[Quảng Ngãi] Thu hút đầu tư phát triển du lịch – dịch vụ
Những năm gần đây, Quảng Ngãi đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư- kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại địa phương, nhất là lĩnh vực du lịch – dịch vụ.
Phát triển nhiều loại hình, sản phẩm du lịch
Năm 2023, Quảng Ngãi tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, thông thoáng. Cùng với đó, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát triển mạnh những ngành chủ lực, có lợi thế của tỉnh. Trong đó, tỉnh ưu tiên phát triển ngành du lịch- dịch vụ, như: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch trải nghiệm và khám phá; du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng; du lịch tìm hiểu lịch sử, văn hóa tâm linh; du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm.
Cảnh đẹp tại đảo Bé (Lý Sơn).
Với những tiềm năng du lịch sẵn có, Quảng Ngãi tiếp tục chú trọng đẩy mạnh phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch đủ sức cạnh tranh trên thị trường, gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch để thu hút du khách.
Để đảm bảo thu hút đầu tư bền vững, trọng tâm, trọng điểm nhằm phát huy hiệu quả lợi thế tài nguyên du lịch của tỉnh, tỉnh ta đã quan tâm, ưu tiên đầu tư hạ tầng cho phát triển du lịch. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư hạ tầng du lịch đồng bộ, đầu tư các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hài hòa với thiên nhiên, khu du lịch thể thao, vui chơi, giải trí… tại các điểm có tiềm năng phát triển, hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái du lịch xanh theo chuỗi giá trị.
Hiện nay, các cơ sở hạ tầng về du lịch của Quảng Ngãi vẫn còn thiếu đồng bộ, các cơ sở lưu trú đẳng cấp, quy mô chưa nhiều; các mô hình dịch vụ du lịch, lưu trú chưa đa dạng… nên chưa phát huy hết tiềm năng, chưa thu hút lượng khách trong nước và quốc tế như mong muốn. Tuy nhiên, với những ưu thế về tài nguyên du lịch, cộng với quan điểm, cách nhìn mới trong xúc tiến đầu tư (XTĐT) vào lĩnh vực du lịch, cùng sự nỗ lực của các các cấp, các ngành, thời gian đến Quảng Ngãi phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn của các du khách, cũng như những nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực du lịch.
Tính đến hết tháng 10/2023, trên địa bàn tỉnh có 22 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch còn hiệu lực (đều là dự án đầu tư trong nước). Quy mô sử dụng đất khoảng 410ha; tổng vốn đăng ký đầu tư gần 6.620 tỷ đồng. Trong đó, địa bàn KKT Dung Quất và các KCN tỉnh có 4 dự án; quy mô sử dụng đất khoảng 132ha; tổng vốn đăng ký đầu tư 382,88 tỷ đồng.
Ngoài KKT Dung Quất và các KCN tỉnh có 18 dự án; quy mô sử dụng đất 278,42ha; tổng vốn đăng ký đầu tư 6.237 tỷ đồng. Các dự án đã khai thác, hoạt động nổi bật phải kể đến như: Khách sạn Mường Thanh – Lý Sơn; Khu nghỉ dưỡng Bãi Dừa (Cocoland River Beach Resort&Spa); Khu sinh thái, nghỉ dưỡng tắm bùn suối khoáng nóng Nghĩa Thuận; Khu du lịch sinh thái Suối Chí; Khu du lịch sinh thái Thác Trắng – đập Đồng Cần…
Đầu tư hạ tầng, quảng bá, xúc tiến đầu tư
Xác định mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, thời gian qua, Quảng Ngãi đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo điểm nhấn, động lực cho phát triển du lịch. Tỉnh đã tập trung phê duyệt các quy hoạch như: Quy hoạch tuyến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh, điều chỉnh Quy hoạch Khu du lịch Mỹ Khê…
Đồng thời, tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối như: Đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh, đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi (khởi công trong tháng 12/2023), đường nối từ cầu Thạch Bích đến Tịnh Phong… Đây chính là cơ sở thuận lợi để khai thác lợi thế về du lịch của tỉnh, cũng như thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư đến Quảng Ngãi đầu tư các dự án phát triển du lịch – dịch vụ, tạo động lực cho du lịch của tỉnh phát triển trong thời gian đến.
