra, VCCI sẽ phối hợp với ASEAN BAC Lào để mời các doanh nghiệp Việt Nam uy tín, có thành tích xuất sắc và có đóng góp cho sự phát triển của khu vực để tham dự Giải thưởng Doanh nghiệp ASENA (ABA) – là giải thưởng quốc tế uy tín được Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) tổ chức thường niên từ năm 2007.

Lãnh đạo VCCI cam kết sẽ hỗ trợ Lào đảm nhiệm tốt vai trò chủ tịch ASEAN BAC 2024

Lãnh đạo LNCCI và VCCI cũng thừa nhận kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào vẫn chưa tương xứng tiềm năng. Tiềm năng hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước còn rất lớn, đặc biệt là trong các lĩnh vực như khai khoáng, dược liệu, xây dựng, du lịch, ứng dụng công nghệ trong đầu tư phát triển dự án nông nghiệp, hợp tác điện gió…

Do đó, hai bên nhất trí trong thời gian tới sẽ tổ chức thêm những hoạt động kết nối, trao đổi thông tin giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là thông qua cơ chế hợp tác song phương cũng như của ASEAN như ASEAN BAC nhằm hiện thực hóa và thúc đẩy tiềm năng kinh tế của Lào cũng như Việt Nam.

Cũng trong cuộc họp tiếp với ông Oudet Souvannavong, Chủ tịch ASEAN BAC Việt Nam, Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh cũng cam kết ủng hộ hỗ trợ Lào trong công cuộc chuẩn bị kỳ họp hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) số 101.

Bên cạnh đó Chủ tịch ASEAN BAC Việt Nam và Chủ tịch ASEAN BAC 2024 đã có cuộc họp trực tuyến với Ban Thư ký ASEAN BAC và có chỉ đạo trong công tác chuẩn bị và lên kế hoạch chi tiết về sự kiện họp ASEAN BAC 101 và JBC thứ 24 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 13 đến 14/9.

Tiếp đó, Chủ tịch ASEAN BAC Việt Nam Nguyễn Quang Vinh và Chủ tịch ASEAN BAC 2024 đã có cuộc họp với Ban thư ký ASEAN BAC qua hình thức online

Hợp tác thương mại và đầu tư cũng là trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Lào, với tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương đạt từ 10 – 15% năm (trừ giai đoạn Covid-19). Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào luôn duy trì ổn định.

Năm 2021, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 1,373 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm 2020. Năm 2022, con số này là 1,7 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2021. Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương ước tính đạt khoảng 1,65 tỷ USD, giảm nhẹ 2,1% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng giá trị nhập khẩu từ Lào tăng 4,2%.

Bên cạnh đó, hợp tác đầu tư cũng rất ấn tượng. Trong năm 2023, vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Lào đạt 116,6 triệu USD, tăng 65,3% so với năm 2022. Lũy kế đến nay, Lào tiếp tục đứng thứ nhất trong số 80 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài, với 245 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 5,5 tỷ USD và Việt Nam luôn là một trong ba nước đầu tư lớn nhất tại Lào. Về phía FDI của Lào sang Việt Nam, tính lũy kế đến hết năm 2023, Lào hiện có 18 dự án đầu tư đang triển khai ổn định tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt trên 110 triệu USD.

Hiệp định thương mại Việt Nam – Lào mới đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương hai nước thay mặt Chính phủ hai bên ký kết vào ngày 8/4/2024 vừa qua. Hiệp định đã tạo hành lang pháp lý giúp thuế quan hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước cơ bản đã được bãi bỏ (đến trên 90%); đồng thời thúc đẩy tiếp cận thị trường cho hàng hóa, dịch vụ và tạo sự kết nối phát triển ổn định, bền vững và lâu dài.

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp