[Quảng Nam] Nhiều ‘ông lớn’ FDI muốn mở rộng sản xuất
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp lớn FDI muốn mở rộng quy mô sản xuất tại tỉnh như Tập đoàn Vidaxl (Hà Lan), Karcher (Đức), Hyosung (Hàn Quốc), Công ty Điện khí Quốc Quang (Trung Quốc)…
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Quảng Nam thời gian qua có nhiều khởi sắc nhờ có nhiều “ông lớn” FDI bày tỏ ý định muốn mở rộng sản xuất đầu tư. Xung quanh vấn đề này, Nhadautu.vn có cuộc trao đổi với ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.
Còn nhiều “rào cản” thu hút FDI
Ông cho biết, nguyên nhân vì sao tình hình thu hút FDI vào Quảng Nam trong 7 tháng chỉ có 1 dự án FDI với vốn đầu tư 1 triệu USD?
Ông Hồ Quang Bửu: Nguyên nhân là do trong bối cảnh chính trị thế giới ngày càng phức tạp, khó lường và ẩn chứa nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, trải qua tác động của suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19, áp lực lạm phát, điều kiện tài chính thắt chặt… làm giảm sút niềm tin đầu tư kinh doanh, gây gián đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, sự thu hẹp quy mô vốn FDI toàn cầu là điều tất yếu, không ngoại trừ Việt Nam, trong đó có Quảng Nam.
Cùng với đó, khi căng thẳng địa chính trị leo thang, nhiều nước lớn đưa ra chiến lược dịch chuyển sản xuất và nguồn vốn trở về bản địa hoặc sang các đối tác thân cận nhằm bảo toàn chuỗi cung ứng.
Hiện nay, một số quốc gia Đông Nam Á đưa ra chính sách thuế cạnh tranh gay gắt, cụ thể giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp, cải cách thủ tục cấp phép đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn… Bên cạnh đó, việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng cũng ảnh hưởng nhiều đến sức hút các dòng vốn FDI của Việt Nam.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Thành Vân.
Tình hình chung của thế giới ảnh hưởng trực tiếp việc thu hút đầu tư từ nguồn vốn FDI đến Việt Nam. Riêng Quảng Nam còn một số nguyên nhân, như hiện nay công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp (KCN) gặp nhiều khó khăn. Việc thiếu quỹ đất tái định cư nên không thể di dời dân trong vùng dự án, dẫn đến chưa có mặt bằng để giao cho nhà đầu tư thi công xây dựng.
Các khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư đã dẫn đến nhiều dự án hạ tầng KCN bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến việc tạo quỹ đất sạch có quy mô lớn theo yêu cầu của một số nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng tại các KCN. Việc xác định giá trị tiền thuê đất KCN hiện nay còn lúng túng, phải chờ Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy định có liên quan mới thực hiện được, điều này dẫn đến việc chậm tiến độ cấp phép đầu tư dự án thứ cấp.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 194 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 6,06 tỷ USD. Ảnh: Thành Vân.
Ngoài ra, theo Luật Đất đai đối với đất thương mại dịch vụ, khi thực hiện dự án nhà đầu tư phải thỏa thuận với người sử dụng đất để chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Giá đất trong thời gian qua được đẩy lên rất cao tạo ra thị trường ảo, trong khi đó người sử dụng đất lại sử dụng để so sánh khi thực hiện thỏa thuận chuyển nhượng đất với các nhà đầu tư. Đây là vấn đề rất khó để đạt được sự đồng thuận của nhiều người trên một phạm vi diện tích lớn để đảm bảo cho dự án.
Thời gian qua, tỉnh cũng đã rất nỗ lực để xúc tiến, kêu gọi đầu tư, và đang có nhiều doanh nghiệp lớn FDI muốn mở rộng đầu tư, quy mô sản xuất tại tỉnh. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2023, tỉnh đã tiếp và làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài như Tập đoàn Vidaxl (Hà Lan), Tập đoàn Karcher (Đức), Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc), Công ty Điện khí Quốc Quang (Trung Quốc)… có nhu cầu đầu tư tại Quảng Nam. Hiện, tỉnh đang xem xét thẩm định dự án đảm bảo đủ điều kiện cấp phép đầu tư.
