‘Thông luồng’ xuất khẩu nông sản Việt
Nông sản là một trong những ngành hàng quan trọng, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của Việt Nam. Song có thực tế, dù không thua kém về chất lượng nhưng chi phí logistics quá cao, phụ thuộc lớn vào các hãng vận chuyển nước ngoài khiến nông sản Việt Nam giảm sức cạnh tranh khi xuất khẩu ra thế giới
Công nhân đóng gói hạt điều tại Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Đức Thịnh (tại xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng). Ảnh: K GỬIH /TTXVN
Theo các chuyên gia kinh tế, kéo giảm chi phí cũng như thời gian khâu logistics sẽ là động lực đưa nông sản Việt Nam vươn xa và để làm được điều này cần phải thúc đẩy logistics xuyên biên giới phát triển.
Ông Đặng Đình Long, Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Tập đoàn Mega A chia sẻ: Một trạm hay một điểm dừng, hàng hóa có thể từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu một cách nhanh chóng nhất mà không phải thông qua nhiều khâu kiểm tra. Khi đó, hàng hóa sẽ được kiểm tra kỹ ngay từ điểm đầu (nước xuất khẩu), rồi đi thẳng đến trạm dừng (điểm cuối). Nói cách khác, logistics xuyên biên giới sẽ xử lý tất cả các khâu liên quan tại một điểm và điều này vô cùng quan trọng, nhất là đối với nông sản, thực phẩm đòi hỏi thời gian nhanh nhất nhằm bảo đảm chất lượng và độ tươi ngon.
Theo ông Đặng Đình Long, logistics xuyên biên giới sẽ tạo ra dịch vụ vận chuyển một cách tối ưu nhất về mặt chi phí, thời gian và chất lượng của hàng hóa. Thực hiện logistics xuyên biên giới, tổng chi phí dịch vụ sẽ giảm từ 5 – 8%. Ngoài ra, logistics sẽ thông qua liên kết hệ thống cảng để đưa nông sản vào sâu trong thị trường nhập khẩu và có thể tiếp cận với những phân khúc khách hàng cao hơn.
“Khi nông sản Việt Nam xuất khẩu đã đảm bảo độ tươi ngon, giá cả phù hợp, nhưng nếu logistic hay việc làm các thủ tục làm tăng giá thành sản phẩm, làm giảm chất lượng thì đó là khâu làm hạn chế năng lực cạnh tranh của nông sản Việt nói riêng cũng như các sản phẩm khác từ Việt Nam nói chung”, ông Đặng Đình Long bày tỏ.
Thực tế hiện nay chỉ tính riêng trong lĩnh vực nông sản, ông Nguyễn Anh Phong, Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết: Logistics vẫn chiếm chi phí cao, hạ tầng phát triển không kịp so với nhu cầu, năng lực cung ứng dịch vụ có hạn…. Chẳng hạn, chi phí logistics hiện chiếm 12% giá thành thủy sản, 23% giá thành đồ gỗ, 29% giá thành rau quả, 30% giá thành gạo…. Tỷ lệ chi phí logistics Việt Nam hiện đang cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12% và Singapore tới 300%.
Quá trình hội nhập quốc tế mở ra rất nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hoá nói chung và nông sản Việt Nam nói riêng. Nhưng để nắm tốt cơ hội này, logistics cũng cần được phát triển tương xứng để liên kết sản xuất – tiêu thụ – xuất khẩu nông sản bền vững.
Logistics xuyên biên giới sẽ tạo ra một chuỗi liên kết giá trị từ đơn vị bảo hiểm, ngân hàng, đến đơn vị cảng biển, hãng tàu, các doanh nghiệp logistics và các chủ hàng. Chuỗi liên kết này tạo ra sự an toàn, tin cậy trong xuất nhập khẩu.
Theo các chuyên gia, để làm được việc này thì ngay từ khâu sản xuất đã phải được chuẩn hóa. Chẳng hạn, vùng trồng được đăng ký mã số; cơ sở đóng gói có mã số nhà đóng gói; nhà máy có đầy đủ các chứng nhận như ISO, HACCP… và sản phẩm đạt vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đóng gói chuối già Nam Mỹ xuất khẩu tại Công ty TNHH Một thành viên Kazuna, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN
Điển hình với thị trường Trung Quốc, khi tất cả các khâu sản xuất, sơ chế, đóng gói đều chấp hành tốt Lệnh 248 về quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và Lệnh 249 về Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tạo ra tiền đề cho logistics một cách thuận lợi, thông thoáng.
Bởi, khi trên bao bì sản phẩm được in mã số đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp, quá trình kiểm tra, làm thủ tục hải quan thông quan trên hệ thống một cửa của Trung Quốc sẽ rất nhanh. Qua đó, giúp tăng năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam khi sang thị trường này, ông Đặng Đình Long cho biết.
Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam), các thị trường liên tục có sự thay đổi về quy định sản phẩm, thủ tục kiểm tra hàng hóa… Mỗi tháng, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được hàng trăm thông báo góp ý, thay đổi từ các nước.
Như vậy, khi triển khai logistic xuyên biên giới, việc cập nhật thông tin, quy định từ các thị trường không chỉ cần thiết với các nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng mà ngay cả với các doanh nghiệp logistic. Nắm bắt được thông tin sớm, các đơn vị liên kết, hợp tác phối hợp nhịp nhàng trong việc tuân thủ các quy định của thị trường nhập khẩu, để sản phẩm đáp ứng đúng yêu cầu cũng như đảm bảo việc thông quan hàng hóa nhanh nhất.
Để logistics là động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho hay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển hệ thống dịch vụ logistics nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030”. Đề án sẽ giải quyết các điểm nghẽn hiện nay, góp phần khơi thông luồng xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đề xuất thực hiện 3 dự án: Thiết lập chuỗi logistics nông, lâm, thủy sản đường bộ xuyên biên giới kết nối thị trường Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc; thiết lập chuỗi hạ tầng logistics nông, lâm, thủy sản xuất khẩu tích hợp thương mại điện tử và vận tải đa phương thức; thiết lập chuỗi logistics nông, lâm, thủy sản đường hàng không kết nối thị trường ASEAN, Trung Quốc; trong đó chú trọng ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới.