Nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao môi trường kinh doanh Việt Nam
Với các chính sách thu hút đầu tư cởi mở, thông thoáng và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định, không ngừng được cải thiện, có thể nói Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng” với sự tham dự trực tiếp của gần 300 đại biểu – Ảnh: Chí Cường
Phát biểu tại hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng” ngày 15/5 do Báo Đầu tư tổ chức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, 35 năm qua, khu vực đầu tư nước ngoài luôn được xác định là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam được Đảng, Nhà nước khuyến khích tạo điều kiện để phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác của nền kinh tế.
Với các chính sách thu hút đầu tư cởi mở, thông thoáng và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định, không ngừng được cải thiện, có thể nói Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Tính đến cuối tháng 4/2023, Việt Nam đã thu hút được khoảng gần 446 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, khoảng 280 tỷ đã được giải ngân.
Trong năm 2020, bất chấp những tác động của đại dịch COVID-19, theo Báo cáo Đầu tư thế giới của Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), lần đầu tiên Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất trên thế giới.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung phát biểu tại hội thảo – Ảnh: Chí Cường
Bối cảnh khó khăn chung, nhà đầu tư đang thận trọng
Nhìn nhận về xu hướng đầu tư trong thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho rằng, thế giới vẫn tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Trên toàn cầu, tăng trưởng thấp. Các nền kinh tế vẫn tiếp tục được cảnh báo đối diện nguy cơ suy thoái và tổng cầu cũng đang giảm rất nhanh. Xung đột Nga – Ukraine còn phức tạp và kéo dài. Thị trường tài chính, nợ công, thiên tai, biến đổi khí hậu… tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Bối cảnh này đã ảnh hưởng lớn đến dòng vốn đầu tư toàn cầu, trong đó có Việt Nam, cộng thêm nhiều vấn đề phát sinh như từ năm 2024 dự kiến áp dụng thuế xuất tối thiểu toàn cầu 15%… nên đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng đang trong xu hướng chung là có sự chậm lại”, Thứ trưởng nói và cho rằng: “Gần đây, chúng tôi nhận thấy có những dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng hơn và kỹ lưỡng hơn trong quá trình xem xét việc tiếp tục đầu tư ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam”.
Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2023, các dự án vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư mới vào Việt Nam giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài 4 tháng đầu năm đạt gần 8,89 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 5,85 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Thành công của Samsung là thành công của Việt Nam
Đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, Việt Nam và Samsung đã viết nên một câu chuyện thành công đáng nhớ về việc đôi bên cùng thắng.
“Nhiều nhà lãnh đạo phải thốt lên rằng: ‘Thành công của Samsung là thành công của Việt Nam’,” ông Choi Joo Ho nói.
Theo ông Choi Joo Ho, giờ đây các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên toàn thế giới đang nghiêm túc dõi theo Việt Nam – một cứ điểm trọng tâm của điện thoại di động, để tìm hiểu những biến đổi chính sách công nghiệp của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Choi Joo Ho, tình hình thế giới và những biến đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh đang đe dọa sự tiếp nối của câu chuyện thành công này.
Đi sâu vào phân tích, ông Choi Joo Ho cho biết, đó là cuộc cạnh tranh ngôi vị quyền lực Mỹ – Trung, cuộc chiến kéo dài giữa Nga và Ukraine đang dẫn đến lạm phát leo thang, sự sụt giảm trong mậu dịch quốc tế và trở thành rào cản lớn đối với tăng trường kinh tế thế giới, gây bất ổn cho môi trường kinh doanh.
Mặt khác, cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu mà OECD áp dụng với các doanh nghiệp đa quốc gia cũng gây ảnh hưởng cho khoảng 100 doanh nghiệp toàn cầu đầu tư tại Việt Nam. Theo đó, chính sách ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp Chính phủ Việt Nam đang triển khai hiện nay sẽ bị mất đi hiệu quả thực tế. Thêm vào đó, sự thay đổi về cơ chế đánh thuế sẽ khiến cho Việt Nam và các doanh nghiệp FDI gặp phải những xáo trộn lớn. “Do vậy, năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam cũng bị đe dọa”, ông Choi Joo Ho nói.
Để tăng cường năng lực cạnh tranh, xa hơn nữa là vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và các doanh nghiệp FDI, đại diện Samsung đề xuất Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư cũng như thực hiện cam kết, xây dựng lòng tin giữa Chính phủ Việt Nam và doanh nghiệp.
Lấy chính câu chuyện của Samsung làm dẫn chứng, ông Choi Joo Ho khẳng định, “Chính phủ Việt Nam đã thực hiện đúng những chính sách hỗ trợ đã cam kết sau khi Samsung đầu tư và kết quả là Samsung đã liên tục được cung cấp một môi trường kinh doanh tuyệt vời nhất”.
Sau khi đầu tư tại Việt Nam, Samsung cũng đã thực hiện đầy đủ những cam kết như tạo công ăn việc làm ổn định, phát triển đồng thịnh vượng cùng các doanh nghiệp Việt Nam. Gần đây, Samsung cũng đã hiện thực hóa cam kết xây dựng trung tâm R&D, không chỉ sản xuất mà còn triển khai các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin công nghệ cao.
“Việc thực hiện cam kết một cách nghiêm túc giữa Chính phủ Việt Nam và Samsung dựa trên nền tảng của mối quan hệ tin cậy sâu sắc lẫn nhau và hai bên đã hình thành một mối quan hệ mang tính phát triển theo một vòng tuần hoàn tích cực”, ông khẳng định.
Cuối cùng, Samsung Việt Nam đề xuất các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài liên tục thực hiện các hoạt động cống hiến xã hội tại Việt Nam. Samsung cho biết đang dành cho Việt Nam một khoản ngân sách hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở mức cao nhất trong số các quốc gia Samsung đầu tư, tương xứng với tầm quan trọng của Việt Nam, thông qua các dự án như đào tạo khoa học công nghệ, nuôi dưỡng nhân tài công nghệ, hỗ trợ học tập cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…
Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2 của AEON chỉ sau Nhật Bản
Trong khi đó, ông Furusawa Yasuyuki, Thành viên Ban giám đốc điều hành, Tập đoàn AEON (Nhật Bản) phụ trách thị trường Việt Nam, kiêm Tổng giám đốc AEON Việt Nam cho biết, AEON đã nghiên cứu thị trường Việt Nam từ năm 2009 trước khi khai trương trung tâm mua sắm đầu tiên vào năm 2014. Môi trường đầu tư tại Việt Nam cũng đôi lúc có sự thay đổi, nhưng nhìn chung, tiềm năng và cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức.
Ông Furusawa Yasuyuki tin rằng, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng mong muốn đầu tư vào Việt Nam, bởi ở đây có nhiều yếu tố thu hút đầu tư. Với tốc độ tăng trưởng dân số nhanh, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế và tốc độ tăng trưởng cũng cao hơn nhiều so với các nước châu Á khác, cũng như Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Nhật Bản có mối quan hệ ngoại giao rất tốt và lịch sử hợp tác lâu dài trong nhiều lĩnh vực khác. “Với những kinh nghiệm và bí quyết mà AEON đã có được ở Nhật Bản, chúng tôi có thể áp dụng và đóng góp vào sự phát triển của thị trường Việt Nam”, ông Furusawa Yasuyuki khẳng định.
Nhìn lại 11 năm qua, AEON đã đạt được những kỳ vọng cho giai đoạn phát triển đầu tiên tại Việt Nam. Tập đoàn AEON đầu tư vào nhiều thị trường nước ngoài, nhưng để mở rộng đến quy mô hiện có chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao và tiềm năng lớn nhất.
Từ năm 2017 đến năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam thông qua hệ thống bán lẻ của AEON đến Nhật Bản và các quốc gia khác đạt hơn 2 tỷ USD. Ngoài các mặt hàng nông sản, thực phẩm, AEON cũng xuất khẩu nhiều sản phẩm thời trang, gia dụng và sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp được sản xuất tại Việt Nam đến Nhật Bản và các nước khác.
“Tập đoàn AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2 bên cạnh Nhật Bản để tăng tốc đẩy mạnh hoạt động đầu tư và chúng tôi mong muốn các thủ tục liên quan có thể được đơn giản hóa hơn. Mục tiêu lớn nhất AEON vẫn đang nỗ lực thực hiện là trở thành thương hiệu quen thuộc với người Việt, một doanh nghiệp Việt Nam phục vụ người Việt Nam và đóng góp vào sự phát triển của đất nước”, ông Furusawa Yasuyuki nhấn mạnh.
Đón nhận dòng vốn mới đầu tư điện mặt trời áp mái
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch Công ty đầu tư CME Solar cho biết, thời gian gần đây, năng lượng điện mặt trời áp mái đã trở thành một trong những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Với sự phát triển của công nghệ, giá thành sản xuất và lắp đặt các hệ thống điện mặt trời áp mái đã giảm đáng kể. Điều này đã tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư trên toàn thế giới, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài.
Để đón nhận dòng vốn mới chất lượng cao trong lĩnh vực năng lượng mặt trời áp mái, Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để đa dạng hóa các dự án và nâng cao chất lượng các dự án đã có. Một trong những giải pháp đó là tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu, giúp đưa ra các giải pháp mới để cải thiện hiệu suất và giảm chi phí đầu tư. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần thúc đẩy các quy định pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, đồng thời giảm thiểu rủi ro trong quá trình đầu tư.
Vì vậy, để thu hút dòng vốn đầu tư mới và đặc biệt là các dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, Việt Nam cần có chính sách đầu tư thích hợp, hấp dẫn và môi trường kinh doanh thân thiện với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài có thể hợp tác với các đối tác hàng đầu trong nước để có thể dễ tiếp cận thị trường và CMES là một lựa chọn đáng lưu ý.
Lạc quan, không chủ quan
Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, với tinh thần lạc quan nhưng không chủ quan, xác định năm 2023 là năm bản lề trong thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội 2021-2025, tạo tiền đề để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, qua đó, tạo sự bứt phá cho 5 năm tiếp theo (2025-2030) với mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, Chính phủ Việt Nam đã và đang chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cùng với đó, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài, Chính phủ cũng đã chỉ đạo tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, trên phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Ông Đỗ Thành Trung thông tin, sau tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, lần đầu tiên, Bộ Chính trị đã ban hành một nghị quyết riêng về đầu tư nước ngoài, với một nội hàm mới là “hợp tác đầu tư nước ngoài”, chứ không phải chỉ đơn thuần là “thu hút đầu tư nước ngoài” như trước đây. Đó là Nghị quyết 50-NQ/TW về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Nhằm cụ thể hóa, thể chế hóa nghị quyết này, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030.
Với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, Chiến lược đặt ra mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài; thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội cho giai đoạn tới…
“Sau hơn 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài, thành tựu rất đáng ghi nhận nhưng không phải không có những tồn tại, hạn chế, mà một trong số đó là tính lan tỏa, sự kết nối giữa khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực trong nước còn chưa cao”, Thứ trưởng nhìn nhận.
Xu thế hiện nay, dòng vốn đầu tư toàn cầu đang tập trung vào các lĩnh vực như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D); kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; năng lượng sạch… Đây cũng chính là những lĩnh vực mà Việt Nam đang đặt trọng tâm ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài và dành nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, qua đó sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.
“Do đó, để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, chúng tôi kêu gọi và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực nói trên, ưu tiên đầu tư các dự án sử dụng ít lao động, năng lượng, đất đai, tài nguyên, đem lại giá trị gia tăng cao, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bao trùm và bền vững nền kinh tế.
Đồng thời, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ nâng cao năng lực và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu”, Thứ trưởng nói.