Quản lý thuế livestream bán hàng: Cần cơ chế phù hợp

Thời gian qua, vấn đề chống thất thu thuế từ hoạt động livestream bán hàng đang rất nóng, theo chuyên gia, cần có cơ chế phù hợp để quản lý, thu thuế tổ chức, cá nhân sử dụng phương thức bán hàng này.

Thực tế cho thấy, hơn 1 năm trở lại đây, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, livestream (phát video trực tiếp) bán hàng được xem là giải pháp kinh doanh hiệu quả.

Thời gian qua, livestream (phát video trực tiếp) bán hàng được xem là giải pháp kinh doanh hiệu quả – Ảnh minh họa: ITN

Theo “Báo cáo shoppertainment 2024: Tương lai của tiêu dùng và thương mại châu Á – Thái Bình Dương” do TikTok phát hành mới đây, số người tiêu dùng thường xuyên tìm kiếm sản phẩm trên các nền tảng sáng tạo nội dung dạng video tăng gấp 1,9 lần so với các công cụ tìm kiếm truyền thống. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong 1-2 năm tới, khi 93% người tiêu dùng mong muốn tăng cường trải nghiệm kết hợp mua sắm – giải trí trên các nền tảng sáng tạo nội dung số.

Đáng chú ý, thời gian gần đây, xuất hiện những phiên livestream có thể gặt hái doanh số hàng triệu USD trong vài tiếng tiếng đồng hồ, tương đương doanh thu một công ty trong 1 năm. Nhiều mặt hàng bán trong phiên livestream có giá thấp hơn nhiều so với giá bán tại đại lý, cửa hàng nên thu hút lượng khách hàng lớn trên một số nền tảng mua sắm trực tuyến lớn như: TikTok, Shopee… Nhiều dự báo cho thấy, livestream không chỉ là một xu hướng bán hàng trực tuyến mà sẽ sớm trở thành một ngành quy mô lớn tại Việt Nam.

Tuy vậy, hành lang pháp lý liên quan đến hình thức kinh doanh này chưa đầy đủ. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải thiết lập cơ chế phù hợp để quản lý, thu thuế tổ chức, cá nhân sử dụng phương thức bán hàng này.

Theo các chuyên gia, cần phải thiết lập cơ chế phù hợp để quản lý, thu thuế tổ chức, cá nhân sử dụng phương thức livestream bán hàng – Ảnh minh họa: ITN

Nêu quan điểm về vấn đề này, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đề nghị, cần quy định cụ thể về bán hàng livestream. Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể về điều kiện phải đăng ký đối với người livestream bán hàng. Bất kỳ người nào có nhu cầu bán hàng đều có thể phát livestream trên các nền tảng trực tuyến như Facebook, Zalo…

Không những vậy, các chủ thể bán hàng theo phương thức livestream cũng chưa phải xin giấy phép kinh doanh như với bán hàng truyền thống. Điều này, một mặt giúp gia tăng quy mô kinh doanh, mở rộng thị trường, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nhưng mặt khác tạo ra những rào cản không hề nhỏ trong việc quản lý phương thức bán hàng livestream.

“Các cơ quan chức năng cần có sự thay đổi kịp thời, đưa ra những quy định riêng về việc đăng ký và cấp giấy phép đối với người bán hàng qua livestream, giúp hệ thống những người bán hàng qua livestream, không để hoạt động này diễn ra tràn lan, thiếu kiểm soát. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng tự bảo vệ quyền, lợi ích của mình khi mua hàng qua livestream”, chuyên gia này đề nghị.

Đồng quan điểm, không ít ý kiến cho rằng, sẽ rất khó có thể giải quyết triệt để tình trạng thất thu thuế từ lĩnh vực thương mại điện tử, nếu không có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan tổ chức trong việc quản lý và giám sát, cũng như một hành lang pháp lý chắc chắn và có tính răn đe lên các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này. Nhà nước cần nhanh chóng bổ sung và hoàn thiện quy định pháp luật, siết chặt các chính sách về thuế, hóa đơn điện tử. Đồng thời các sở, ban ngành cũng cần xây dựng một công cụ thu thập dữ liệu về giao dịch thương mại điện tử, kho hàng, ngày bán, doanh thu.

Được biết, tại hội nghị về kết nối, chia sẻ dữ liệu phát triển thương mại điện tử, nâng hiệu quả quản lý thuế, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ sửa Nghị định 123/2020 quy định về áp dụng hóa đơn điện tử với các giao dịch thương mại điện tử, livestream.

Liên quan đến việc livestream bán hàng phải xuất hóa đơn điện tử, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law nhận định, đối với livestream bán hàng, việc này có nhiều lợi ích như giúp đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động livestream, không khai khống số liệu, hạn chế gian lận thuế. Đặc biệt, đề xuất này giúp người tiêu dùng sẽ cảm thấy yên tâm hơn về tính hợp pháp và chất lượng của sản phẩm, dịch vụ.

Tuy vậy, các cá nhân và tổ chức nhỏ lẻ có thể gặp khó khăn trong việc áp dụng hệ thống hóa đơn điện tử do thiếu kiến thức, kỹ năng và công nghệ cần thiết. Việc kiểm soát và đảm bảo tất cả các cá nhân và tổ chức tuân thủ quy định mới có thể là một thách thức lớn đối với cơ quan chức năng. Con số doanh thu trên livestream chưa chắc đã là số tiền thu về thực tế do hình thức bán hàng qua livestream cũng có tỷ lệ trả hàng cao.

“Do đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có các chính sách hỗ trợ về kỹ thuật cho các cá nhân, tổ chức kinh doanh nhỏ, hộ kinh doanh qua livestream để họ có thể thực hiện việc xuất hóa đơn điện tử. Đồng thời, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế, quản lý hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là livestream bán hàng, để đảm bảo việc áp dụng xuất hóa đơn điện tử được thực hiện hiệu quả và công bằng”, ông Hà chia sẻ.

Theo Tạp Chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp