[Quảng Nam] Du lịch Quảng Nam tìm cơ hội từ chuỗi lễ hội

Chỉ trong khoảng 1 tháng, trên địa bàn Quảng Nam đã và sẽ diễn ra 5 lễ hội gắn với các hoạt động du lịch, góp phần tạo ra hiệu ứng tích cực cho ngành du lịch nói riêng và sự phát triển của địa phương nói chung.

lễ hội diều

Lễ hội diều quốc tế Quảng Nam 2024 vừa diễn ra ở bờ biển Duy Xuyên vào cuối tháng 7 vừa qua. Ảnh: Q.T

Hòa quyện “hơi thở” truyền thống và hiện đại

Lần đầu tiên, chỉ trong khoảng 1 tháng (từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8), tại Quảng Nam diễn ra đến 5 lễ hội. Bắt đầu từ Lễ hội diều quốc tế đến Lễ hội sâm Ngọc Linh, Lễ hội Cù Lao Chàm – mùa ngô đồng đỏ, Lễ hội ớt A Riêu và kết thúc với Lễ hội Cổ Cò 2024. Trong số này, có đến 3 lễ hội lần đầu tiên diễn ra gồm Lễ hội diều quốc tế, Lễ hội ớt A Riêu và Lễ hội Cổ Cò.

Có thể thấy, chuỗi lễ hội kể trên đều không phải kiểu lễ hội có thâm niên (sự kiện có thâm niên nhất là Lễ hội sâm Ngọc Linh mới diễn ra lần thứ VI) nhưng đều ít nhiều gắn với những sắc màu văn hóa – thiên nhiên truyền thống.

Các lễ hội này lấy “hạt nhân” là các giá trị bản địa độc đáo, chứa đựng giá trị đặc biệt, có tiềm năng lớn để tạo đà khai phá du lịch như cây sâm Ngọc Linh, hoa ngô đồng, cây ớt A Riêu, cánh diều quê hay dòng sông Cổ Cò huyền thoại để làm điểm nhấn khai mở các hoạt động liên quan.

263ba385-0a90-4b9e-ae1e-f489118dd4be.jpeg

Mùa hoa ngô đồng nở rộ ở Cù Lao Chàm vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 đã được khai thác, trở thành lễ hội thường niên từ năm 2022. Ảnh: Q.T

Điều đáng chú ý là không gian tổ chức các lễ hội gắn với du lịch kể trên không gói gọn ở vùng trung tâm Hội An mà đã dàn trải lên các huyện vùng cao như Nam Trà My, Đông Giang đến miền biển Duy Xuyên, thậm chí ra đảo xa như Cù Lao Chàm.

Yếu tố hợp tác công tư ngày càng rõ nét khi nhiều lễ hội có sự tham gia hưởng ứng của doanh nghiệp như cộng đồng doanh nghiệp Hội An với Lễ hội Cổ Cò, các doanh nghiệp sâm ở Nam Trà My vào Lễ hội sâm Ngọc Linh đến các doanh nghiệp là điểm đến nổi tiếng như Hoiana Resort & Golf hay Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang chủ động làm “chủ nhà” của các Lễ hội diều quốc tế và Lễ hội ớt A Riêu.

Nghiêng nhiều hơn về phần hội, các lễ hội kể trên tạo ra sự tương tác lớn của du khách thông qua nhiều hoạt động. Sâm Ngọc Linh là phiên chợ sâm Ngọc Linh và dược liệu miền núi, hội thi sâm Ngọc Linh trên sâu khấu…

Lễ hội Cù Lao Chàm – mùa ngô đồng đỏ có chợ đêm Cù Lao, chợ phiên ẩm thực Cù Lao… Tại Lễ hội ớt A Riêu sẽ có các cuộc thi chạy việt dã – leo núi, bơi lội, bắn ná, ăn ớt cùng với mỳ Quảng… để du khách tự do lựa chọn trải nghiệm.

Từ những lễ hội này cũng là không gian thích hợp để các địa phương thông tin, quảng bá rộng rãi về sự vinh danh mà những giá trị bản địa đã đạt được như: Nghề thủ công truyền thống đan võng ngô đồng Cù Lao Chàm và “Tri thức dân gian khai thác, trồng và chế biến sâm Ngọc Linh” được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…

Thúc đẩy du lịch từ lễ hội

Điều ấn tượng trong chuỗi lễ hội đề cập ở trên là đều mang trong mình những sắc màu riêng, đáp ứng đa dạng nhu cầu của thị trường khách.

lễ hội sâm

Theo thống kê của ban tổ chức, Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ VI năm 2024 đã thu hút khoảng 6.000 lượt khách ngoại tỉnh và quốc tế đến Nam Trà My tham dự. Ảnh: Q.T

Du khách ở Lễ hội diều quốc tế có thể tận hưởng du lịch biển – nghỉ dưỡng cao cấp; ghé Lễ hội sâm Ngọc Linh có thể kết hợp khám phá núi non hùng vĩ và mua sắm các loại dược liệu quý giá của miền đại ngàn; còn nhiều du khách trẻ đam mê vi vu ở Cù Lao Chàm mùa lễ hội bởi mê mẩn “check-in” những bức hình nên thơ với rừng hoa ngô đồng hay lặn ngắm những tuyệt tác từ san hô dưới đáy biển nơi này…

Thống kê đã chỉ ra lượng khách đến Hoiana, Cù Lao Chàm hay Nam Trà My đều tăng mạnh trong dịp diễn ra lễ hội. Trong đó, chỉ qua 3 ngày diễn ra Lễ hội sâm Ngọc Linh đã có hơn 10 nghìn lượt khách đến tham quan, mua sắm và tham gia các hoạt động tại lễ hội, trong số này có khoảng 6.000 lượt khách ngoại tỉnh và khách quốc tế. Doanh thu thống kê được từ phiên chợ vào khoảng 10 tỷ đồng, riêng mặt hàng sâm củ Ngọc Linh bán được khoảng 45kg và thu về gần 9,5 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Thương – Phó phòng VH-TT huyện Nam Trà My cho biết, lễ hội lần này cũng giúp thu hút thêm 20 đoàn khách du lịch với ước khoảng 1.500 lượt khách đã đến tham quan Vườn sâm giống Tắk Ngo cùng các điểm du lịch khác như: Điểm săn mây Tắk Pổ, suối Đôi, thác 5 tầng, thác Tây Du Ký, vườn tre khổng lồ, vườn quế cổ thụ, thác Trà Vân, Khu di tích Nước Là…, qua đó mở ra thêm cơ hội thúc đẩy du lịch của Nam Trà My.

Theo đại diện Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang, đơn vị rất ủng hộ ý tưởng phối hợp cùng UBND huyện Đông Giang lần đầu tiên tổ chức Lễ hội ớt A Riêu bởi đây không chỉ là dịp tốt để thu hút thêm khách đến khu du lịch mà còn là cơ hội quảng bá các giá trị bản địa đặc sắc của địa phương để góp phần thúc đẩy sinh kế bền vững cho cư dân.

Theo báo cáo của British Council (Hội đồng Anh – tổ chức quốc tế về hợp tác văn hóa và cơ hội giáo dục của Vương quốc Anh), các mục đích chính thường được phát triển trong lễ hội bao gồm: xây dựng niềm tự hào địa phương; phát triển năng lực văn hóa; tăng nhận thức về môi trường; cung cấp việc làm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế và tạo cơ hội cho cộng đồng địa phương; phát triển du lịch và thu hút đầu tư…

Ông Võ Quốc Hưng – đại diện Tonkin Media (doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ và giải pháp truyền thông sáng tạo) cho rằng, có 2 yếu tố quyết định về việc lễ hội có tác động đến nền kinh tế, nhất là kinh tế sáng tạo là loại lễ hội, quy mô lễ hội và nhận thức, sự quan tâm của công chúng.

Hầu hết lễ hội sẽ có sự tham gia của các thành phần thuộc 3 lĩnh vực nghệ thuật, thiết kế và văn hóa. Trong lễ hội sẽ có sự tương tác xã hội giữa các nhóm: đại chúng, nghệ sĩ, doanh nghiệp và các bên liên quan khác. Từ đó mang lại cơ hội tăng trưởng về lượt du khách ghé thăm, gia tăng sản xuất cũng như số lượng giao dịch, góp phần mang lại sự tăng trưởng kinh tế cho địa phương.

Theo Báo Quảng Nam