Khơi thông nguồn vốn từ quỹ đầu tư
Các quỹ đầu tư tư nhân trong và ngoài nước hiện đang nắm giữ hàng trăm tỷ USD, có thể cung cấp giải pháp vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Nhiều chuyên gia cho rằng, các SMEs nên tích cực tìm kiếm nguồn vốn từ các quỹ này để giảm dần phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp.
VCCI đang đóng vai trò kết nối các quỹ đầu tư tư nhân quốc tế tìm hiểu thị trường Việt Nam.
Khó trông chờ tín dụng và trái phiếu
Đánh giá thị trường vốn tại Việt Nam còn “sơ khai” so với quốc tế, ông Tyler Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc khối Khách hàng Định chế Công ty TNHH Chứng khoán Maybank, cho rằng các SMEs không nên chỉ dựa vào nguồn vốn ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp để vươn tầm.
“Nếu muốn vay vốn ngân hàng để kinh doanh, các doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp tương ứng với khoản vay, chủ yếu là tài sản cố định như bất động sản có giá trị lớn. Với những doanh nghiệp quy mô nhỏ, việc này là không dễ dàng”, ông Tyler Nguyễn Mạnh Dũng nhận định.
Khó khăn đó càng thêm chồng chất mỗi khi tín dụng ngân hàng bị siết chặt hơn. Điều này cộng với rạn nứt niềm tin của nhà đầu tư vào kênh trái phiếu và chứng khoán, càng cản trở sự phát triển của các SMEs ở Việt Nam.
Ông Tyler Nguyễn Mạnh Dũng lưu ý rằng, các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn có thể tối ưu được giá thành sản xuất và lợi nhuận tốt hơn những SMEs. Vì vậy, việc các doanh nghiệp lớn có thiên hướng đầu tư dài hạn, chú trọng tới chất lượng sản phẩm và uy tín doanh nghiệp, dẫn tới sự chuyên nghiệp hoá từ khâu sản xuất tới quản trị. Điều này cũng giúp họ tiếp cận vốn tín dụng tốt hơn các SMEs.
Kỳ vọng kênh quỹ đầu tư
Dù không còn xa lạ, các quỹ đầu tư tư nhân trong và ngoài nước nắm giữ hàng trăm tỷ USD có thể cung cấp một giải pháp vốn hiệu quả cho các SMEs. Trên thực tế tại Việt Nam, các quỹ này thường hiện diện ở các thương vụ lớn với các tập đoàn quy mô hàng trăm ngàn tỷ đồng, nhưng không thiếu các điển hình thành công của các SMEs.
“Chẳng hạn như Pizza 4P’s, từ một doanh nghiệp chỉ với 1-2 cửa hàng, nhờ được tiếp cận nguồn vốn của quỹ đầu tư, hiện nay họ đã mở nhiều cửa hàng trên các tỉnh, thành phố lớn khắp cả nước trong thời gian không lâu. Ngoài ra, họ còn mở rộng được quy mô kinh doanh và chuyên nghiệp hoá quản trị chất lượng bằng việc đầu tư nhà máy sản xuất phô mai hay số hoá trong hoạt động quản lý vận hành các nhà hàng. Nhà sản xuất sô-cô-la Maison Marou cũng là một ví dụ khác về SME phát huy được tiềm năng khi nhận được vốn từ các quỹ đầu tư”, ông Dũng cho biết.
Điểm khác biệt lớn của các quỹ đầu tư là thay vì đầu tư vào các công cụ tài chính, các quỹ này nhắm tới các công ty không niêm yết hoặc những công ty niêm yết nhưng có kế hoạch rút khỏi sàn giao dịch, với mục tiêu tham gia quản lý, tăng trưởng doanh nghiệp và duy trì thời gian đầu tư tối thiểu 5-10 năm.
Theo các chuyên gia, ngoài một số quỹ lớn như VinaCapital hay Mekong Capital, thị trường vốn trung hạn cho các SMEs tại Việt Nam vẫn còn tương đối tiềm năng. Tín hiệu tích cực cho các SMEs là ngày càng có nhiều quỹ đầu tư ngoại đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam.
Như cuối tháng 2 vừa qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tiếp phái đoàn 14 quỹ đầu tư đa quốc gia hàng đầu thế giới và khu vực tới tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Lưu ý với doanh nghiệp
Không chỉ là dòng vốn, kinh nghiệm quản trị hay tầm nhìn dài hạn được xem là những lợi ích khác mà các doanh nghiệp Việt có thể học được từ sự tham gia của các quỹ đầu tư nước ngoài.
Ông Tyler Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng, khi có sự song hành cùng các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp sẽ không thể lựa chọn các chiến lược kinh doanh một cách vội vàng. Chưa kể, các doanh nghiệp này còn phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu khắt khe về quản trị doanh nghiệp, minh bạch sổ sách, chiến lược kinh doanh hay tuân thủ pháp luật. Điều này sẽ giúp thay đổi tư duy và tầm vóc của các SMEs tại Việt Nam, vốn vẫn được nhìn nhận là còn non trẻ.
Dù vậy, vẫn còn nhiều rào cản để khơi thông nguồn vốn từ các quỹ đầu tư. Trước hết, bản thân các SMEs tại Việt Nam vẫn chưa quan tâm hoặc biết đến các quỹ này, đồng thời còn yếu về kỹ năng quản trị và ngoại ngữ.
“Ngay cả việc giao tiếp tìm kiếm cơ hội cũng đang là điểm yếu lớn của hầu hết SMEs tại Việt Nam. Kỹ năng ngoại ngữ hạn chế hay sự quan tâm và thấu hiểu về tiềm năng thị trường tài chính vẫn chưa thực sự cao. Điều này ngăn cản cơ hội tiếp xúc, trao đổi trực tiếp giữa các quỹ đầu tư ngoại và các SMEs Việt Nam, khiến họ bỏ lỡ cơ hội hợp tác phát triển”, ông Dũng nói.
Khẩu vị đầu tư rủi ro hơn của các quỹ đầu tư đòi hỏi các doanh nghiệp phải chứng minh được năng lực, công nghệ, sản phẩm hay tầm nhìn kinh doanh. Đổi lại, sự khắt khe đó có thể tạo đà thúc đẩy các SMEs Việt Nam chuyên nghiệp hơn.
Để tiếp cận vốn từ các quỹ đầu tư, các SMEs phải năng cao năng lực quản trị, chiến lược kinh doanh… Khi có nguồn vốn dài hạn từ các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp sẽ có động lực đầu tư vào những giá trị dài hạn, ví dụ như số hoá trong quản trị, kinh doanh hay tự động hoá trong khâu sản xuất…