Nhiều khó khăn, doanh nghiệp miền Trung – Tây Nguyên phải tăng liên kết, kết nối
Doanh nghiệp gặp khó
Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cho biết doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp miền Trung – Tây Nguyên nói riêng đang gặp nhiều khó khăn.
Nhiều doanh nghiệp gỗ tại Bình Định đang gặp khó đơn hàng
Theo ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI Đà Nẵng (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng), hậu dịch bệnh và bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước hiện nay đang đặt cộng đồng doanh nghiệp miền Trung – Tây Nguyên trước những thách thức chưa từng có: Sức cầu giảm, lạm phát cao, lãi suất tăng chi phí sử dụng vốn cao; khả năng tiếp cận vốn, thanh khoản, dòng tiền của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn…hàng ngàn doanh nghiệp phải tạm dừng kinh doanh hoặc rời bỏ thị trường. Cái khó nữa của doanh nghiệp là tình hình biến động và khó khăn rất khó dự báo và gần như không thể dự báo. Mặt khác, môi trường kinh doanh một số tỉnh, thành tại khu vực có xu hướng chững lại….
Đồng quan điểm, làm rõ thêm vấn đề này, ông Ngô Xuân Thắng – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng cho biết, tại Đà Nẵng sau tín hiệu lạc quan về phục hồi kinh tế năm 2022, bước vào năm 2023, số lượng doanh nghiệp thành phố rút lui khỏi thị trường có xu hướng tăng.
Theo Cục thống kê Đà Nẵng, 2 tháng đầu năm 2023 có 106 doanh nghiệp giải thể, rút lui khỏi thị trường, tăng 20,5% so với cùng kỳ; 2.116 doanh nghiệp chi nhánh, văn phòng đại diện tạm ngừng hoạt động, tăng 19% so với cùng kỳ. “Sức chống chịu giảm sút sau thời gian dài gồng mình chống chịu với dịch bệnh, những khó khăn, thách thức phải đối mặt ngày càng gia tăng, buộc nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể, cùng nhiều khó khăn khác như lạm phát, lãi suất tăng tạo áp lực về huy động vốn và chi phí sản xuất, thị trường bị thu hẹp”, ông Thắng nói.
Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tại thành phố Đà Nẵng có xu hướng tăng trong 2 tháng đầu năm 2023 (Ảnh minh họa: Công nhân sản xuất tại nhà máy Foster Đà Nẵng)
Bà Đồng Thị Ánh – Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP PISICO Bình Định, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh Bình Định cho hay, các doanh nghiệp gỗ tại Bình Định hiện đang rất khó khăn về đơn hàng. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các nguồn vốn vay cũng rất vất vả.
Doanh nghiệp miền Trung – Tây Nguyên phải tăng cường liên kết, kết nối
Để cùng “tồn tại” vượt qua giai đoạn khó khăn này, theo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải liên kết, kết nối.
Ông Lý Đình Quân – Giám đốc Trung tâm ươm tạo Sông Hàn (Songhan Incubator) cho rằng, doanh nghiệp muốn phát triển cần hội đủ 2 yếu tố: Có môi trường kinh doanh tốt, điều này đến từ phía chính quyền địa phương và phải có tính liên kết, kết nối – điều này đến từ doanh nghiệp.
TS. Lê Đăng Doanh cho rằng hơn bao giờ hết, hiện tại doanh nghiệp Việt phải kết nối với nhau để cùng tồn tại
Theo TS. Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, doanh nghiệp đang trải qua một năm nhiều biến động, khó dự báo. “Hơn bao giờ hết các doanh nghiệp phải kết nối với nhau. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, hiểu rõ các thị trường, sẵn sàng đổi mới cả bằng năng lực quản trị và công nghệ”, TS. Lê Đăng Doanh nói.
Ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch VCCI nhìn nhận, trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp phải năng động sáng tạo. “Đã đến lúc doanh nghiệp Việt phải thay đổi thói quen làm việc theo kiểu sân nhà, phải thay đổi chính mình, đổi mới nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm cũng như trình độ, năng suất lao động để không “thua trên sân nhà””, ông Thành nói.
Kết nối giới thiệu sản phẩm tại chương trình gặp mặt Hiệp hội doanh nghiệp và hội viên VCCI khu vực miền Trung – Tây Nguyên
Phó Chủ tịch VCCI chỉ ra rằng hiện tính cộng tác, hợp tác của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp miền Trung – Tây Nguyên nói riêng còn chưa cao. “Giai đoạn này các doanh nghiệp cần phải ưu tiên việc liên kết, chia sẻ và tăng cường kết nối nhiều hơn. Đặc biệt là kết nối để tìm kiếm cơ hội tiêu thụ sản phẩm lẫn nhau, tiêu dùng hàng Việt”, ông Thành nhấn mạnh và khẳng định về phần mình, VCCI sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm nguồn cung và thị trường tiêu thụ; tăng cường xúc tiến quảng bá về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đến các đối tác tiềm năng trong và ngoài nước….