[Quảng Bình] Tiết kiệm năng lượng, tăng hiệu quả sản xuất
(QBĐT) – Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã có các giải pháp để áp dụng vào quy trình sản xuất, sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, tiết kiệm chi phí tối ưu, xem tiết kiệm năng lượng là một trong những điều kiện sống còn của đơn vị mình.
Công ty TNHH Đức Đạt có nhà máy kính cường lực ở Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới. Nhà máy sử dụng nguồn điện để tôi nhiệt và các máy phụ trợ cũng dùng điện là chủ yếu, nên ngay từ đầu, lãnh đạo công ty đã chú trọng việc tiết kiệm điện để giảm chi phí sản xuất.
Ông Hoàng Đình Sang, Giám đốc Công ty TNHH Đức Đạt chia sẻ: Công ty đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, có công nghệ mới tiết kiệm điện. Kể cả trạm biến áp, chúng tôi cũng đầu tư trạm đủ tiêu chuẩn và công suất. Một số máy móc trong quá trình sản xuất vận hành cồng kềnh tốn nhiều lao động, nhà máy đã thay lại hệ thống máy tự động hoàn toàn. Công ty chúng tôi sử dụng đèn led chiếu sáng, hạn chế tôi nhiệt vào các giờ cao điểm. Nhờ vậy mà tạo ra hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh, không xảy ra hiện tượng quá tải, vì máy móc hoạt động quá tải khi bị ngắt hoạt động lại rất tốn điện.
Nhà máy kính cường lực Đức Đạt (Công ty TNHH Đức Đạt) chú trọng đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, có công nghệ mới tiết kiệm điện.
Tại Nhà máy Xi măng Vạn Ninh (Quảng Ninh), đơn vị trực thuộc Công ty CP Xi măng Vicem Hải Vân, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả trong quy trình sản xuất. Nhà máy được đầu tư xây dựng theo công nghệ lò quay, phương pháp khô, công suất 1.500 tấn clinker/ngày. Trung bình mỗi tháng sản xuất, nhà máy tiêu hao khoảng 3,3 triệu kWh, tương đương với 5,5 tỷ đồng.
Phó phòng Kỹ thuật, Nhà máy Xi măng Vạn Ninh Trần Sỹ Quân cho biết: Để giảm thiểu lượng tiêu thụ điện năng, nhiều mô hình sáng kiến đã được nhà máy áp dụng có hiệu quả, như lắp các biến tần giúp động cơ quạt hoạt động tốt hơn. Ngoài ra, nhà máy còn chế tạo và lắp đặt máy lấy mẫu tự động tại các vị trí clinker, mẫu than thô, mẫu than mịn, tại các máy nghiền thí nghiệm và bể ngâm mẫu tự động ổn định nhiệt độ nước. Hiện nay, nhà máy sử dụng phế liệu của các ngành khác như hạt xỉ lò cao, tro bay làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất xi măng với tỷ lệ thay thế clinker lên đến 10%. Việc làm này giúp giảm tác động xấu đến môi trường, đồng thời xử lý phế liệu của ngành luyện kim thép, nhiệt điện và giảm thiểu khai thác sử dụng tài nguyên không tái tạo trong sản xuất xi măng.
Việc triển khai sử dụng năng lượng tiết kiệm tuy vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng với các chính sách khuyến khích mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương trong công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ là động lực cho các DN triển khai tốt hơn. 

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hoặc trực tiếp ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các DN trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều giải pháp để thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, sở cũng thường xuyên chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện tiết kiệm năng lượng, nên việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Việt Hà cho biết: Một số DN đã có sự quan tâm, thực hiện rất tốt các quy định của luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, như: Công ty CP Xi măng Sông Gianh; Công ty TNHH Vật liệu Xây dựng Việt Nam; Công ty CP Gốm sứ và Xây dựng Cosevco; Xí nghiệp May Hà Quảng… Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng có nhiều DN tuy đã triển khai thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng nhưng hiệu quả chưa đạt được như kỳ vọng.
Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm giúp giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả cho các doanh nghiệp.
Theo nắm bắt của phóng viên, việc triển khai sử dụng năng lượng tiết kiệm đối với các DN hiện nay gặp một số hạn chế chủ yếu, như: Gặp khó khăn về tài chính, không có điều kiện tiếp cận và lựa chọn công nghệ mới phù hợp với điều kiện DN; nguồn nhân lực tư vấn, chuyển giao công nghệ và quản lý năng lượng chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho DN. Nhiều DN chỉ chú trọng đến việc tìm kiếm khách hàng, đơn hàng…, chưa quan tâm nhiều đến việc xây dựng hệ thống quản lý năng lượng cũng như xây dựng kế hoạch hàng năm và 5 năm về tiêu thụ năng lượng; chưa báo cáo đầy đủ tình hình tiêu thụ năng lượng cho cơ quan chứ­­­c năng.
Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện chương trình chưa thật sự chủ động, tích cực triển khai các nội dung, nhiệm vụ được giao. Nguồn lực tài chính, lực lượng các chuyên gia còn hạn chế, do vậy, việc thực hiện kiểm toán năng lượng cho các DN để xác định các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tư vấn xây dựng dự án, tìm nguồn tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng còn yếu và thiếu.
Thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, hỗ trợ, tư vấn các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các DN trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Việt Hà khẳng định.