[Gia Lai] Tháo gỡ “điểm nghẽn” để thu hút đầu tư-Kỳ cuối: Sàng lọc, ưu tiên dự án có thế mạnh
Để công tác kêu gọi, thu hút đầu tư đạt hiệu quả, ngoài việc tạo môi trường thông thoáng, lựa chọn kỹ các doanh nghiệp đủ năng lực thì yếu tố quan trọng không kém chính là xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư dựa trên tiềm năng, thế mạnh, có đầy đủ những điều kiện cần nhằm tăng tính khả thi của dự án
Tạo môi trường đầu tư thông thoáng
Ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài đến Gia Lai để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Điều này cho thấy, bên cạnh tiềm năng dồi dào, phong phú thì môi trường đầu tư cởi mở, thông thoáng, sự tích cực đồng hành của địa phương cũng là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư.
Ông Lê Tiến Anh-Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Để nhà đầu tư nắm bắt đầy đủ các thủ tục pháp lý khi đăng ký đầu tư dự án, tỉnh đã ban hành tài liệu hướng dẫn quy trình đăng ký, phê duyệt và triển khai thực hiện dự án.
Sở cũng đã hoàn thiện phần mềm bản đồ dự án giúp các nhà đầu tư dễ dàng tra cứu các thông tin quan trọng như: quy hoạch, kế hoạch, danh mục dự án kêu gọi đầu tư, tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Phát hành, đăng tải các thông tin tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh thu hút đầu tư của tỉnh qua USB có video clip giới thiệu; đăng tải danh mục dự án thu hút đầu tư bằng 4 thứ tiếng: Việt, Anh, Nhật, Hàn; tập gấp Gia Lai tiềm năng và cơ hội đầu tư tại địa chỉ: https://skhdt.gialai.gov.vn (website của Sở Kế hoạch và Đầu tư), https://gialaiinvest.vn (phần mềm xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ dự án đầu tư tích hợp).
Sơ chế chuối tại Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn
Ông Nguyễn Quang Anh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn-bày tỏ: “Trong quá trình tìm hiểu cơ hội đầu tư, tôi được chính quyền địa phương cam kết tạo điều kiện thuận lợi, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, đồng hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nếu có khi thực hiện các dự án. Thực tế cho thấy, chính quyền các cấp đã minh bạch về các chính sách ưu đãi, tạo môi trường đầu tư rất thuận lợi. Chúng tôi đang được miễn thuế 5 năm đầu đầu tư, đồng nghĩa với việc chính quyền đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho chúng tôi ổn định sản xuất”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế thông tin: “Để tiếp tục thu hút đầu tư hiệu quả, tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tích hợp đầy đủ các quy hoạch có liên quan. Đồng thời, tỉnh tiếp tục rà soát và xây dựng cơ chế áp dụng các chính sách một cách linh hoạt nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh công khai, minh bạch; có cơ chế hỗ trợ ở mức cao nhất cho các nhà đầu tư theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, định hình các phân vùng trồng trọt và chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh sẽ thúc đẩy liên kết đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi toàn vùng tới các cảng biển, cảng hàng không nội địa và quốc tế. Cùng với đó, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế để tạo đột phá, phát triển kinh tế nhanh, bền vững theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tại Nghị quyết số 07/NQ-TU ngày 20-1-2022 về phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030”.
Dự án chăn nuôi của Công ty TNHH một thành viên thương mại Thanh Trang Gia Lai đang xây dựng tại xã Chư Răng (huyện Ia Pa)
Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký-cho hay: Hiệp hội cũng cố gắng tham gia thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh. Thông qua các buổi sinh hoạt, tiếp xúc với Hiệp hội Doanh nghiệp các tỉnh bạn, chúng tôi có dịp giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, môi trường, chính sách đầu tư của tỉnh.
