[Quảng Bình] Tạo sự thay đổi tích cực, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh
Ngày đăng : 08/11/2022
Đó là phát biểu chỉ đạo của đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị phân tích, đánh giá, giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Quảng Bình năm 2022 được tổ chức vào chiều 7/11.
Tham dự có đồng chí Phạm Thị Hân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan. Về phía Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có đồng chí Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký và lãnh đạo các phòng của VCCI. Hội nghị được kết nối trực tuyến với UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng phát biểu đặt vấn đề tại hội nghị.
PCI là chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam.
Chỉ số PCI do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Chỉ số PCI có thang điểm 100 bao gồm 10 chỉ số thành phần được tổng hợp từ 142 chỉ tiêu nhỏ nhằm đánh giá và xếp hạng các tỉnh, thành phố về chất lượng điều hành kinh tế vĩ mô cấp tỉnh.
Năm 2021, chỉ số PCI của tỉnh Quảng Bình đạt 61,2 điểm, xếp thứ 57/63 tỉnh, thành phố, giảm 5 bậc so với năm 2020, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh và khả năng cạnh tranh của tỉnh.
Để cải thiện, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh năm 2022 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, đề ra các giải pháp để thực hiện, với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất để phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì và điều hành hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Phó Tổng thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn phân tích, đánh giá kết quả đạt được và hạn chế của các chỉ số thành phần PCI tỉnh Quảng Bình trong thời gian qua.
Đồng thời, chia sẻ một số kinh nghiệm, cách làm hay của các tỉnh, thành phố trong cả nước; khuyến nghị các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh Quảng Bình trong năm 2022 và những năm tiếp theo, như: Xây dựng chính quyền năng động, thân thiện; chuyển tư duy từ “cho phép”, “cấp phép” sang tư duy “phục vụ”; chuyển mạnh từ “tháo gỡ khó khăn” sang “tạo thuận lợi” cho doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình giải quyết thủ tục hành
Lãnh đạo Sở KH-ĐT báo cáo tổng quan về Chỉ số PCI của tỉnh Quảng Bình năm 2021.
Tiếp đó, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều ý kiến phát biểu, nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc triển khai dự án của các nhà đầu tư; đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và tạo động lực thu hút đầu tư vào tỉnh.
Để cả hệ thống chính trị thực sự vào cuộc, phát huy điểm mạnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế nhằm tạo sự thay đổi tích cực, rõ nét hơn về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, từ đó, từng bước cải thiện chỉ số PCI tỉnh Quảng Bình năm 2022 và các năm tiếp theo, phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng yêu cầu lãnh đạo, thủ trưởng các đơn vị, địa phương ghi nhận, tiếp thu và nghiên cứu kỹ nội dung tham luận, phân tích của VCCI, ý kiến của các đại biểu, đặc biệt là những kinh nghiệm, mô hình hay ở các địa phương có xếp hạng PCI cao. Từ đó, căn cứ chức năng, nhiệm vụ để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.
Phó Tổng thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn phân tích, đánh giá Chỉ số PCI tỉnh Quảng Bình năm 2021 và chia sẻ kinh nghiệm về cải thiện, nâng cao chỉ số này.
Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trước hết là nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức về mục đích, ý nghĩa của công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và lan tỏa tinh thần, quan điểm đó đến từng doanh nghiệp và người dân.
Mặt khác, tập trung cải thiện các chỉ số thành phần có điểm số thấp, thứ hạng thấp, đặc biệt là các chỉ số có điểm dưới trung vị, các chỉ số xếp hạng dưới mức trung bình. Xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch cải thiện từng chỉ số thành phần cụ thể; trong đó cần đề ra lộ trình, mục tiêu, giải pháp cụ thể, triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng phát biểu tại hội nghị.
Cùng với đó, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong xử lý, ngăn chặn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đơn vị có biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, làm trái với tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số, dịch vụ công trực tuyến để rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Đặc biệt chú trọng tham mưu UBND tỉnh giải quyết, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị, địa phương
nỗ lực thực hiện các giải pháp để cải thiện, nâng cao chỉ số PCI cấp tỉnh của Quảng Bình năm 2022 và những năm tiếp theo.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các doanh nghiệp/nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng với chính quyền, bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình tích cực tham gia, đóng góp những ý tưởng, giải pháp, những phản hồi mang tính xây dựng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh Quảng Bình trong thời gian tới; cùng nhau chia sẻ, đồng thuận, đồng hành để tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, cởi mở, công khai và minh bạch.