[Thừa Thiên Huế] Động lực để doanh nghiệp đổi mới công nghệ và sáng tạo
Doanh nghiệp (DN) đang là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp trước cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Việc cập nhật xu hướng công nghệ mới, thay đổi phương thức quản trị, đổi mới sáng tạo là vấn đề mấu chốt quyết định sự tồn tại và phát triển của DN trong thời đại số này.
Bánh ép Huế One Food đầu tư cải tiến công nghệ để tăng công suất, chất lượng sản phẩm phục vụ khách hàng
Áp lực tạo nên động lực
Tại nhiều diễn đàn bàn về ứng dụng, cải tiến, đổi mới khoa học công nghệ (KHCN) cũng như đổi mới sáng tạo, hầu hết DN trên địa bàn tỉnh đều nhận thức được rằng, DN sẽ tăng trưởng nhanh nếu nắm bắt được cơ hội, cập nhật kịp thời xu hướng công nghệ và tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Ngược lại, nếu không nắm bắt và theo kịp công nghệ mới, nguy cơ “teo” quy mô sản xuất, kinh doanh và thu hẹp thị trường là điều DN chắc chắn phải đối mặt.
Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có khoảng 6.000 DN đang hoạt động; trong đó, có đến 99% là DN nhỏ và vừa. Do nguồn lực còn hạn chế, nên hoạt động đổi mới và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa và năng lực cạnh tranh của DN chưa được chú trọng đúng mức.
Cải tiến, đầu tư công nghệ mới vào sản xuất các loại nấm cho năng suất chất lượng cao hơn
Theo ông Nguyễn Kim Tùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ, cuộc CMCN 4.0 đặt ra lời giải cho các DN, với bất kể quy mô lớn hay nhỏ, đều là đầu tư vào KHCN, coi đó là giải pháp chính cho đổi mới mô hình tăng trưởng của từng DN và cũng là cách thức định hướng để bước vào cuộc CMCN 4.0. Vì thực tế, đại đa số còn ở khoảng cách rất xa về năng lực công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ sinh học, công nghệ số… khi cuộc CMCN 4.0 diễn ra.
Bối cảnh CMCN 4.0 đòi hỏi các DN đổi mới, sáng tạo trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm toàn bộ các giai đoạn từ khâu thiết kế sản phẩm, cung ứng nguyên, phụ liệu, sản xuất, xuất khẩu và marketting đến đổi mới phương thức, mô hình quản trị sản xuất, kinh doanh; đổi mới cách tiếp cận các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng phù hợp với cuộc CMCN 4.0.
Theo đánh giá, các ngành du lịch, thương mại nội địa, CNTT, giáo dục, y tế, xây dựng được hưởng lợi từ nền tảng kết nối dữ liệu, số hóa. Trong khi đó, một số ngành như năng lượng, điện, điện tử, công nghiệp chế tạo, dệt may… lại phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến chi phí điều chỉnh trong ngắn hạn và trung hạn.
Đòn bẩy kích thích
Hầu hết DN trên địa bàn tỉnh có nguồn lực tài chính còn hạn chế, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, quy trình chưa tối ưu, nền tảng công nghệ còn yếu, thiếu kinh nghiệm quản lý, triển khai… Trước những “cái khó bó cái khôn” đang khiến tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều DN, cũng như kinh tế địa phương chưa có sự phát triển đột phá. Để tận dụng cơ hội từ cuộc CMCN 4.0, không chỉ mỗi ngành, mỗi lĩnh vực mà cả hệ thống chính trị đều phải chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng tận dụng tối đa cơ hội và hạn chế tối thiểu thách thức trước cuộc CMCN 4.0 này.
Không để DN “tự lực cánh sinh”, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hoàn thiện chính quyền điện tử, hỗ trợ DN chuyển đổi số, triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, thử nghiệm các cấp nhằm ứng dụng mạnh mẽ KHCN vào thực tiễn. Qua đó đã góp phần hỗ trợ, tạo bệ đỡ giúp DN thích ứng với cuộc CMCN 4.0 và không ngừng đổi mới, cải tiến, sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm khuyến khích DN đổi mới sáng tạo. Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu cả nước trong ban hành các chính sách tăng cường hỗ trợ DN tiếp cận với các chính sách của Nhà nước và được đánh giá là thành phố hấp dẫn về khởi nghiệp. Khi thành lập, DN được hỗ trợ hoàn thiện miễn phí hồ sơ, hỗ trợ chữ ký số, hóa đơn điện tử, hỗ trợ chi phí thuê kế toán trong những năm đầu hoạt động. Đi vào hoạt động, DN được hỗ trợ văn phòng làm việc, chi phí thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp, chi phí hỗ trợ lãi vay, hỗ trợ đổi mới, chuyển giao và cải tiến công nghệ, chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, hỗ trợ đầu tư, kết nối ngân hàng và DN…
Các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ, nâng cao năng lực sản xuất, tiêu chuẩn đo lường chất lượng… cũng được ngành KHCN chú trọng triển khai. Cùng với đó, tỉnh đang xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu và phát triển nguồn nhân lực với hơn 10.000 người được đào tạo về lĩnh vực CNTT đến năm 2025, chính sách phát triển các ngành và công nghệ ưu tiên…
Nhằm nắm bắt thời cơ và vượt qua thách thức của cuộc CMCN 4.0 để phát triển bền vững, ông Nguyễn Kim Tùng cho rằng, DN cần chủ động hướng tới tất cả ứng dụng công nghệ mà thời đại 4.0 đang phát triển, không chỉ là công nghệ số, kỹ thuật dữ liệu hay kỹ thuật vật lý, mà cả công nghệ sinh học và các công nghệ mới khác, trên cơ sở lấy sản phẩm làm trung tâm và ứng dụng công nghệ vào dây chuyền sản xuất.