[Gia Lai] Hướng mục tiêu xuất khẩu cà phê trên 500 triệu USD/năm

Tỉnh Gia Lai đang tập trung nâng cao chất lượng, giá trị cà phê thông qua việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, hướng tới thị trường xuất khẩu. Hướng mục tiêu xuất khẩu cà phê đạt trên 500 triệu USD/năm.

Vườn cà phê chất lượng cao tại huyện Đak Đoa, Gia Lai. Ảnh: Sơn Nam

Tỉnh Gia Lai hiện có diện tích trồng cà phê gần 99.000 ha, năng suất bình quân đạt 30 tạ/ha, tổng sản lượng cà phê đạt hơn 267.000 tấn mỗi năm. Cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh chiếm gần 71% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản hàng hóa. Năm 2022, giá trị xuất khẩu cà phê của tỉnh Gia Lai đạt gần 500 triệu USD.

Sản xuất cà phê đã làm thay đổi đời sống của người dân, đặc biệt là bà con vùng dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương.

Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2025, Gia Lai không mở rộng diện tích, duy trì ổn định khoảng 98.000 – 100.000 ha cà phê. Bên cạnh đó, việc phát triển cà phê không lấn chiếm, gây ảnh hưởng đến đất rừng.

Đặc biệt, Gia Lai sẽ tập trung nâng cao chất lượng, giá trị cà phê thông qua việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, hướng tới thị trường xuất khẩu.

Hội thảo về phòng ngừa rủi ro giá cà phê và các phương thức giao dịch trên sàn giao dịch hàng hóa do Sở Công Thương tỉnh Gia Lai phối hợp với Công ty Cổ phần Giao dịch hàng hóa Sài Gòn Invest tổ chức. Ảnh: Sơn Nam

Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất cà phê sạch để nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm cà phê nhân xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng mạng lưới sản xuất, chế biến cà phê bền vững và một phần sản phẩm cà phê đặc sản, nhằm thâm nhập vào các thị trường có tiềm năng trong nước và xuất khẩu.

Điển hình là cà phê Thu Hà, cà phê Tamba, Classic Coffee, L’amant Café… đã có mặt ở khắp các tỉnh thành trong nước và bước đầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản.

Xác định thị trường cà phê cũng là một thị trường có tính biến động cao, với giá cà phê thường xuyên thay đổi. Cùng với đó, vấn đề suy giảm diện tích đất trồng cà phê do chuyển đổi mục đích sử dụng đất; suy thoái chất lượng đất do sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan; biến đổi khí hậu gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất cà phê; giá cà phê trên thị trường thế giới biến động thất thường… tỉnh Gia Lai đang tập trung khuyến khích hỗ trợ thành lập chuỗi liên kết trong cung ứng cà phê, bao gồm: nông dân, nhà thu mua, nhà chế biến, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu và nhà bán lẻ.

Theo Thời Báo Tài Chính Việt Nam