[Quảng Ngãi] Sản xuất công nghiệp tăng tốc

Dự báo chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 của tỉnh sẽ có nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp, đặc biệt là sự nỗ lực khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp (DN) khi thị trường khởi sắc, chỉ số phát triển công nghiệp của tỉnh đã có sự tăng trưởng một cách ngoạn mục.

Tăng trưởng đảo chiều
Theo kịch bản kinh tế mà Quảng Ngãi xây dựng thì năm 2023, công nghiệp của tỉnh sẽ tăng trưởng âm khoảng 14,3%. Những tháng đầu năm, sự tăng trưởng công nghiệp gần như thuận theo dự báo này và thực tế 6 tháng đầu năm, công nghiệp đã tăng trưởng âm gần 1%. Tuy nhiên, bước sang tháng 7/2023, khi thị trường sản phẩm công nghiệp của thế giới đã có sự phục hồi, các DN trong tỉnh đã năng động tiếp cận, tăng cường xuất khẩu, đẩy chỉ số tăng trưởng công nghiệp lên cao. Trong vòng 2 tháng qua, công nghiệp Quảng Ngãi đã dần xóa dấu tích của tăng trưởng âm, xác lập dấu ấn tăng trưởng dương, đi ngược với dự báo của kịch bản tăng trưởng hồi đầu năm 2023.
Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất xuất sản phẩm thép xây dựng cung ứng cho thị trường. Ảnh: H.P

Cục Thống kê tỉnh ghi nhận, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2023 ước tăng 10,3% so với tháng 7/2023 và tăng 4,4% so với tháng 8/2022. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng mạnh so với tháng trước do một số sản phẩm chủ lực có sản lượng tăng như sắt thép tăng 8,3%; may mặc tăng 9,2%; sợi tăng 18%; bia các loại tăng 37%; bánh kẹo tăng 8%; dăm gỗ nguyên liệu giấy tăng 10,7%… Tính chung, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng của năm 2023 ước tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2022. Theo dự báo của Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Nguyễn Hùng thì với đà tăng trưởng này, đặc biệt là sự tăng trưởng mạnh 2 sản phẩm chủ lực là sắt thép và lọc dầu, thì năm 2023, công nghiệp sẽ tăng trưởng khoảng 2,3% thay vì tăng trưởng âm 14,3% như dự báo trước đó.

Sắt thép và lọc dầu tăng tốc

Theo tính toán của Cục Thống kê tỉnh thì năm 2023 sản lượng của sản phẩm lọc dầu và sắt thép sẽ tăng hơn so cùng kỳ năm 2022, trong đó sắt thép tăng 2 triệu tấn.

Công nhân Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất trong ca sản xuất.

Chia sẻ thông tin về sự tăng trưởng ngoạn mục của sắt thép, Phó Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất Đinh Văn Chung cho biết, từ tháng 4 đến tháng 7/2023, công ty đã đưa 2 lò cao đi vào hoạt động trở lại. Như vậy, hiện cả 4 lò cao đều hoạt động đảm bảo như công suất thiết kế, tương ứng mỗi ngày sản xuất đạt 10 nghìn tấn sắt thép để cung ứng ra thị trường. Nhờ đó, trong 8 tháng năm 2023, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đã sản xuất được 2,7 triệu tấn sắt thép, vượt 8% kế hoạch cả năm. Dự báo, từ nay đến hết năm 2023, công ty vẫn duy trì hoạt động ổn định, sản lượng đạt công suất thiết kế, phấn đấu vượt xa so với kế hoạch năm đã đề ra.

Hiện tại, các sản phẩm thép xây dựng, phôi thép, thép cuộn cán nóng (HRC), ống thép, tôn mạ các loại đang xuất bán ra thị trường đạt sản lượng cao nhất từ đầu năm đến nay. Ngoài đảm bảo cung ứng ổn định cho thị trường trong nước thì thép Hòa Phát Dung Quất còn đang trên đà xuất khẩu rất mạnh vào các thị trường lớn trên thế giới. Bên cạnh ổn định sản xuất phục vụ nhu cầu thị trường, công ty còn tích cực triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, công suất 5,6 triệu tấn HRC/năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Tính đến đầu tháng 9/2023, dự án đã triển khai đạt 35% khối lượng toàn dự án.

Đối với sản phẩm lọc dầu của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, đến cuối tháng 8, công ty đã sản xuất 4,85 triệu tấn sản phẩm, đạt khoảng 80% kế hoạch năm 2023; doanh thu ước đạt 91,6 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 4.400 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty đã thực hiện được 96% kế hoạch doanh thu. Hiện tại, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang hoạt động ở mức 108 – 110% công suất.

Giữ ổn định tăng trưởng

Trong 8 tháng qua, Quảng Ngãi còn có một số sản phẩm khác tăng khá, đặc biệt là ngành may mặc, với mức tăng 14,6%. Các DN hoạt động trong lĩnh vực này đã chủ động tìm kiếm đơn hàng có giá trị lớn, giá thành ổn định. Hiện tại, nhiều DN đã tìm được đơn hàng, đảm bảo việc làm cho từ 500 – 1.000 công nhân đến hết quý I/2024. Phó Giám đốc Công ty TNHH Thuyên Nguyên Trần Quốc Toản cho biết, hiện nay công ty đã ký kết được các đơn hàng, duy trì hoạt động ổn định đến tháng 3/2024. Một số đối tác truyền thống hiện cũng đang đàm phán để ký kết các hợp đồng mới. Công ty đã lên kế hoạch tuyển dụng thêm lao động để đáp ứng yêu cầu sản xuất trong những tháng cuối năm.
Tàu nhập hàng ở cảng nước sâu Dung Quất.

Giám đốc Nhà máy May Vinatex Dung Quất Nguyễn Văn Hiệp cho biết, đơn hàng nhiều, nên đảm bảo việc làm cho gần 700 công nhân nhà máy đến hết năm 2023. Hiện công ty đang đàm phán ký kết các đơn hàng gia công quần áo xuất khẩu đi Mỹ và các nước Châu Âu. Khi các đơn hàng chính thức được ký kết, sẽ đảm bảo duy trì ổn định sản xuất của nhà máy đến hết quý I/2024. “So với kế hoạch đầu năm dự báo thì sự tăng trưởng thực tế của nhà máy cao hơn nhiều. Đơn vị cũng rất mừng là thị trường đã nối nhịp trở lại, giúp DN từng bước vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất” – Giám đốc Nhà máy May Vinatex Dung Quất Nguyễn Văn Hiệp nói.

Sự tăng trưởng ngoạn mục của ngành công nghiệp, ngoài những nỗ lực vận hành sản xuất của các chủ DN còn có sự đồng hành của tỉnh trong giải quyết các kiến nghị liên quan. Trong 8 tháng qua, Quảng Ngãi đã giải quyết cơ bản các hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các DN, đặc biệt là DN trong KKT Dung Quất và các KCN tỉnh. Đồng thời cho ý kiến thống nhất với đề xuất nâng công suất, mở rộng quy mô sản xuất nhà máy của 16 DN; xem xét, giải quyết cho gia hạn thời gian thực hiện một số dự án bị chậm trễ có lý do chính đáng. Đặc biệt là tập trung xây dựng các khu tái định cư, di dân, thu hồi đất phục vụ các dự án công nghiệp lớn tại KKT Dung Quất; rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan đến xuất khẩu hàng hóa, nhập khẩu nguyên liệu, máy móc phục vụ sản xuất kinh doanh.

Theo Báo Quảng Ngãi