Khẩn trương nghiên cứu, xem xét, xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 6353/VPCP-ĐMDN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ ngành, địa phương liên quan báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ quý II/2023 theo Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Sài Gòn khu vực 1. Ảnh tư liệu (minh họa): Hoàng Hùng/TTXVN

Trước đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có công văn số 1278/LĐTM-BC ngày 17/7/2023 báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ quý II/2023 theo Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

Báo cáo nêu rõ, trong quý II/2023, VCCI đã nhận được 34 văn bản phản ánh khó khăn, vướng mắc và kiến nghị (kiến nghị) của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, bao gồm 18 kiến nghị do Văn phòng Chính phủ tập hợp và 16 kiến nghị do VCCI tập hợp.

Trong số 18 kiến nghị do Văn phòng Chính phủ tập hợp trong quý II/2023, có 12 văn bản gửi tới 7 bộ, ngành và 6 văn bản gửi tới UBND các tỉnh, thành phố. Nội dung chính trong các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chủ yếu đề xuất về các vấn đề liên quan đến chính sách thuế, vướng mắc về việc hoàn thuế giá trị gia tăng, vướng mắc về hồ sơ đăng ký, thông tin chương trình khuyến mại, về việc đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ đấu thầu, đề xuất với UBND các tỉnh về các vướng mắc về đất đai, đất dự án, hỗ trợ đền bù đất…

Trong số 16 kiến nghị do VCCI tập hợp trong quý II/2023, nội dung chính trong các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chủ yếu đề xuất về các vấn đề liên quan đến chính sách thuế, thuế giá trị gia tăng, về lãi suất cho vay, giải pháp tăng cường huy động vốn, về các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, đề xuất cải cách quy định kinh doanh, kiến nghị về một số dự thảo Luật…

Qua tổng hợp và theo dõi của VCCI, nhìn chung các bộ, ngành, địa phương đã có giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn một số ít bộ, ngành, địa phương trả lời, giải quyết các kiến nghị doanh nghiệp chưa kịp thời và đúng thời hạn theo phiếu chuyển của Văn phòng Chính phủ, đặc biệt là các kiến nghị liên quan đến trách nhiệm trả lời, giải quyết của các địa phương, cần phải qua các sở, ngành xem xét, giải quyết. Ngoài ra, các kiến nghị do VCCI tập hợp cũng cần phải có thời gian để Văn phòng Chính phủ gửi đến các bộ, ngành, địa phương xem xét giải quyết.

Tại văn bản 6353/VPCP-ĐMDN, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Kiên Giang khẩn trương nghiên cứu, xem xét, xử lý các kiến nghị được nêu tại phụ lục I và phụ lục III Báo cáo số 1278/LĐTM-BC ngày 17/7/2023 của VCCI theo thẩm quyền và quy định pháp luật. Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Cập nhật tình hình, kết quả xử lý trên Hệ thống phản ánh kiến nghị tại địa chỉ: http://pakn.dichvucong.gov.vn và đồng gửi Văn phòng Chính phủ, VCCI để tổng hợp trước ngày 20/8/2023.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu VCCI thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023, tổng hợp các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp chuyển tới các cơ quan quản lý nhà nước để xử lý, giải quyết; định kỳ hàng quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện và đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, theo dõi và công khai trên Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp.

VCCI báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/8/2023 kết quả đạt được, khó khăn, thách thức, biện pháp khắc phục trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực, quan hệ kinh doanh và đầu tư ở ngoài nước.

Theo Báo Tin Tức