Doanh nghiệp Việt đón cơ hội vào chuỗi giá trị toàn cầu của Hoa Kỳ

Doanh nghiệp Việt Nam đáng đứng trước nhiều cơ hội để tăng cường sự kết nối với các tập đoàn Hoa Kỳ.

Xuất siêu sang Hoa Kỳ 90,6 tỷ USD

Việt Nam – Hoa Kỳ chính thức tuyên bố nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023 đã tạo nền tảng vững chắc, giúp cho hoạt động hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất trên tất cả các trụ cột kinh tế – thương mại – đầu tư…

Theo số liệu thống kê mới công bố của Cục Thống kê Hoa Kỳ (US Census of Bureau), tính đến hết tháng 9/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Hoa Kỳ đạt khoảng 109,1 tỷ USD, tăng 20,13% so với năm 2023 và chiếm tỷ trọng 2,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 99,9 tỷ USD, chiếm 4,13% tổng nhập khẩu của quốc gia này, tăng 19,4% (so với cùng kỳ năm 2023); chiều ngược lại, nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 9,3 tỷ USD, tăng 29,1%.

Đáng chú ý, hiện Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ 90,6 tỷ USD và xếp thứ 3 trong số các nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ, chỉ sau Trung Quốc, với 217,5 tỷ USD và Mexico, với 125,5 tỷ USD.

Doanh nghiệp Việt đón cơ hội vào chuỗi giá trị toàn cầu của Hoa Kỳ- Ảnh 1.

Các doanh nghiệp Việt Nam vào được chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể học hỏi từ “người khổng lồ” này để lớn mạnh nhanh hơn và hội nhập quốc tế được hiệu quả hơn.

Cũng theo số liệu thống kê của US Census of Bureau, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Hoa Kỳ là đồ gỗ nội thất, tăng 23,9% và đạt giá trị 9,57 tỷ USD; máy móc, thiết bị quang học, đo lường y tế tăng 15,6% và đạt giá trị 1,18 tỷ USD; máy xử lý dữ liệu tự động, mã hóa; các loại máy văn phòng, máy in; dụng cụ thiết bị cầm tay, khí nén thủy lực… tăng 78,5% và đạt giá trị 20,6 tỷ USD; giày dép, tăng 14,0% và đạt giá trị 6,7 tỷ USD;…

Trao đổi với phóng viên, ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương) chia sẻ thêm, sau gần 5 năm thực thi, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với mức độ cam kết mở cửa thị trường rất lớn đã tạo ra nhiều cơ hội để nước ta tăng kim ngạch xuất khẩu và tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo ông Linh, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu của nước ta vào thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh. Nhiều mặt hàng tỉ đô băng băng xuất khẩu vào Hoa Kỳ như đồ gỗ, dệt may, da giày, nông thủy sản…Đơn cử như dệt may, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để dẫn đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc tại thị trường khổng lồ này. Một ví dụ khác là thủy sản. Trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt 1,5-2,1 tỉ USD.

“Thực tế cho thấy, so với năm 2023, năm 2024 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Hoa Kỳ đã có bước hồi phục mạnh mẽ và dần quay lại đà tăng trưởng ổn định như năm 2022. Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Hoa Kỳ tại khu vực ASEAN. Còn Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam”, ông Linh nhấn mạnh.

Chuẩn bị kỹ lưỡng để đón bắt cơ hội vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn Hoa Kỳ

Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu thời gian tới, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cho rằng, nền kinh tế toàn cầu đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên khoa học và công nghệ, trí tuệ nhân tạo và công nghệ số…Đây chính là cơ hội phát triển to lớn cho tất cả các quốc gia, nhất là nước đang trên đà phát triển như Việt Nam.

Theo bà Anne Benjaminson – quyền Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh, Hoa Kỳ đang hợp tác với Việt Nam để phát triển lĩnh vực thương mại số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp thuộc mọi quy mô có thể bán sản phẩm trực tuyến và tiếp cận các thị trường mới.

Trong bối cảnh đó, Hoa Kỳ là một trong những nước tiên phong đi đầu toàn cầu. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu nước ta cần tận dụng những mối quan hệ sẵn có và những cơ hội đang mở ra để bước vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn Hoa Kỳ.

“Các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với nhau, với các doanh nghiệp FDI, nhất là các tập đoàn của Mỹ để tiếp tục triển khai hiệu quả khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện. Các doanh nghiệp Việt Nam vào được chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể học hỏi từ “người khổng lồ” này để lớn mạnh nhanh hơn và hội nhập quốc tế được hiệu quả hơn”, ông Linh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ cần có những giải pháp thiết thực và chính sách hỗ trợ để giúp doanh nghiệp có chân trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, Chính phủ cần tiếp tục tăng cường tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp hai bên. Đồng thời thiết kế những chương trình hợp tác để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt, tạo cơ hội tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty Hoa Kỳ.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, thị trường Hoa Kỳ tiềm ẩn không ít những biến động phức tạp, khó lường nên bản thân doanh nghiệp Việt cần năng cao năng lực cạnh tranh, cập nhật về xu hướng chính sách mới, nắm vững thông tin thị trường và nhận diện rõ ràng những khó khăn để có “nước đi” phù hợp, tránh rủi ro.

“Có một lưu ý rất quan trọng đối với doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ là cần nhanh chóng hướng đến xanh hóa chuỗi sản xuất, phát triển bền vững thông qua việc quan tâm đến các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội, tiến tới mô hình kinh doanh tuần hoàn – coi đây là điều kiện sống còn để giành được lợi thế cạnh tranh trong tương lai, để đứng vững trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Hiếu nhấn mạnh thêm.

Theo Trang VTV