[Thừa Thiên Huế] Cơ hội từ quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia
Lăng Cô – Cảnh Dương là một trong số 61 địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia (DLQG) vừa được quy hoạch. Đây là định hướng quan trọng trong quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam thời gian tới và cũng là cơ hội để du lịch Huế có thêm cơ hội thu hút đầu tư mạnh mẽ.
Lăng Cô đang thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư |
Định hướng quan trọng
Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa ban hành xác định ưu tiên đầu tư đồng bộ và nâng cao chất lượng các khu DLQG đã được công nhận, đồng thời quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư cơ sở vật chất để thúc đẩy các địa điểm tiềm năng phát triển khu DLQG. Đây là định hướng quan trọng trong quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam thời gian tới.
Theo đại diện Cục DLQG Việt Nam, tính đến tháng 5/2024 đã có 9 khu DLQG được công nhận gồm Khu DLQG Tuyền Lâm (Lâm Đồng) năm 2017; Khu DLQG Sa Pa (Lào Cai) năm 2017; Khu DLQG Núi Sam (An Giang) năm 2018; Khu DLQG Trà Cổ, Móng Cái (Quảng Ninh) năm 2019; Khu DLQG Mũi Né (Bình Thuận) năm 2020; Khu DLQG Đền Hùng, TP. Việt Trì (Phú Thọ) năm 2020; Khu DLQG Tam Đảo (Vĩnh Phúc) năm 2022; Khu DLQG Mộc Châu (Sơn La) năm 2024; Khu DLQG Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) năm 2024.
Trong nội dung quy hoạch mới được ban hành, có 61 địa điểm tiềm năng phát triển khu DLQG trong thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, địa điểm phân bố tại 6 vùng du lịch gồm: Vùng Trung du và miền núi phía bắc có 15 địa điểm; Vùng đồng bằng sông Hồng có 11 địa điểm; Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 17 địa điểm; Vùng Tây Nguyên có 5 địa điểm; Vùng Đông Nam Bộ có 5 địa điểm; Vùng đồng bằng sông Cửu Long có 8 địa điểm. Thừa Thiên Huế nằm ở vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và Lăng Cô – Cảnh Dương là 1 trong 17 địa điểm tiềm năng được quy hoạch. Đây là những điểm du lịch đã nổi tiếng được du khách gần xa biết đến.
Khu DLQG được xác định là những hạt nhân quan trọng để thu hút đầu tư theo hướng tập trung, hiệu quả, qua đó tạo thành những động lực phát triển du lịch cho các vùng, địa phương và có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu, hình ảnh cho các điểm đến.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, quy hoạch địa điểm tiềm năng phát triển khu DLQG là cơ sở pháp lý để các nhà đầu tư yên tâm hơn. Qua đó, thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư vào các dự án phát triển du lịch, hoàn thiện hạ tầng giao thông, dịch vụ ở Lăng Cô – Cảnh Dương. Việc đầu tư đồng bộ và nâng cao chất lượng các khu du lịch sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng, dịch vụ và giúp nơi đây thu hút lượng khách lớn hơn trong những năm tới.
Khách quốc tế đi du lịch tàu biển xuống cảng Chân Mây – Lăng Cô |
Nắm bắt cơ hội
Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 định hướng phát triển không gian du lịch Việt Nam gồm: 6 vùng, 3 cực tăng trưởng, 8 khu vực động lực, 5 hành lang du lịch chính, 11 trung tâm du lịch; hình thành hệ thống các khu DLQG và địa điểm tiềm năng phát triển thành khu DLQG.
Đối với Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, định hướng phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh từ tài nguyên du lịch biển đảo, cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng, hệ thống di sản thế giới, các di tích văn hóa lịch sử. Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng của vùng: Du lịch “Con đường di sản miền Trung”; Du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo; Du lịch tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử và cách mạng; Du lịch sinh thái hang động; Du lịch tìm hiểu văn hóa dân tộc. Tăng cường liên kết khai thác tài nguyên du lịch và tận dụng lợi thế về kết cấu hạ tầng theo các cụm: Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh; Quảng Bình – Quảng Trị; Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam; Quảng Ngãi – Phú Yên – Bình Định; Khánh Hòa – Ninh Thuận – Bình Thuận.
Theo ông Phúc, Lăng Cô – Cảnh Dương được đưa vào quy hoạch trên là một trong những lợi thế. Thừa Thiên Huế đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí và phấn đấu trong thời gian gần sẽ đăng ký để được công nhận khu DLQG với Lăng Cô – Cảnh Dương.
Có nhiều tiêu chí để được công nhận trở thành khu DLQG, trong đó có tiêu chí về tài nguyên du lịch; phải nằm trong danh mục các khu vực tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chất lượng cao, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của khách du lịch với các điều kiện cụ thể; có kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông quốc gia; đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường.
Lợi thế cảnh quan, tài nguyên du lịch nhưng lâu nay, trăn trở của chính quyền địa phương và ngành du lịch vẫn là hạ tầng và dịch vụ du lịch, rất cần các dự án lớn đầu tư phát triển du lịch ở Thừa Thiên Huế. Ông Phạm Hữu Chung, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Phú Lộc chia sẻ, thương hiệu du lịch ở Thừa Thiên Huế nói chung, Phú Lộc nói riêng với đa dạng loại hình du lịch đã được nhiều người biết đến, đặc biệt là Lăng Cô, nhưng làm sao để hút khách và giữ chân khách ở lại lưu trú luôn là điều trăn trở. Thực tế, ngành du lịch địa phương vẫn còn thiếu nhiều dịch vụ phục vụ du lịch, dịch vụ mua sắm, vui chơi giải trí và chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành từ tỉnh đến huyện không ngừng nỗ lực kêu gọi các nhà đầu tư.
Theo ông Phúc, nắm bắt những cơ hội, hiện nay, cùng với các chỉ đạo và chính sách thông thoáng của tỉnh, Sở Du lịch phối hợp với Ban quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp để kêu gọi đầu tư các dự án ở Lăng Cô – Cảnh Dương để góp phần hoàn thiện hạ tầng du lịch đồng bộ hơn và nâng cao chất lượng dịch vụ để phát triển ngành công nghiệp không khói.