[Quảng Nam] Du lịch Quảng Nam bao giờ ‘cất cánh’?
Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng với nền văn hóa truyền thống đa dạng, độc đáo của 9 huyện miền núi Quảng Nam được đánh giá là “mỏ vàng” để phát triển du lịch. Tiềm năng lớn là vậy nhưng hiện nay, ngành công nghiệp không khói này vẫn chưa đóng góp nhiều cho nền kinh tế địa phương.
Số dự án du lịch ‘đếm trên đầu ngón tay’
Thời gian qua, các huyện miền núi Quảng Nam đã có nhiều sản phẩm du lịch được đầu tư và được du khách trong nước, nước ngoài đón nhận, góp phần đa dạng hoá sản phẩm du lịch khu vực miền núi, mang đến trải nghiệm mới mẻ cho du khách khi đến Quảng Nam và giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động địa phương.
Có thể kể đến như Làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu, Làng dệt Zơra (Nam Giang), Làng du lịch Bhờ Hôồng, Đhrôồng (Đông Giang), Làng văn hóa du lịch Làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước), Làng du lịch cộng đồng Đại Bình (Nông Sơn), Làng Văn hóa Cao Sơn, Làng Mường (Bắc Trà My)… Bên cạnh đó, thương hiệu sâm Ngọc Linh đã được quảng bá rộng rãi thông qua nhiều hoạt động, chương trình lễ hội, cái tên Nam Trà My cũng bắt đầu được nhiều công ty lữ hành và du khách khắp nơi chú ý.
Mặc dù có những bước phát triển song du lịch miền núi Quảng Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn chưa được tháo gỡ. Ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, cơ sở hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều điểm du lịch tại các huyện vùng núi cao không thể đón xe khách 45 chỗ, khoảng cách giữa các điểm du lịch còn khá xa – điều này đã trở thành rào cản không nhỏ để phát triển tour tuyến du lịch.
Cùng với đó là sự trùng lặp sản phẩm giữa các địa phương làm cho việc kết nối, tạo sản phẩm thực sự độc đáo để du khách hào hứng với những chuyến khám phá đại ngàn vẫn chưa được như mong đợi; lao động còn hạn chế về số lượng lẫn chất lượng; nhiều nơi làm du lịch tự phát, chưa được quy hoạch, đầu tư bài bản; chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan…
“So với tiềm năng, lợi thế sẵn có, du lịch miền núi Quảng Nam chưa thực sự được đầu tư tương xứng, hiệu quả kinh tế do du lịch mang lại chưa đáng kể, người dân bản địa vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ sự phát triển của du lịch”, ông Sơn nói.
Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang là một trong những dự án đầu tư lớn tại huyện miền núi Quảng Nam. Ảnh: Thành Vân.
Theo Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam, mặc dù nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhưng tình hình đầu tư vào khu vực miền núi của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực du lịch vẫn còn khiêm tốn.
Kể từ năm 2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt danh mục dự án nghiên cứu đầu tư làm cơ sở để triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh với 70 dự án năm 2021, 29 dự án năm 2022, 3 dự án năm 2023. Trong đó, các dự án thuộc các huyện miền núi là 11 dự án năm 2021, 8 dự án năm 2022 và 1 dự án năm 2023, tuy nhiên không có các dự án trong lĩnh vực du lịch.
Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam dẫn chứng, trong hơn 1.100 dự án trong nước và 195 dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh thì khu vực miền núi chỉ có 202 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 67.000 tỷ đồng; 4 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 44 triệu USD. Riêng lĩnh vực du lịch là 8 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 3.200 tỷ đồng.
Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng với nền văn hóa truyền thống đa dạng, độc đáo của các huyện miền núi Quảng Nam được đánh giá là “mỏ vàng” để phát triển du lịch. Ảnh: T.V.
Liên kết để phát triển
Để phát triển du lịch miền núi Quảng Nam, lãnh đạo huyện Tây Giang đề xuất, cần đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch cho các huyện miền núi, nhất là giao thông, trong đó có Tây Giang. Đặc biệt, có cơ chế hỗ trợ thích hợp cho những người ám hiểu về văn hoá, trao truyền văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, tỉnh nên mở các lớp đào tạo, tập huấn về công tác văn hoá, du lịch, quản lý di tích gắn với khai thác phát triển du lịch cho người miền núi. Đồng thời, có cơ chế thông thoáng, số hoá thủ tục giấy tờ nhanh gọn, khoa học, nhịp nhàng giữa các sở, ngành và địa phương trong quản lưu trú cho khách du lịch, nhất là khách quốc đến du lịch tại các huyện miền núi, các điểm du lịch nằm ở địa ban biên giới.
Trong khi đó, Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam cho rằng, cần tăng cường nguồn lực đầu tư công để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông gắn với hệ thống thông tin truyền thông, năng lượng, cấp thoát nước, môi trường,… đảm bảo đồng bộ để phục vụ phát triển du lịch tại các huyện miền núi. Đặc biệt, rà soát, chỉnh sửa, phân bổ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư hạ tầng tại các điểm du lịch ở các địa phương miền núi hợp lý hơn như điểm nào cần hỗ trợ ngay, mức kinh phí như thế nào…
Đồng thời, cần quy hoạch các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với các điểm, tuyến du lịch, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các làng nghề một cách bền vững, trong đó phải chú trọng công tác bảo vệ môi trường, không phá vỡ cảnh quan và các giá trị tài nguyên thiên nhiên tại các làng nghề. Qua đó gắn phát triển làng nghề với việc phát triển, đa dạng các điểm, tuyến du lịch…
“Các huyện miền núi cần liên kết với các nước Lào, Thái Lan, thúc đẩy thu hút khách du lịch thông qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) – Đắc Tà Ọoc (tỉnh Sê Kông, Lào); liên kết với các tỉnh Tây Nguyên để đón dòng khách du lịch…”, Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam nêu.
Ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, ngành du lịch đang tìm ra hướng đi cho du lịch miền núi Quảng Nam, từng bước tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, không còn tình trạng phát triển manh mún, nhỏ lẻ, “mạnh ai nấy làm”, cùng nhau kết nối để tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị cao và bền vững.
“Các địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các điểm đến sẽ cùng nhau hợp tác phát triển du lịch với mục đích hỗ trợ và phát triển sản phẩm du lịch, tạo ra các tour tuyến hoàn chỉnh góp phần tạo sự cạnh tranh với các vùng khác, thúc đẩy du lịch miền núi Quảng Nam phát triển một bài bản, hiệu quả, bền vững trong thời gian đến”, ông Sơn khẳng định.\