Xây dựng danh mục có chọn lọc
Để tận dụng triệt để tiềm năng, thế mạnh, nhiều địa phương đã đề xuất danh mục với khá nhiều dự án để kêu gọi đầu tư. Song thực tế cho thấy, ở nhiều nơi, kêu gọi thì nhiều nhưng số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư lại rất ít. Điển hình như danh mục kêu gọi đầu tư của huyện Mang Yang có 34 dự án nhưng chỉ 1 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư; TP. Pleiku kêu gọi đầu tư 40 dự án nhưng cũng mới chỉ có 7 dự án lựa chọn được nhà đầu tư và đang triển khai thực hiện…
Bên cạnh đó, nhiều dự án đã chọn được nhà đầu tư, nhưng sau đó bị chậm trễ, kéo dài hoặc không triển khai thực hiện. Điển hình như Dự án trung tâm sản xuất hạt giống và rau sạch ứng dụng công nghệ cao; Dự án trồng, chế biến, xuất khẩu rau củ quả ứng dụng công nghệ cao tại xã Gào, TP. Pleiku; Dự án trang trại giống Vina Gia Lai tại huyện Chư Sê hiện chưa làm thủ tục xin gia hạn, chỉ mới làm điện áp mái chứ chưa triển khai chăn nuôi…
Chế biến rau quả xuất khẩu tại DOVECO Gia Lai
Liên quan đến vấn đề này, ông Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh-đánh giá: “Qua giám sát thực tế tại các huyện, thị xã, thành phố cho thấy, việc lập danh mục kêu gọi đầu tư của các địa phương đang có vấn đề. Các cơ quan chuyên môn nên nghiên cứu, xây dựng lại danh mục kêu gọi đầu tư có chọn lọc hơn, phải sàng lọc, ưu tiên các dự án dựa trên thế mạnh của từng địa phương, có tính khả thi để kêu gọi. Đối với các dự án đã cấp chủ trương nhưng quá hạn, nhà đầu tư chây ì, kéo dài không triển khai thì thu hồi để tránh lãng phí nguồn lực”.
Ông Nguyễn Trường Sơn-Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa-cho biết: Tháng 4 năm ngoái, UBND tỉnh và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đã tổ chức hội nghị về thu hút đầu tư tại thị xã với sự tham gia của các nhà đầu tư đến từ TP. Hồ Chí Minh. Sau khi tìm hiểu về lợi thế và khảo sát thực tế, các doanh nghiệp rất muốn đầu tư nhưng so về giá đất với một số địa phương lại quá cao nên họ cũng dè chừng. Nếu xác định Ayun Pa trở thành vùng kinh tế động lực phía Đông Nam của tỉnh thì cần có cơ chế riêng để địa phương phát triển và hấp dẫn được các nhà đầu tư.
Trong các buổi tiếp xúc, làm việc với các nhà đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long cam kết, tỉnh sẽ luôn đồng hành để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư theo quy định của pháp luật. Đối với những vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết, tỉnh sẽ đôn đốc các sở, ngành kịp thời hỗ trợ nhà đầu tư. Những vấn đề vượt thẩm quyền, tỉnh sẽ tổng hợp để kiến nghị, đề xuất lên các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết. Đồng thời, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch để nâng cao năng lực cạnh tranh… Đặc biệt, tỉnh sẽ sớm có các quy hoạch để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực đến đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh tại địa phương.
“Lợi thế của Ayun Pa là nuôi chim yến. Không những vậy, các địa phương lân cận như Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa cũng nuôi rất nhiều. Vì vậy, tỉnh cần quan tâm kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ tổ yến. Hiện nay, đa phần hộ nuôi chim yến đều bán thô sản phẩm với giá khoảng 20 triệu đồng/kg, trong khi các nơi họ thu về từ chế biến tinh giá trị đạt gần 100 triệu đồng/kg. Bên cạnh đó, sản lượng nguyên liệu thuốc lá cũng rất lớn nên nếu có nhà máy tinh chế sẽ hạn chế được tình trạng người dân sấy thuốc lá bằng củi, đồng thời sẽ nâng cao giá trị cho mặt hàng này”-ông Sơn phân tích.
Còn ông Trần Quốc Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa thì cho rằng, với lợi thế về chăn nuôi, thời gian qua, huyện đã thu hút đầu tư nhiều dự án lớn. Ngược lại, nhiều dự án có trong danh mục kêu gọi đầu tư lại chưa có doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Vì vậy, cần dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng danh mục có chọn lọc, phù hợp. Rất mong UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ địa phương trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng thương mại, giao thông, cụm tiểu thủ công nghiệp phục vụ công tác thu hút đầu tư vào địa bàn.
Để công tác thu hút đầu tư đạt hiệu quả hơn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt nhấn mạnh: “Ủy ban nhân dân tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành, địa phương sớm tổng hợp những kiến nghị về sự bất cập, chồng chéo trong các văn bản luật đã chỉ ra trong quá trình giám sát để HĐND tỉnh có cơ sở kiến nghị các cấp có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi. Đồng thời, UBND tỉnh nên chuẩn hóa, thống nhất các hướng dẫn trong quy trình lập danh mục dự án đầu tư, quy trình thực hiện các thủ tục lập dự án đầu tư để tránh làm mất thời gian của nhà đầu tư. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng cần chỉ đạo các sở, ngành rà soát những bất cập thuộc thẩm quyền để nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp. Riêng đối với doanh nghiệp chây ì, chậm triển khai dự án khi đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cần quyết liệt các giải pháp để nhà đầu tư nghiêm túc hơn trong quá trình triển khai thực hiện dự án”.