[Quảng Trị] Cần sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, thu hẹp thị trường xuất khẩu đã dẫn đến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải giãn việc, nghỉ việc, dừng sản xuất. Sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang là yêu cầu cần thiết, cấp bách.
Hoạt động xuất khẩu gỗ dăm đi thị trường các nước thông qua cảng Cửa Việt -Ảnh: T.T
6 tháng đầu năm 2023, đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may giảm mạnh, nhiều đơn hàng bị dừng hoặc nếu có chỉ là các đơn hàng nhỏ lẻ, đơn giá thấp hơn từ 20% – 50% so với năm 2022. Tình hình này buộc các doanh nghiệp dệt may phải thay đổi cơ cấu sản phẩm, làm các mặt hàng không chủ đạo để duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho công nhân.
Để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, Tập đoàn Dệt – May Phong Phú (PPJ Group) đã tập trung vào các giải pháp như đẩy mạnh công tác dự báo thị trường, đầu tư máy móc thiết bị phù hợp để tối ưu hóa các hoạt động sản xuất, ưu tiên giữ vững lao động trên cơ sở cân đối giữa việc làm và thu nhập để bảo toàn lực lượng, sẵn sàng đón cơ hội khi thị trường phục hồi.
Đối với Nhà máy May xuất khẩu Phong Phú – Quảng Trị, thuộc Tập đoàn PPJ Group, các chỉ tiêu 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt khoảng 70% – 80%, doanh thu chỉ đạt hơn 70% so với cùng kỳ năm 2022. Trong điều kiện khó khăn chung, đơn vị đã nỗ lực duy trì việc làm cho 976 lao động với mức thu nhập bình quân 6,8 triệu đồng/lao động/ tháng.
Ông Nguyễn Huy Vũ, đại diện Nhà máy May xuất khẩu Phong Phú – Quảng Trị cho biết, trong thời gian tới, nhà máy dự kiến mở rộng sản xuất theo quyết định của UBND tỉnh về việc cho công ty thuê đất nên sẽ cần tuyển thêm một lực lượng lao động khá lớn.
“Thực tế nhà máy cũng gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên trước yêu cầu mở rộng sản xuất, chúng tôi mong muốn được tạo điều kiện hỗ trợ các gói vay dành cho doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sau COVID- 19, hỗ trợ thêm phần thu nhập cho người lao động trong thời điểm khó khăn để cùng doanh nghiệp giữ chân người lao động”, ông Vũ chia sẻ.
Theo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu gỗ, thì từ đầu năm đến nay, hàng hóa tiêu thụ rất chậm, có những thời điểm gần như xuất khẩu bằng không. Nguyên nhân là do việc tiêu thụ tại thị trường các nước giảm mạnh, theo đó giá cả bán ra cũng giảm sâu, thủ tục phức tạp…
Phó Trưởng Phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện Triệu Phong Đặng Huy Bằng cho biết, từ tháng 10/2022 đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện gần như tạm dừng hoạt động chế biến gỗ rừng trồng. Địa phương đang chỉ đạo các ngành tham mưu giải pháp để kiến nghị tỉnh có hướng hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gỗ điều chỉnh một số nội dung trong chủ trương đầu tư nhằm giải quyết tình trạng khó khăn hiện nay.
Trên địa bàn tỉnh có 32 nhà máy sản xuất, chế biến gỗ dăm, bình quân mỗi năm các nhà máy chế biến khoảng 1,2 triệu tấn dăm gỗ từ cây keo tràm. Có 3 doanh nghiệp chuyên thu mua, sản xuất và xuất khẩu chính ngạch dăm gỗ trực tiếp đi thị trường Trung Quốc thông qua cảng Cửa Việt với khối lượng khoảng 1 triệu tấn/ năm, phần còn lại được bán cho các doanh nghiệp kinh doanh dăm gỗ ở Quảng Bình và Thừa Thiên Huế.
Việc xuất khẩu gỗ băm dăm thông quan bằng đường biển, hàng hóa được tập kết và bốc xếp tại cảng Cửa Việt, huyện Gio Linh. Theo quy định, hàng hóa xuất khẩu thì phải hoàn thành đầy đủ các thủ tục theo đúng trình tự pháp lý, bao gồm chứng thư kiểm dịch thực vật và giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, muốn hoàn thành thủ tục lấy chứng thư kiểm dịch thực vật thì phải làm thủ tục với trạm kiểm dịch thực vật tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.
Do đó, thời gian để doanh nghiệp hoàn thành thủ tục và nhận được chứng thư mất từ 1-2 ngày. Mặt khác, muốn hoàn tất thủ tục về việc chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thì doanh nghiệp phải đăng ký làm tại Tổ cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa ở Thừa Thiên Huế hay Đà Nẵng. Doanh nghiệp mong muốn được tạo điều kiện để hoàn thành các thủ tục này ngay tại thị trấn Cửa Việt và thành phố Đông Hà nhằm giảm thời gian và tiết kiệm chi phí.
Những tháng qua, việc hoàn thuế VAT của loại hàng hóa gỗ xuất nhập khẩu từ cơ quan thuế còn rất chậm. Cụ thể là từ năm 2021 cho đến thời điểm hiện tại, tổng số tiền hoàn thuế là hàng trăm tỉ đồng chưa được hoàn lại cho doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp phải vay ngân hàng để có vốn lưu động đưa vào kinh doanh hàng hóa trong bối cảnh lãi suất những tháng gần đây tăng cao hơn nhiều so với trước. Điều này càng khiến doanh nghiệp thêm khó khăn.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2023, có hơn 200 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tự nguyện, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh là 31 doanh nghiệp, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022.
Kết quả sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy, sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 48,5% so với kế hoạch năm 2023. Khu vực công nghiệp, đặt biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò động lực quan trọng cho tăng trưởng ngành có tăng trưởng thấp.
Giám đốc Sở Công thương Lê Tiến Dũng cho biết: “Để cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay đòi hỏi các cấp, các ngành phải thực sự vào cuộc quyết liệt. Về phía ngành công thương sẽ tăng cường các những giải pháp xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong khu vực và thế giới để tạo đầu ra thuận lợi cho loại hàng hóa kinh doanh, xuất nhập khẩu gỗ nói chung và gỗ băm dăm nói riêng, cũng như ngành may mặc và các mặt hàng khác.
Tổ chức cho các doanh nghiệp có nhiều cơ hội quảng bá, giao thương sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài địa phương. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã để đưa sản phẩm nông sản địa phương tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử”.
Khó khăn về nguồn vốn phục vụ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh chính là mấu chốt vấn đề của các doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay.
Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại trên địa bàn nên có một mức lãi suất không quá chênh lệch nhau nhiều. Trong trường hợp không điều chỉnh cùng mức lãi, thì cần tạo điều kiện thuận lợi và làm thủ tục chuyển hồ sơ tài sản thế chấp một cách linh hoạt, kịp thời để doanh nghiệp có sự lựa chọn ngân hàng vay vốn có lợi nhất.
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay bằng hình thức cho doanh nghiệp vay vốn tương ứng với tài sản thế chấp hiện hữu của doanh nghiệp. Đồng thời cơ quan thuế sớm hoàn thành thủ tục hoàn thuế VAT của loại hàng hóa gỗ xuất nhập khẩu từ năm 2021 đến nay.