[Quảng Bình] Ngoại giao kinh tế: “Chìa khóa” thu hút đầu tư
Nhằm tận dụng tối đa thế mạnh ở các lĩnh vực và thời cơ bứt phá để phục hồi kinh tế sau đại dịch, thời gian qua, công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) đã được tỉnh hết sức quan tâm. Qua đó phát huy vai trò cầu nối giữa địa phương với các đối tác trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, việc tham gia hàng loạt sự kiện NGKT của tỉnh đã góp phần không nhỏ thu hút nguồn lực đầu tư vào các dự án kinh tế lớn, trọng điểm của địa phương.
Chủ động NGKT
Trao đổi với chúng tôi bên lề hội nghị trực tuyến triển khai chương trình hành động của Chính phủ về NGKT diễn ra mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng cho biết: Nhằm tăng cường thu hút vốn đầu tư vào các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh, thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trong nước.
Cụ thể là tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2022 tại TP. Hồ Chí Minh; quảng bá du lịch tại hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội; phối hợp tổ chức hội nghị “Giới thiệu điểm đến 5 địa phương (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và TP. Đà Nẵng)” tại Hà Nội; phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức các hoạt động quảng bá du lịch Quảng Bình và xúc tiến giới thiệu khách du lịch đến các tỉnh Bắc Trung bộ tại hội nghị kích cầu du lịch Nghệ An năm 2022; tổ chức hội thảo “Du lịch Quảng Bình: Thích ứng mới, vận hội mới”…
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có gần 30 dự án sử dụng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 1,12 tỷ USD. |
Cùng với đó, UBND tỉnh đã cung cấp thông tin, khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp (DN) của tỉnh hợp tác, tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch nước ngoài, như: Hợp tác với một số DN tại I-ran có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam; tham gia diễn đàn kinh tế xanh và triển lãm quốc tế 2022 do Hiệp hội DN Châu Âu tại Việt Nam tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh…; cung cấp thông tin về tình hình hợp tác, thông tin giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, lĩnh vực và danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư cho các cơ quan đại diện của nước ngoài tại Việt Nam cũng như các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài nhằm quảng bá hình ảnh của tỉnh, kêu gọi đầu tư.
Một trong những kết quả nổi bật thể hiện sự chủ động của các cấp chính quyền tỉnh Quảng Bình trong thực hiện NGKT thời gian qua là đã giới thiệu, hỗ trợ Công ty CP Đầu tư AMI Renewables Quảng Bình nghiên cứu đầu tư thực hiện dự án Nhà máy điện gió AMI Savannakhet tại huyện Sê-pôn, tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt (Lào) với quy mô công suất 1.220MW, tổng mức đầu tư trên 2 tỷ USD.
Hiện, Chính phủ Lào đã đồng ý và ký kết biên bản ghi nhớ về nghiên cứu khảo sát tính khả thi phát triển dự án với Công ty CP Đầu tư AMI Renewables Quảng Bình. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã cấp giấy phép đầu tư vào Lào cho Công ty CP Đầu tư AMI Renewables Quảng Bình.
Theo đánh giá, sau khi chính thức triển khai, đây sẽ là dự án lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng đầu tư sang Lào, do nhà đầu tư của Quảng Bình đăng ký thực hiện.
Công tác vận động, thu hút nguồn vốn ODA góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội tỉnh theo hướng bền vững.
Một kết quả đáng mừng nữa là UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương về phục hồi và tăng trưởng du lịch trong giai đoạn bình thường mới, trong đó tích cực đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh, điểm đến, các chương trình kích cầu du lịch, sản phẩm du lịch mới bằng nhiều hình thức đa dạng. Qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng của du lịch Quảng Bình.
Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Ngọc Quý cho biết: Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2022, tổng số khách du lịch nội địa đến Quảng Bình đạt gần 2 triệu lượt, gấp 3,51 lần so với cùng kỳ năm 2021; khách quốc tế đạt gần 31 nghìn lượt, gấp 5,4 lần so với cùng kỳ. Hiện tại, hầu hết các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn TP. Đồng Hới đã gần như kín phòng cho thuê trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Đặc biệt, tiềm năng du lịch Quảng Bình tiếp tục được các tổ chức, tạp chí trong nước và quốc tế đánh giá cao. Cụ thể, hang Sơn Đoòng được vinh danh trên trang chủ Google tại 18 quốc gia và vùng lãnh thổ; “Khám phá các hang động ở Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB)” được The Culture Trip chọn là 1 trong 6 hoạt động thú vị ở Việt Nam mà bất kỳ du khách nào cũng nên trải nghiệm một lần trong đời; PN-KB được Tạp chí Du lịch AFAR (Mỹ) vinh danh là 1 trong 39 điểm đến của thế giới…
Phát huy vai trò “chìa khóa” NGKT
“Cùng với việc triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính theo hướng lấy DN, người dân làm trung tâm, công tác NGKT luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm và sẽ tiếp tục tăng cường với các nội dung, trên các lĩnh vực cụ thể, có thế mạnh của tỉnh trong thời gian tới”.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng |
Nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19 nên các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh diễn ra thuận lợi, hiệu quả tốt. Đặc biệt, các dự án công nghiệp năng lượng, như: Dự án Trang trại điện gió B&T, Nhà máy điện mặt trời Dohwa Lệ Thủy đã đi vào vận hành và khai thác hiệu quả. Doanh thu năm 2022 đạt khoảng 366,2 triệu USD, giải quyết việc làm cho khoảng 1.500 lao động, nộp ngân sách hơn 11,6 triệu USD.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng, thời gian tới tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh Quảng Bình cũng như tiềm năng, chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư và tổ chức có hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch ở nước ngoài.
Trong đó, tỉnh tập trung đến các thị trường truyền thống, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu để kêu gọi các dự án đầu tư về lĩnh vực du lịch, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp sạch và chế biến nông, lâm, thủy sản, năng lượng tái tạo và công nghiệp chế tạo… Đồng thời đẩy mạnh, đổi mới công tác vận động, thu hút nguồn vốn ODA nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Để làm được điều này, Quảng Bình rất cần Bộ Ngoại giao và các cơ quan Trung ương hỗ trợ quảng bá, giới thiệu tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB đến các quốc gia, khu vực trên thế giới. Mặt khác, giới thiệu cho tỉnh Quảng Bình các đối tác phù hợp để mở rộng quan hệ hợp tác, thu hút đầu tư, nhất là các lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh, như: Du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất, lắp ráp đồ điện dân dụng, điện tử, viễn thông; tạo điều kiện đưa lao động Quảng Bình đi làm việc, học sinh, sinh viên được thực tập tại các địa phương ở nước ngoài.
Về phía địa phương, Quảng Bình sẽ tiếp tục thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện tốt dịch vụ hành chính công, khắc phục những vướng mắc dù là nhỏ nhất có thể ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư của tỉnh.
Theo số liệu thống kê về tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, trong năm 2022 có gần 3,3 triệu tấn hàng hóa được giải quyết thủ tục thông quan qua cửa khẩu, trị giá hàng hóa đạt hơn 1,4 tỷ USD, số nộp ngân sách đạt 165 tỷ đồng. Riêng quý I/2023, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 295 triệu USD, nộp ngân sách gần 16 tỷ đồng.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của cửa khẩu, tạo thuận lợi cho công tác NGKT, tỉnh Quảng Bình mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tiếp tục trao đổi với Chính phủ Lào, Chính phủ Thái Lan sớm hoàn thành thủ tục phê duyệt tuyến đường 12 và cặp cửa khẩu Cha Lo-Nà Phàu vào Hiệp định vận tải xuyên biên giới tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng nhằm giảm thiểu chi phí cho DN, người, hàng hóa, phương tiện qua lại giữa các nước tiểu vùng sông Mê Kông, thúc đẩy phát triển thương mại, du lịch…
x
x