[Kom Tum] Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn
Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, thời gian qua, cùng với đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, các ngành chức năng và các địa phương tích cực triển khai xây dựng, phát triển các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 14 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, gồm 5 chuỗi cung ứng rau củ quả các loại; 3 chuỗi cung ứng cà phê nhân, cà phê bột; 5 chuỗi cung ứng thịt heo, thịt bò, thịt gà và 1 chuỗi cung ứng đẳng sâm. Đồng thời, duy trì được 33 chuỗi liên kết một số khâu trong hoạt động sản xuất chăn nuôi, thuỷ sản gồm 27 liên kết trong chăn nuôi heo, 5 liên kết trong chăn nuôi gia cầm, 1 liên kết trong hoạt động nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Đăk Hà và huyện Đăk Glei tiến hành xây dựng được 2 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn; gồm chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê 4C tại một số địa phương của huyện Đăk Hà và chuỗi sản xuất và tiêu thụ đẳng sâm tại xã Mường Hoong và xã Ngọc Linh của huyện Đăk Glei.
Theo đó, từng địa phương, trên cơ sở khai thác điều kiện, thế mạnh của mình, tập trung xây dựng các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn phù hợp với tình hình thực tế.
|
Chẳng hạn như tại thành phố Kon Tum, đây là địa bàn có lợi thế về thị trường tiêu thụ rộng rãi, song yêu cầu của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm hàng hóa ngày càng cao nên chính quyền địa phương chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân thay đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn cây trồng phù hợp với nhu cầu của thị trường để mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người dân đầu tư sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ kiểm soát, giám sát chất lượng sản phẩm.
Hiện tại, thành phố Kon Tum đã xây dựng được một số mô hình “cánh đồng lớn” đối với cây rau, lúa, khoai lang, cây ăn quả… và các chuỗi thực phẩm cung ứng thịt gà, heo, rau an toàn. Các thực phẩm an toàn đang được liên kết tiêu thụ tại các cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, bếp ăn bán trú trường học và các siêu thị trên địa bàn thành phố Kon Tum.
Đối với huyện Sa Thầy, để có nguồn thực phẩm an toàn cung ứng cho người dân địa phương, huyện tiến hành quy hoạch 3,9 ha vùng sản xuất rau, quả an toàn tại xã Sa Nghĩa và thị trấn Sa Thầy, vận động người dân tham gia, hướng dẫn quy trình canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định. Đến nay, trên địa bàn xã Sa Nghĩa và thị trấn Sa Thầy đã có 135 hộ dân ký cam kết thực hiện sản xuất rau an toàn. Các sản phẩm rau, củ, quả trước khi thu hoạch được các cơ quan chức năng của địa phương kiểm tra, đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mới được bán ra thị trường. Huyện Sa Thầy cũng đã bố trí một khu vực bán rau an toàn riêng tại Trung tâm thương mại huyện để tạo thuận lợi cho việc bán, mua của người dân.
Tương tự, huyện Kon Plông triển khai thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết với doanh nghiệp phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; giám sát các doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP.
|
Hiện tại, huyện Kon Plông có khoảng 340 ha trồng rau, củ với nhiều sản phẩm như bí Nhật, bắp sú, cà chua bi, dâu tây, cà rốt, khoai tây, súp lơ, xà lách và khoảng 800 ha trồng cây ăn quả các loại như cam, bưởi, chanh, bơ, chuối…, tất cả các loại cây trồng kể trên được sản xuất theo tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến. Nhờ đó, mặt hàng rau, hoa xứ lạnh của huyện Kon Plông không chỉ bán tại thị trường trong tỉnh mà còn được xuất bán nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai…
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc xây dựng và nhân rộng các chuỗi sản xuất nông sản an toàn đã tạo hiệu ứng tích cực để doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, VietGAP, HACCP, ISO). Toàn tỉnh hiện có 13 cơ sở sản xuất nông sản áp dụng chương trình quản lý tiên tiến HACCP, ISO. Đồng thời, việc làm này cũng góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, từng bước chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, tự phát theo kiểu mạnh ai nấy làm sang liên kết sản xuất để tạo ra khối lượng sản phẩm lớn với chất lượng cao, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản địa phương trên thị trường. Hiện nay, các phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn hữu cơ có giá bán cao hơn từ 1,3-1,5 lần so với sản phẩm truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người sản xuất. Hơn thế nữa, các sản phẩm nông sản an toàn được cung cấp ra thị trường có giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng đã giúp người tiêu dùng an tâm hơn khi sử dụng sản phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.
Việc triển khai liên kết sản xuất, bảo đảm quy trình an toàn thực phẩm trong từng công đoạn, từ khâu sản xuất đến khâu cung ứng cho người tiêu dùng để tạo thành chuỗi giá trị, là hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, mang lại nhiều lợi ích cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.