[Quảng Trị] 10 Sự kiện nổi bật của tỉnh Quảng Trị năm 2024

1. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm, làm việc tại Quảng Trị

Trong 2 ngày 15 – 16/10/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, các tập đoàn kinh tế thăm và làm việc tại Quảng Trị.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ-Ảnh: TRẦN TUYỀN

Dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn công tác đã làm việc với Đảng bộ tỉnh Quảng Trị; thăm cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ; gặp mặt, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, gia đình chính sách tiêu biểu; dâng hương tại Thành Cổ Quảng Trị, Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Đường 9.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, quê hương Quảng Trị có nhiều anh hùng hào kiệt, danh nhân văn hóa, chiến sĩ cách mạng bất khuất; có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, trong đó có hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi kết nối Bắc – Nam, Đông – Tây, lợi thế lớn trong thu hút đầu tư; có nguồn năng lượng sạch, nguồn năng lượng xanh dồi dào, dư địa phát triển năng lượng tái tạo còn lớn; diện tích đất chưa sử dụng còn nhiều, khó phát triển nông nghiệp nhưng là lợi thế cho phát triển công nghiệp.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị tỉnh Quảng Trị tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Tập trung chỉ đạo công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 – 2030. Đồng thời nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, thu hút đầu tư. Tập trung đầu tư cho giáo dục, y tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội đối với các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng.

Ngày 28/10/2024, Văn phòng Trung ương Đảng có Thông báo số 101 về kết quả chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại tỉnh Quảng Trị. Ngày 15/11/2024, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 8386 thông báo về việc xử lý kiến nghị của Tỉnh ủy Quảng Trị tại buổi làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Thông báo 101 của Văn phòng Trung ương Đảng và Công văn số 8386 của Văn phòng Chính phủ vừa định hướng mang tầm chiến lược, vừa xử lý các vấn đề cụ thể, toàn diện cho tỉnh Quảng Trị trong phát triển. Đây là các cơ chế đặc biệt cho tỉnh Quảng Trị thu hút doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến nghiên cứu đầu tư tại tỉnh.

2. Tổ chức thành công Lễ hội Vì Hòa bình lần thứ nhất, năm 2024

Tối 6/7/2024, tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, tỉnh Quảng Trị phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 với chủ đề “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình”.

Khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình lần thứ nhất năm 2024 -Ảnh: TRẦN TUYỀN

Lễ hội Vì Hòa bình với chuỗi các hoạt động ý nghĩa xuyên suốt trong tháng Bảy. 6 hoạt động chính và 8 hoạt động hưởng ứng trước, trong và sau lễ hội như: Đêm nhạc Trịnh Công Sơn với chủ đề “Khúc ca hòa bình”; Lễ hội Văn hóa – Ẩm thực “Hương vị miền hoa nắng”; Chương trình “Ước nguyện hòa bình” với các hoạt động tưởng niệm, tri ân cùng nhiều sự kiện chính luận, văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch… được tổ chức có chất lượng, với nhiều cung bậc cảm xúc, tạo được điểm nhấn gắn với mục tiêu của lễ hội, có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá: “Việc tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình thành công sẽ góp phần làm sâu sắc thêm hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc, mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định, đó là bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam”.

3. Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 6/7/2024, tại TP. Đông Hà, UBND tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Trị.

Quy hoạch đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 – 2030 của tỉnh Quảng Trị đạt 8,2%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 140 – 170 triệu đồng/người. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Quảng Trị đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, có cơ cấu kinh tế cơ bản là một tỉnh công nghiệp – dịch vụ; là một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mê Kông (GMS).

Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp – dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực.

4. Khởi công Cảng hàng không Quảng Trị

Ngày 6/7/2024, tại xã Gio Quang, huyện Gio Linh, UBND tỉnh Quảng Trị và liên danh nhà đầu tư T&T – CIENCO 4 long trọng tổ chức lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị.

Đại biểu bấm nút khởi công dự án Cảng hàng không Quảng Trị – Ảnh: LÊ MINH

Cảng hàng không Quảng Trị được thực hiện tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai, huyện Gio Linh. Dự án có quy mô hơn 265 ha, tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỉ đồng, được xây dựng đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế – ICAO) và sân bay quân sự cấp II, có khả năng phát triển khai thác tàu bay Code E, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm.

Thời gian thực hiện dự án là 50 năm. Dự kiến đến tháng 7/2026, Cảng hàng không Quảng Trị sẽ được đưa vào khai thác, sử dụng.

5. Kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh

Tối 25/8/2024, tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh 25/8 (1954 – 2024), đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì và Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, Vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời. Ngày 25/8/1954, đại diện quân đội Pháp đã buộc phải ký vào biên bản bàn giao vùng phía Bắc Vĩ tuyến 17 cho phái đoàn Việt Nam, đánh dấu một sự kiện quan trọng: Vĩnh Linh – huyện đầu tiên của Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng.

Kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh là dịp để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Trị nói chung, huyện Vĩnh Linh nói riêng cùng nhau ôn lại những năm tháng đấu tranh bất khuất, tự hào với những thành tựu đạt được. Kết quả đó là minh chứng khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng; sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của trung ương, của đồng bào, chiến sĩ trong và ngoài tỉnh; tinh thần nỗ lực phấn đấu, trăn trở, khát vọng phát triển của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong huyện. Đây chính là nền tảng vững chắc tạo đà cho sự phát triển của huyện trong thời gian tới.

6. Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 lần đầu tiên diễn ra tại Quảng Trị

Từ ngày 14 – 16/12/2024, Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam diễn ra tại tỉnh Quảng Trị với sự tham gia của 16 tỉnh, thành phố trên cả nước, gồm: Bắc Giang, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Sơn La, Thanh Hóa, Huế, Vĩnh Phúc và Quảng Trị.

Với thông điệp: “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển vì một thế giới vì hòa bình”, Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng, tạo điều kiện để các địa phương giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

7. TP. Đông Hà được công nhận đô thị loại II

Ngày 14/10/2024, TP. Đông Hà long trọng tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Quảng Trị và kỷ niệm 15 năm thành lập (2009 – 2024).

TP. Đông Hà nằm ở ngã ba Quốc lộ 1 và Quốc lộ 9, nơi giao điểm của tuyến xuyên Việt cả về đường bộ, đường sắt, đường biển và là điểm khởi đầu về phía Đông của Việt Nam trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây. Vì vậy, Đông Hà có một vị trí đặc biệt trong mối quan hệ với các đô thị miền Trung Việt Nam và kết nối Việt Nam – Lào – Thái Lan – Myanmar.

Ngày 11/8/2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về thành lập TP. Đông Hà trực thuộc tỉnh Quảng Trị. Ngày 8/8/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận TP. Đông Hà là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Quảng Trị.

TP. Đông Hà được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại II sẽ mang đến những cơ hội, thu hút sự quan tâm đầu tư, tạo điều kiện để tiếp tục phát huy vai trò, vị thế, thế mạnh là trung tâm kinh tế của tỉnh Quảng Trị. Đây không chỉ là một danh hiệu mà còn là trách nhiệm lớn lao phía trước, đồng nghĩa với việc cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển mạnh hơn, bền vững hơn trên tất cả các lĩnh vực.

8. Tổ chức trang trọng Chương trình nghệ thuật chính luận “Vĩ tuyến 17 – Khát vọng hòa bình”

Tối 16/8/2024, tại Khu di tích Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, Báo Nhân Dân phối hợp tỉnh Quảng Trị tổ chức trang trọng Chương trình nghệ thuật chính luận “Vĩ tuyến 17 – Khát vọng hòa bình”.

Chương trình nghệ thuật chính luận “Vĩ tuyến 17 – Khát vọng hòa bình” nhằm ôn lại những năm tháng chia cắt hai miền Nam – Bắc. Đặc biệt là dịp để nhắc nhớ kỳ tích lũy thép Vĩnh Linh lẫy lừng đầu cầu miền Bắc, hậu phương trực tiếp của tiền tuyến miền Nam. Qua đó tuyên truyền sâu rộng truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc; giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân.

Chương trình cũng giới thiệu về một Vĩ tuyến 17 – một Vĩnh Linh mới, một Quảng Trị đang vươn mình khởi sắc từng ngày, là điểm đến du lịch, tìm hiểu lịch sử ấn tượng với du khách; kết nối Nhân dân trong và ngoài nước, kết nối quá khứ – hiện tại và cùng hướng tới tương lai luôn hòa bình, tươi đẹp.

9. Triển khai thi công Khu bến cảng Mỹ Thủy

Ngày 25/3/2024, Công ty Cổ phần Liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy (MTIP) tổ chức lễ triển khai thi công Khu bến cảng Mỹ Thủy tại xã Hải An, huyện Hải Lăng.

Dự án đầu tư xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy với diện tích 685 ha, tổng mức đầu tư trên 14.000 tỉ đồng, khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 tấn, tiến độ xây dựng từ năm 2019 – 2036.

Việc triển khai thi công dự án trọng điểm này cùng với các dự án động lực khác như Khu công nghiệp Quảng Trị, Cảng hàng không Quảng Trị, Trung tâm Điện khí Hải Lăng, Quốc lộ 15D nối từ Cửa khẩu quốc tế La Lay đến cảng nước sâu Mỹ Thủy… là những hạ tầng kỹ thuật quan trọng của tỉnh, là tiền đề để xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị trở thành một khu kinh tế năng động, hiện đại, có tầm cỡ ở miền Trung cũng như cả nước và khu vực ASEAN.

10. Chương trình kết nối giao thương (B2B)

Ngày 7/6/2024, tại TP. Đông Hà, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Chương trình kết nối giao thương (B2B) giữa các nhà cung cấp khu vực Bắc Trung Bộ với doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại.

Trước đó, tại Trung tâm Dịch vụ – Hội nghị tỉnh đã diễn ra lễ khai mạc Hội chợ Thương mại và Du lịch – Nhịp cầu Xuyên Á – Quảng Trị năm 2024. Hội chợ diễn ra từ ngày 6 – 12/6 với quy mô trên 300 gian hàng đến từ 150 – 200 doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế.

Đây là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng của tỉnh Quảng Trị và khu vực Bắc Trung Bộ năm 2024. Qua đó, định hướng phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu, là cơ hội tăng cường hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp thị mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu sản phẩm xuất nhập khẩu của tỉnh Quảng Trị. Đồng thời là dịp để các tỉnh, thành trong cả nước; các tỉnh, thành phố trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC), khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) giới thiệu những thành tựu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; các tiềm năng, lợi thế, các chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo Báo Quảng Trị