Bộ Chính trị: Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế

Nghị quyết của Bộ Chính trị khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa thay mặt Bộ Chính trị ký Nghị quyết 68 ngày 4/5 về phát triển kinh tế tư nhân.

Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt, nói chuyện với các cán bộ lão thành miền Trung – Tây Nguyên, TP Đà Nẵng ngày 28/3. Ảnh: Nguyễn Đông

Theo quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Đây cũng là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Theo Nghị quyết, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt cùng với kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Việc này giúp đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng.

Bộ Chính trị khẳng định phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, mang tính chiến lược lâu dài. Do đó, định hướng này cần được cụ thể hóa trong các chiến lược, chính sách phát triển của đất nước. Việc này nhằm phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, giải phóng toàn bộ nguồn lực, nhất là trong nhân dân, cho phát triển kinh tế – xã hội.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu xóa bỏ triệt để “định kiến về kinh tế tư nhân”, đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân với phát triển đất nước. Cùng với đó, nhà điều hành phải nuôi dưỡng, khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo, tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân.

Doanh nghiệp, doanh nhân phải được bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản, tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng. Họ được tự do kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận cơ hội kinh doanh và các nguồn lực như vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực hợp pháp khác.

Nhà điều hành tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, an toàn, dễ thực thi, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế. Doanh nghiệp tư nhân được bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu.

Cùng với đó, cơ quan quản lý xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển trong những lĩnh vực ưu tiên, nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số và làm giàu hợp pháp, chính đáng.

Bộ Chính trị nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể. Việt Nam sẽ chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo, nỗ lực vươn lên. Đồng thời, đội ngũ doanh nhân sẽ được tôn vinh, cổ vũ để phát triển lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội.

Sản xuất tại nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi), tháng 8/2024. Ảnh:Giang Huy

Sản xuất tại nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi), tháng 8/2024. Ảnh:Giang Huy

Nghị quyết nêu 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp. Đầu tiên, toàn hệ thống chính trị nhất quán tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân. Nhà nước kiến tạo, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển, không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trái với nguyên tắc thị trường.

Nhóm nhiệm vụ, giải pháp tiếp theo là đẩy mạnh cải cách, nâng chất lượng thể chế. Tư duy xây dựng và thực thi pháp luật đổi mới theo cơ chế thị trường, giảm thiểu và xoá bỏ rào cản hành chính, cơ chế “xin – cho”, tư duy không quản được thì cấm.

“Người dân, doanh nghiệp được tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm”, Nghị quyết nêu, thêm rằng quyền kinh doanh chỉ có thể bị hạn chế vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự và đạo đức xã hội, môi trường và sức khoẻ cộng đồng. Tất cả những điều này phải được quy định trong luật.

Nghị quyết đề cập tới nhiệm vụ hoàn thiện pháp luật, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, chi phí thấp. Quy trình, thủ tục hành chính theo hướng minh bạch hóa, số hóa, tự động hóa, áp dụng triệt để trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn. Cơ quan quản lý đặt mục tiêu cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh ngay trong năm 2025.

Quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, cạnh tranh bình đẳng và thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân sẽ được bảo đảm. Nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự, hay giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm được tuân thủ.

Cụ thể, các quy định sửa đổi để đảm bảo nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, các biện pháp hành chính sẽ được ưu tiên trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. “Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến sự hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự”, Nghị quyết nêu.

Còn với trường hợp đến mức xử lý hình sự, ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo. Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp.

Với các vụ việc thiếu chứng cứ, chứng cứ không rõ ràng, cơ quan điều tra phải sớm có kết luận, tránh ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, doanh nhân. Cùng với đó, họ phải đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án.

Việt Nam đặt mục tiêu hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp lớn và vừa, các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu. Theo đó, các doanh nghiệp tư nhân sẽ được mở rộng tham gia vào các dự án quan trọng quốc gia. Nhà nước có cơ chế đặt hàng, đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu, có chính sách ưu đãi khuyến khích khu vực tư nhân tham gia cùng Nhà nước vào các lĩnh vực chiến lược, các dự án quan trọng quốc gia (như đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, công nghiệp mũi nhọn, hạ tầng năng lượng, giao thông xanh, công nghiệp quốc phòng, an ninh…)

Khu vực doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ gia đình sẽ được hỗ trợ thực chất, hiệu quả. Nhà điều hành sẽ rà soát pháp lý, thu hẹp tối đa sự chênh lệch, tạo mọi thuận lợi về tổ chức quản trị và chế độ tài chính, kế toán để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Hình thức thuế khoán với hộ kinh doanh bị xoá bỏ chậm nhất trong năm 2026.

Hiện, với hơn 940.000 doanh nghiệp và trên 5 triệu hộ kinh doanh, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước và 82% tổng số lao động.

Việt Nam đặt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp đến 2030, tương ứng 20 doanh nghiệp trên 1.000 người dân. Trong số đó, ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng với đó, kinh tế tư nhân tăng trưởng bình quân khoảng 10-12% một năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực này đóng góp khoảng 55-58% GDP, 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động, năng suất lao động tăng bình quân tăng 8,5-9,5% mỗi năm.

Nghị quyết cũng đặt mục tiêu khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam sẽ đạt trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á đến 2030.

Đến năm 2045, khu vực này phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp sẽ có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Mục tiêu, Việt Nam sẽ có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp, đóng góp trên 60% GDP.

Toàn văn Nghị quyết 68 về Phát triển kinh tế tư nhân

Theo Trang Vnexpress