Bên cạnh đó, công tác XTĐT và quảng bá du lịch cũng được Quảng Ngãi chú trọng nhằm thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng, dự án có quy mô lớn để thúc đẩy phát triển du lịch cũng như thu hút nguồn vốn đầu tư trong, ngoài nước vào tỉnh phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong năm 2023, Quảng Ngãi đã tổ chức các đoàn công tác XTĐT trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu tiềm năng hợp tác đầu tư, mở rộng quan hệ với các đối tác nhằm thu hút các dự án đầu tư du lịch, cũng như một số lĩnh vực khác vào Quảng Ngãi.
Theo số liệu của UBND tỉnh, ước đến hết năm 2023, Quảng Ngãi thu hút 1 triệu lượt khách du lịch, tăng 53,8% so với năm 2022, trong đó khách quốc tế là 14 nghìn lượt khách, tăng 27,3%; doanh thu du lịch đạt 885 tỷ đồng, tăng 26,4%. Các hoạt động kích cầu du lịch được tổ chức đã góp phần thúc đẩy các hoạt động thương mại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao, ước đạt gần 71,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với năm 2022, vượt 1,5% kế hoạch năm.
Tại danh mục các dự án trọng điểm ưu tiên kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực du lịch cũng được tỉnh quan tâm kêu gọi đầu tư với 6 dự án như: Khu dịch vụ – du lịch An Vĩnh; Khu dịch vụ – du lịch Đồng Hộ, An Hải; dự án Công viên Trung tâm TP.Quảng Ngãi; dự án Khu du lịch sinh thái Thạch Bích; dự án Khu du lịch sinh thái Cà Đam; Khu du lịch sinh thái Trà Bói.
Thông qua các hoạt động xúc tiến, quảng bá và giới thiệu tiềm năng hợp tác đầu tư, tỉnh ta đã quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người, tiềm năng, thế mạnh phát triển của Quảng Ngãi. Đồng thời, khẳng định sự quyết tâm đổi mới của tỉnh trong công tác XTĐT, đồng hành cùng doanh nghiệp, xây dựng Quảng Ngãi trở thành điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư
Trong những năm qua, Quảng Ngãi nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh để xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh công khai, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, các tổ chức, doanh nghiệp khi hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư tại địa phương. Đối với các dự án du lịch đang hoạt động, tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư để triển khai các thủ tục pháp lý có liên quan, nhất là việc hướng dẫn tiếp cận đất đai, thông tin đến nhà đầu tư về các quy hoạch có liên quan, điều chỉnh dự án đầu tư để có cơ sở thực hiện các bước thủ tục đất đai, gia hạn sử dụng đất…
Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho dự án của các doanh nghiệp, định kỳ hằng quý, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp. Qua đó, tỉnh quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương khẩn trương có biện pháp tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm sản xuất, kinh doanh.
Du khách tham quan Cocoland River Beach Resort & Spa, ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa).
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng, phát triển du lịch của Quảng Ngãi thời gian qua chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có; chưa thu hút được các dự án lớn để thúc đẩy du lịch phát triển đột phá. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (trong 2 năm 2020 – 2021) đã tác động đến tình hình thu hút khách du lịch, cũng như việc thu hút đầu tư dự án phát triển du lịch – dịch vụ vào Quảng Ngãi thời gian qua.
Để thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” của Quảng Ngãi phát triển mạnh mẽ trong những năm đến, hiện nay tỉnh và các ngành, địa phương liên quan đã và đang tích cực triển khai thực hiện Đề án Phát triển Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).
Riêng trong năm 2023, tỉnh đã công nhận điểm du lịch Gò Cỏ; xây dựng sản phẩm, chuyển giao mô hình quảng bá du lịch cộng đồng, phát triển điểm đến gắn với Di tích Văn hóa Sa Huỳnh và đầm An Khê; Khu Chứng tích Sơn Mỹ; tổ chức Tuần lễ Du lịch biển, đảo tỉnh Quảng Ngãi. Ngoài ra, còn phối hợp tham gia gian hàng chung 6 tỉnh tại Ngày hội du lịch TP.Hồ Chí Minh lần thứ 19 năm 2023.