Giảm thiểu rủi ro từ chuỗi cung ứng bền vững
Các quy định liên quan đến phát triển bền vững ngày càng nhiều, doanh nghiệp không đáp ứng có thể sẽ bị mất cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hoặc chịu phạt khoản tiền lớn.
Ông Nguyễn Chí Hiếu – Giám đốc khối tư vấn môi trường xã hội và quản trị KPMG Việt Nam và Campuchia đã nhấn mạnh như vậy khi đề cập đến yêu cầu thực hành ESG trong chuỗi cung ứng.
Dẫn số liệu nghiên cứu của KPMG toàn cầu, ông Nguyễn Chí Hiếu cho biết: khi tham gia khảo sát, 75% CEO của các chuỗi cung ứng và tập đoàn lớn cho rằng đang đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là rủi ro về môi trường, biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư thực hiện thẩm định ngoài các yếu tố về tài chính, luật pháp, thuế… đã tích hợp các yếu tố môi trường, xã hội, quản trị vào hệ thống thẩm định.
Tại các thị trường xuất khẩu lớn trên thế giới, các quy định về phát triển bền vững ngày càng nhiều và chặt chẽ. Ngoài thị trường châu Âu tiên phong với nhiều cơ chế, chiến lược xanh đã và đang thực hiện, các nước khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ không ngoài cuộc. Thị trường tỷ dân Trung Quốc cũng tiếp tục hướng tới nâng chất lượng sản phẩm nhập khẩu.
Trong năm 2024-2025, theo ông Nguyễn Chí Hiếu, chuỗi cung ứng toàn cầu chịu tác động bởi một số xu hướng ESG chính. Đó là, người tiêu dùng và khách hàng yêu cầu ngày càng có nhiều thông tin hơn nữa về ESG trong sản phẩm, hàng hoá; áp lực của hội đồng quản trị và điều hành cấp cao; sự biến đổi của lực lượng lao động.
Đặc biệt, các quy định liên quan đến phát triển bền vững ngày càng nhiều, doanh nghiệp không đáp ứng có thể sẽ bị mất cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hoặc chấp nhận chịu phạt với khoản tiền phạt ngày càng tăng. Điển hình tại Quy định chống mất rừng (EUDR), doanh nghiệp tại châu Âu vi phạm nhập khẩu từ một đơn vị không đáp ứng được điều kiện EUDR sẽ phải chịu mức phạt rất cao, tương đương 4% trên tổng doanh thu của công ty trong một năm. Do đó, các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp tham gia chuỗi rất quan tâm đến EUDR cũng như các quy định phát triển bền vững.
Từ các quy định về phát triển bền vững đã và đang được áp dụng tại các nước là đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam, ông Nguyễn Chí Hiếu chỉ rõ các nhóm ngành hàng, chuỗi cung ứng của Việt Nam gặp khó khăn và có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất trong thời gian tới. Đó là dệt may, đồ gỗ; sắt thép, nhôm, phân bón, xi măng; các ngành sản xuất sử dụng than đá làm nguyên liệu đầu vào; các chuỗi ngành lâm nghiệp, thực phẩm…
Chuyển đổi ESG vì thế đang trở thành yêu cầu cấp bách, đòi hỏi quyết tâm lớn của các doanh nghiệp Việt Nam bởi quy định pháp lý liên quan đến phát triển bền vững của các thị trường lớn trên thế giới quá nhiều và khác nhau. Việc chuyển đổi này cũng cần khoản chi phí và đầu tư ban đầu khá lớn. Chưa kể đến một số thách thức khác với doanh nghiệp như dữ liệu ESG, kiến trúc nền tảng ban đầu, nhân sự có kỹ năng về ESG… còn thiếu.
Tuy nhiên, khi vượt qua được những trở ngại trên, ESG lại đang trở thành lợi thế cạnh tranh lớn của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng. ESG giúp cải thiện tiêu chuẩn, điều kiện làm việc; tăng cường tính minh bạch trong sản xuất kinh doanh.
Thực hành ESG tạo cơ hội cho doanh nghiệp thu hút đầu tư và vốn xanh ưu đãi; giúp doanh nghiệp tuân thủ các biện pháp, quy định pháp lý, cải thiện năng suất, giảm phát thải. Nghiên cứu cho thấy, doanh nghiệp có thương hiệu xanh, sạch được khách hàng tín nhiệm và dễ dàng hơn trong việc tiếp cận khách hàng mới…
“Lợi thế mà ESG mang lại không quy đổi ngay thành lợi nhuận, tiền bạc mà doanh nghiệp cần xác định, đây là khoản đầu tư dài hạn từ 3-5 năm” – ông Nguyễn Chí Hiếu lưu ý.
Để quản lý và áp dụng ESG trong chuỗi cung ứng, từ nghiên cứu của mình, KPMG cho rằng, doanh nghiệp cần lồng ghép, tích hợp ESG vào chuỗi cung ứng logistic; xây dựng hệ thống kinh tế tuần hoàn; theo đuổi các mục tiêu phát thải ròng bằng 0; vận hành và bảo trì hệ thống ESG hiện có; trao quyền độc lập đầu tư và vấn đề con người.