Tỉnh Quảng Nam sẽ đẩy nhanh tiến độ các KCN mới để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cần quỹ đất lớn. Ảnh: Thành Vân.
Chuẩn bị sẵn quỹ đất KCN để đón doanh nghiệp FDI
Vậy giải pháp của tỉnh trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Ông Hồ Quang Bửu: Để thu hút vốn FDI vào Quảng Nam, trong thời gian tới, tỉnh sẽ thường xuyên trao đổi, phối hợp cung cấp thông tin với tổ chức xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế để tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ trong việc quảng bá, giới thiệu tiềm năng, môi trường và cơ hội đầu tư vào tỉnh Quảng Nam.
Tiếp cận, giới thiệu các cơ hội hợp tác đầu tư trực tiếp đối với các đối tác từ các quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, đứng đầu các chuỗi cung ứng, là thành viên cùng tham gia các Hiệp định FTA đa phương với Việt Nam (CPTPP, RCEP, EVFTA,…) như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…
Đặc biệt, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các dự án có vốn FDI trên địa bàn, từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, theo thẩm quyền phải xử lý ngay. Cũng như đề xuất sửa đổi luật pháp, chính sách để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, tỉnh đôn đốc địa phương phối hợp với chủ đầu tư KCN tập trung đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đảm bảo tạo mặt bằng sạch để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cần quỹ đất lớn. Đặc biệt, đề xuất với Chính phủ điều chỉnh tăng chỉ tiêu đất công nghiệp, để đảm bảo điều kiện xin chủ trương đầu tư xây dựng các KCN mới, qua đó thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng.
Các dự án FDI vào Quảng Nam chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo. Ảnh: Thành Vân.
Liên quan đến phát triển quỹ đất KCN, tỉnh đang chuẩn bị như thế nào thưa ông?
Ông Hồ Quang Bửu: Hiện nay, Bộ KH&ĐT đang thẩm định hồ sơ cấp chủ trương đầu tư dự án kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải mở rộng (115ha). Tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế và KCN lập đề xuất dự án một số KCN mới gồm: KCN Nam Thăng Bình (499,43ha), KCN Bắc Thăng Bình (239,32ha) và KCN Phú Xuân (108ha).
Đồng thời, đã đề xuất đưa vào quy hoạch tỉnh Quảng Nam giai đoạn đến năm 2030 một số KCN mới tại các huyện Đại Lộc, Quế Sơn, Thăng Bình, Tiên Phước… với tổng diện tích khoảng 5.238ha.
Tuy nhiên, việc lập đề xuất dự án đầu tư các KCN mới gặp khó khăn do vướng mắc về chỉ tiêu đất KCN được Chính phủ phân bổ. Cụ thể là thiếu chỉ tiêu đất công nghiệp để thành lập mới các KCN đã có trong quy hoạch cũng như các KCN đưa vào quy hoạch tỉnh trong giai đoạn sắp tới.
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ ưu tiên thu hút các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0… Ảnh: Thành Vân.
Ưu tiên dự án công nghệ cao
Lĩnh vực Quảng Nam đang tập trung kêu gọi đầu tư là gì thưa ông?
Tỉnh Quảng Nam ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, đảm bảo sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế – xã hội.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
Ông Hồ Quang Bửu: Trước mắt, tỉnh hoàn thiện trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp để định hướng, sắp xếp, tổ chức về mặt không gian, tạo cơ hội phát triển nhanh và bền vững.
Trong đó, các vùng sản xuất công nghiệp theo hướng phát triển bền vững bảo vệ môi trường, gắn KCN liên kết với khu đô thị, khu nhà ở chuyên gia và các điều kiện môi trường sống an toàn, lành mạnh.
Hình thành các khu vực sản xuất công nghiệp chuyên sâu như cụm ngành công nghiệp phụ trợ ô tô, điện khí, điện tử, công nghiệp hàng không… góp phần phát triển kinh tế quy mô hướng tới sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa bền vững.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, dược phẩm, sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch…
Tỉnh không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại các KCN trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Quảng Nam cũng đẩy mạnh thu hút và nghiên cứu cơ chế sử dụng vốn FDI cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam, trong 7 tháng năm 2023, tỉnh cấp mới 1 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1 triệu USD; điều chỉnh 3 dự án, chấm dứt hoạt động đối với 1 dự án. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 194 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 6,06 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo.