Khẩn trương xây dựng các giải pháp về thuế để hỗ trợ doanh nghiệp

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn tại Hội nghị “Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế – Hải quan 2023” tại TP.HCM.

Nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, VCCI phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị “Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế – Hải quan 2023” tại TP.HCM – Ảnh: Đình Đại.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, năm 2023, tình hình thế giới diễn biến phức tạp chưa có tiền lệ, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, xung đột Nga – Ukaraine kéo dài và gần đây là xung đột Israel-Palestine tại dải Gaza. Bên cạnh đó, lạm phát thế giới tăng cao, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ…dẫn đến suy giảm kinh tế toàn cầu, rủi ro tài chính, an ninh năng lượng ngày càng gia tăng.

Đối với tình hình kinh tế trong nước, ông Cao Anh Tuấn cho rằng, môi trường sản xuất kinh doanh của Việt Nam vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế còn nhiều hạn chế. Ông cho rằng nguyên nhân là do quy mô kinh tế của Việt Nam tuy chưa lớn, nhưng độ mở của nền kinh tế lại rất cao, nên chịu nhiều áp lực từ những yếu tố bất lợi của thị trường nước ngoài.

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã đưa ra các giải pháp gia hạn miễn giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất như: gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, cùng với nhiều khoản phí, lệ phí và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tổng quy mô các gói giải pháp hỗ trợ trong năm 2020 là 129.000 tỷ đồng, năm 2021 là 145.000 tỷ đồng, năm 2022 là 233.000 tỷ đồng và năm 2023 là 196.000 tỷ đồng.

Ông Cao Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại Hội nghị – Ảnh: Đình Đại.

“Mặc dù năm 2023 còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, doanh  nhân cùng sự triển khai thực hiệu hiệu quả các giải pháp hỗ trợ của các cơ quan, đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, trước hết là tăng trưởng kinh tế tăng dần, với quý sau luôn cao hơn quý trước. Ước tính cả năm, tăng trưởng kinh tế đạt trên 5%”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn chia sẻ.

Cũng theo ông Tuấn, thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ luôn ưu tiên chú trọng đến việc cải cách thủ tục hành chính, trong đó, có thủ tục về thuế, Hải quan là những thủ tục trực tiếp tác động đến doanh nghiệp và người dân.

Để tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho các doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ thuế với ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính đã và đang triển khai trên nhiều mặt công tác, tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng luôn chú trọng thực hiện các  giải pháp hỗ trợ để đưa ra các giải pháp nhanh chóng tới được các đối tượng cần hỗ trợ và đảm bảo công khai, minh bạch, giảm tối đa thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.

Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính, kết hợp với hiện đại hóa các lĩnh vực quản lý, đặc biệt là lĩnh vực thuế, Hải quan, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cùng với đó, dịch vụ công trực tuyến do Bộ Tài chính cung cấp ngày càng tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, mang lại sự hài lòng cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh.

Hội nghị thu hút đông đảo doanh nghiệp khu vực phía Nam tham dự – Ảnh: Đình Đại.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, trong năm 2023, tạo đà cho năm 2024, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức từ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và sự sụt giảm nhu cầu nhập khẩu từ các đối tác thương mại lớn. Dư địa hỗ trợ tài khóa cho nền kinh tế ngày càng bị thu hẹp. Thị trường tài chính tiền tệ, chứng khoán, bất động sản còn tiềm ẩn nhiều thách thức, tỷ lệ doanh nghiệp rời khỏi thị trường vẫn còn cao.

“Trong thời gian tới, cùng với sự triển khai quyết liệt các nhiệm vụ giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế, qua đó, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp áp dụng cho năm 2024. Trước mắt, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương xây dựng các giải pháp về thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm cả việc triển khai có hiệu quả chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng như đã áp dụng trong năm 2023. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan để rà soát các mức thuế xuất khẩu, nhập khẩu nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.

Hội nghị cũng đã nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan đến các thủ tục Thuế, Hải quan, cũng như phần trả lời của đại diện các đơn vị.

Đại diện Công ty Điện lực Vân Phong nêu câu hỏi: Là công ty nước ngoài, đang được ưu đãi thuế 10% trong 15 năm; Nay Quốc hội đã thông qua thuế tối thiểu toàn cầu, sau khi chính sách này đi vào thực hiện, Vân Phong có còn được ưu đãi nữa không? Hiện nay doanh nghiệp đa quốc gia như Vân Phong đang phải báo cáo tài chính theo 2 chuẩn mẫu, của Việt Nam và Quốc tế, sau khi chính sách này đi vào thực hiện thì doanh nghiệp sẽ sử dụng chuẩn nào?

Đại diện doanh nghiệp đối thoại với lãnh đạo các cơ quan Thuế và Hải quan – Ảnh: Đình Đại.

Trả lời doanh nghiệp, ông Mai Sơn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Nghị quyết 107 quy định, đối với tập đoàn đa quốc gia có thu nhập từ 750 triệu Euro trở lên. Nếu Vân Phong không thuộc diện này thì vẫn tiếp tục được hưởng ưu đãi.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục làm việc với các tập đoàn quốc tế cũng như các tổ chức quốc tế để thống nhất các mẫu báo cáo tài chính cho rõ ràng. Bộ Tài chính cũng đề nghị doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng này.

Đại diện Công ty San Fang nêu ý kiến: Công ty đang gia công sản phẩm da nhân tạo cho các hãng giầy như Nike hay Puma. Sau khi hoàn thành, đối tác chỉ định giao hàng ở cả Việt Nam lẫn xuất đi thế giới. Bắt đầu từ năm 2023, ở khoản 1, điều 35, nghị định 08 có 3 điểm a, b và c đang có vấn đề nhập nhằng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc mở tờ khai.

Về vấn đề này, ông Hoàng Việt Cường – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan trả lời, không chỉ riêng Sam Fang, thời gian qua có nhiều ý kiến phản ánh về điều khoản này. Cục đã tổng kết các ý kiến và giao cho các cục Hải quan các địa phương đánh giá và sẽ có ý kiến trình lên Chính phủ để hoàn thiện, sửa đổi.

Ông Cao Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đã đưa ra lấy ý kiến doanh nghiệp phía Bắc để dự kiến sửa điều 35 này để cho phép doanh nghiệp gia công tại chỗ, xuất khẩu tại chỗ thì được mở tờ khai.

“Tuy nhiên, quá trình này vẫn đang thực hiện vì chưa thống nhất được giữa các bộ. Tham khảo một số nước khác, nếu hàng hóa không ra khỏi lãnh thổ sẽ được coi là giao dịch nội địa. Dự kiến trong tháng tới, nếu Chính phủ phê duyệt thì sẽ đưa dự thảo ra cộng đồng doanh nghiệp để xin ý kiến”, ông Tuấn thông tin thêm.

Đại diện Công ty Thủy sản Cát Hải có ý kiến nên cải thiện việc kiểm tra chuyên ngành theo hướng bớt rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Hoàng Việt Cường đồng tình với ý kiến này. Ông cho rằng còn rất nhiều công ty đang vướng mắc với kiểm tra chuyên ngành. VCCI và Hải quan đã từng khảo sát và tổng hợp được 7 nội dung chi tiết về kiểm tra chuyên ngành. Cơ quan chức năng cũng đang xây dựng nghị định về kiểm tra chuyên ngành nhưng đã gần 3 năm chưa ban hành được vì các ý kiến của các bộ liên quan chưa thống nhất được. Các bộ sẽ phải có hội nghị bàn thảo đi sâu vào từng chuyên ngành để kiến nghị đề xuất lên Chính phủ.

“Việt Nam có 6 đối tác chiến lược, chiếm tới khoảng hơn 70% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, thì 6 đối tác này hầu hết đều có những cải cách rất quyết liệt về kiểm tra chuyên ngành. Đây cũng là 1 điểm để kiến nghị lên Chính phủ”, ông Cường cho biết.

Trong khi đó, đại diện Công ty Akavina đề nghị phía Hải quan cho biết cơ chế hoạt động của việc quyết định mặt hàng nào phải soi chiếu để doanh nghiệp biết, vì soi chiếu ảnh hưởng rất nhiều tới thời gian và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Trả lời câu hỏi này, ông Hoàng Việt Cường cho biết, Hải quan đang dựa vào 2 nhóm tiêu chí để xác định hàng hóa vào luồng xanh (được đi ngay), luồng vàng (kiểm tra hồ sơ), hay luồng đỏ (kiểm tra thực tế). Hệ thống đang có hơn 211.000 doanh nghiệp được phân vào 5 mức (ưu tiên các đơn vị tuân thủ pháp luật cao) và 9 hạng. Từ 2 bảng xếp hạng này sẽ ra được tiêu chí phân luồng hàng.

Hải quan cũng đang phấn đấu giảm tỷ lệ luồng đỏ, vàng và tăng tỷ lệ luồng xanh lên. Năm 2023 tỷ lệ luồng đỏ đã chỉ còn 3,84% so với 4,2% của năm trước, luồng vàng còn 29,82%, và luồng xanh đã là 66,3%. Trong thời gian tới, Hải quan sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan để giảm tiếp tỷ lệ đỏ, vàng, tăng tiếp tỷ lệ xanh.

Ông Cường cũng đề nghị các doanh nghiệp tăng cường hợp tác, cung cấp các thông tin kịp thời cho hải quan để cập nhật đầy đủ cơ sở dữ liệu xếp hạng này, nhằm đánh giá đúng tình hình của các doanh nghiệp, cải tiến tiếp công việc hải quan.

Tổng kết hội nghị, ông Cao Anh Tuấn đề nghị biên soạn tất cả các ý kiến và trả lời thành tài liệu và đăng tải trên website của Bộ Tài chính để các doanh nghiệp tham khảo cho hoạt động của mình. Ông khẳng định, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho các doanh nghiệp cũng như người dân.

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp