Doanh nghiệp xuất khẩu vẫn khó trong mở rộng thị trường
Trong các tháng cuối năm 2024, bối cảnh quốc tế và trong nước có những yếu tố thuận lợi nhưng phát triển sản xuất và thương mại đối diện với không ít khó khăn, thách thức.
Căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm. Cùng đó, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, giá cước vận tải tăng cao tác động trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu và nền kinh tế có độ mở lớn của Việt Nam.
Hơn nữa, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn (EU, Mỹ) tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh…
Doanh nghiệp công nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục gặp khó trong việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường do chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí tuân thủ cao (đặc biệt với các quy định, tiêu chuẩn mới).
Vấn đề này được Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đưa ra tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với Hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2024 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến ngày 29/7. Sự kiện tổ chức nhằm tập trung trao đổi, cập nhật thông tin về tình hình, diễn biến, các quy định về chính sách, yêu cầu mới đối với nhập khẩu mặt hàng và sản phẩm ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
Đồng thời, thảo luận đánh giá cơ hội, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất – nhập khẩu, yêu cầu xúc tiến thương mại đối với sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo thời gian tới.
Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã chỉ ra khó khăn, vướng mắc về quy mô chủ yếu của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ nên đa số có trình độ công nghệ, quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế… dẫn tới khó có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của đối tác về tiêu chuẩn, chất lượng, giá thành, thời gian giao hàng…
Ngoài ra, sự thiếu liên kết giữa doanh nghiệp cũng đang kìm hãm sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, doanh nghiệp trong nước chưa tham gia được sâu vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài. Mặt khác, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp nhỏ và vừa (88%), thiếu thông tin thị trường và cơ hội tiếp cận khách hàng.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, dự báo trong năm 2024 phục hồi sản xuất công nghiệp vẫn còn thách thức cần có nhiều biện pháp tích cực hỗ trợ sản xuất và các biện pháp kích thích tiêu dùng để giải phóng hàng tồn kho.
Theo đó, để lấy lại đà tăng trưởng cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, các bộ, ngành, hệ thống ngân hàng, các địa phương tiếp tục có các biện pháp tích cực hơn nữa hỗ trợ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là đầu ra cho sản xuất thông qua các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng đơn hàng xuất khẩu, khơi thông lượng hàng hóa tồn kho.
Cập nhật về chính sách của nước sở tại, ông Nguyễn Phú Hoà- Tham tán thương mại Việt Nam tại Australia cho hay: Các mặt hàng thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo (màu vàng) luôn mặt hàng xuất chủ lực của Việt Nam sang Australia; trong đó, riêng tổng 4 loại mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng chiếm tới 42% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang nước này trong 6 tháng đầu năm (chưa bao gồm một số mặt hàng sản phẩm khác cùng lĩnh vực có kim ngạch nhỏ hơn như máy ảnh, máy quay phim và linh kiện…).
Tại thị trường Australia, sản phẩm chế biến chế tạo Việt Nam (điện thoại, máy vi tính, máy giặt, máy sấy, tủ lạnh…) rất phổ biến, có thể dễ dàng tìm thấy các sản phầm “Made in Vietnam” thuộc nhóm ngành này trong các hệ thống siêu thị điện máy lớn như JB-HiFi, Harvey Norman, IKEA…
Tuy nhiên, thị trường Australia có quy định, rào cản kỹ thuật, rất khắt khe, thậm chí một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Hoa Kỳ và EU. Hơn nữa, hàng hoá Việt Nam phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh về chế biến chế tạo như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản…; Việt Nam cũng không phải là đối tác FTA duy nhất của Australia. Đáng lưu ý, Australia có tới 11 FTA đã có hiệu lực với 20 đối tác, 9 FTA khác đang đàm phán hoặc chưa có hiệu lực với 14 đối tác mới; trong đó, có EU; các FTA đều mang lại nhiều ưu đãi cho các đối tác khác của Australia.
Ông Nguyễn Phú Hoà cũng chỉ ra việc tiêu dùng người dân Australia chú trọng chất lượng sản phẩm với xu hướng đáng chú ý là sản phẩm tiêu dùng được đánh giá dựa trên tiêu chí “giá trị của đồng tiền” hơn là tiêu chí về giá. Chính vì vậy, nếu muốn phát triển tại thị trường Australia, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đặt ưu tiên hàng đầu đối với chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, doanh nghiệp tích cực đầu tư nguồn lực tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt bố trí tham gia các sự kiện hội chợ uy tín của Australia liên quan tới các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo như Hội chợ đồ nội thất, hội chợ đồ điện tử, công nghệ… Bởi, việc tham gia hội chợ doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận hàng nghìn đối tác, nhà nhập khẩu, đồng thời nắm bắt được xu hướng sản phẩm, nhu cầu thị hiếu thị trường…
Mặt khác, tận dụng tốt ưu đãi từ các FTA; trong đó, tập trung vào 3 FTA mà Việt Nam và Australia đều là thành viên với những ưu đãi về thuế quan; nghiên cứu, tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các bộ ngành góp phần tăng cường năng lực, giảm thiểu chi phí.
Đặc biệt, tăng cường hoạt động kết nối thông qua các Hiệp hội, tham gia hình hình mạng lưới Hiệp hội mạnh để tận dụng sức mạnh tổng hợp các nguồn lực đủ sức cạnh tranh với các đối thủ lớn từ các nước. Đồng thời, thường xuyên, chủ động nắm bắt thông tin về thị trường, các chính sách mới của cơ quan chức năng liên quan tới sản phẩm xuất khẩu.
Nhấn mạnh tới biện pháp xúc tiến thương mại với thị trường Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng- Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết: Trong tháng 8/2024, có một số hội chợ quan trọng để doanh nghiệp có thể tham dự nhằm tìm kiếm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu như Hội chợ Biofach India 2024 (3 – 5/8/2024) tại Trung tâm triển lãm India Expo Mart, Ấn Độ; hội chợ India International Hospitality Expo (IHE) (3-6/8/2024) tại India Expo Centre, Ấn Độ; diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Ấn Độ nhân chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao.
Cùng đó, ông Bùi Trung Thướng đề nghị Cục Xúc tiến thương mại trao đổi các hiệp hội ngành hàng cung cấp thông tin ngành hàng và số liệu sản xuất, xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 với các ngành hàng xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam: thủy sản, dệt may, nông sản, café, hạt tiêu, gỗ, giầy dép… (tài liệu bằng tiếng Anh).
Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại trao đổi sớm danh sách các Hội chợ Xúc tiến thương mại được tổ chức tại Việt Nam để Thương vụ mời các Đoàn doanh nghiệp Ấn Độ tham dự đảm bảo hiệu quả, thực chất.