[Quảng Ngãi] Phát triển kinh tế xanh
Phát triển kinh tế xanh là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Đây là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với các doanh nghiệp và mỗi tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất.
Xu hướng phát triển kinh tế xanh tập trung vào 3 trụ cột chính, đó là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, với những ngành nghề ưu tiên như: Năng lượng tái tạo, giao thông phát thải carbon thấp, xây dựng nhà hiệu quả năng lượng, các công nghệ sạch, hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, hệ thống cung cấp nước sạch tiên tiến và nông -lâm- ngư nghiệp bền vững…
“Xanh hóa” nhà máy
Các KCN trong tỉnh đã và đang hướng đến nền công nghiệp xanh qua việc thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực chế tạo, sản xuất công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hướng đến phát triển bền vững. Tiêu biểu là KCN VSIP Quảng Ngãi, với cơ sở hạ tầng và các công trình công cộng được đầu tư đồng bộ, trong đó có hệ thống xử lý nước thải công suất 12 nghìn m³/ngày; sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời giúp các doanh nghiệp (DN) giảm lượng phát thải khí CO2 và chi phí hoạt động.
VSIP Quảng Ngãi xây dựng khu công nghiệp kiểu mẫu xanh, sạch và thân thiện với môi trường. ẢNH: THANH TRUNG
Trong KCN VSIP Quảng Ngãi có nhiều cây xanh trồng dọc các trục đường, cùng với hoa, thảm cỏ, tạo nên không gian xanh rất đẹp. Sau 10 năm đi vào hoạt động, KCN VSIP Quảng Ngãi không chỉ ghi dấu ấn khi thu hút 34 nhà đầu tư, với tổng vốn hơn 1 tỷ USD, mà còn là KCN kiểu mẫu xanh – sạch – đẹp và thân thiện với môi trường.
Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Hà Hoàng Việt Phương cho biết, trước đây, DN đầu tư vào KKT Dung Quất và các KCN tỉnh thường chỉ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện tốt các biện pháp về xử lý nước thải, chất thải, khói bụi ô nhiễm môi trường và phòng cháy, chữa cháy theo quy định, ít chú ý đến tạo cảnh quan, môi trường xung quanh. Vì vậy, khi cấp phép đầu tư các dự án, cũng như sau khi dự án đi vào hoạt động, Ban Quản lý khuyến khích nhà đầu tư tăng diện tích cây xanh, mặt nước và đường giao thông; đồng thời thường xuyên phát động phong trào, tổ chức các hoạt động trồng cây xanh xung quanh nhà máy, trụ sở DN. Qua đó, tạo mảng xanh trong khuôn viên của từng nhà máy, DN, góp phần xây dựng “lá phổi xanh” trong toàn KKT, KCN để bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe cho người lao động, người dân sống ở gần KCN… Bên cạnh đó, trong quá trình thu hút đầu tư, tỉnh và Ban Quản lý cũng ưu tiên các dự án đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có tỷ lệ phát thải thấp, ít gây ô nhiễm môi trường, gắn với ứng dụng công nghệ sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo…
Phát triển nông nghiệp xanh
Là một trong 3 trụ cột phát triển của kinh tế xanh, lĩnh vực nông nghiệp đang được chú trọng phát triển các mô hình sản xuất xanh, như: Ruộng lúa bờ hoa, cánh đồng lớn áp dụng VietGAP, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) gắn với sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”…
Nông dân xã Bình Trị (Bình Sơn) thực hiện mô hình trồng dưa sạch.
Công ty TNHH Nông Lâm nghiệp TBT (TP.Quảng Ngãi) là DN tiên phong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP từ vụ hè thu 2017 – 2018, với quy mô gần 40ha, tại xã Đức Thạnh (Mộ Đức). Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Ngô Thiên Thanh cho biết, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, thuốc vi sinh, giúp hạn chế ô nhiễm môi trường nước, đất, đồng thời giảm chi phí đầu tư; lợi nhuận cao hơn sản xuất lúa đại trà gần 11 triệu đồng/ha. Sau hơn 5 năm thực hiện, mô hình này ngày càng lan tỏa ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Mộ Đức nói riêng, toàn tỉnh nói chung vì mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân, DN và cộng đồng. Nông dân được lợi vì năng suất lúa cao, hiệu quả kinh tế vượt trội. Môi trường và sức khỏe người dân được bảo vệ. Qua thực hiện mô hình này, DN có nguồn nguyên liệu chất lượng để chế biến “gạo Ấn Trà”- sản phẩm đã được đăng ký độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) và “gạo sạch Ấn Trà” – sản phẩm được gắn sao OCOP cấp tỉnh.
Còn nhiều thách thức
Mặc dù có sự chuyển biến tích cực trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu – Thương mại Thuyên Nguyên (KCN Tịnh Phong) Nguyễn Thị Nguyên cho biết, một số đối tác nước ngoài yêu cầu các nhà máy phải ứng dụng quy trình sản xuất xanh, nên những DN đi đầu trong sản xuất xanh sẽ có lợi thế cạnh tranh. Song, chi phí đầu tư công nghệ và tuân thủ các quy định về môi trường khá lớn. Vì vậy, cùng với sự nỗ lực của DN, Nhà nước cần xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi gắn với cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh xanh. Đồng thời, tạo điều kiện để DN tiếp cận nguồn vốn đầu tư và ứng dụng công nghệ cao, để chuyển sang sản xuất tuần hoàn, mức phát thải thấp, thân thiện với môi trường.
“Nói không” với phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật là cách mà nông dân xã Đức Thạnh (Mộ Đức) bảo vệ thương hiệu rau an toàn
Nông nghiệp xanh đáp ứng nhu cầu lương thực của người dân, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Đây cũng là yêu cầu quan trọng để xuất khẩu các nông sản chủ lực. Tuy nhiên, việc sản xuất nông nghiệp vẫn còn một số bất cập. Nông dân vẫn còn thói quen sử dụng quá mức phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, lạm dụng thuốc trong chăn nuôi… Giám đốc Công ty TNHH Nông Lâm nghiệp TBT Võ Thị Hồng Vân đề xuất, Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy việc tái cấp vốn, hỗ trợ DN trong việc tiếp cận vốn vay đầu tư vào khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Thực thi hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN đầu tư sản xuất sạch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng lối sống xanh, tiêu dùng xanh.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương, để thúc đẩy tăng trưởng xanh và một nền nông nghiệp sạch, an toàn cần mở rộng quy mô áp dụng các thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm. Đồng thời, huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển xanh – mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 1/10/2021.