Doanh nghiệp lội ngược dòng

Bất chấp thị trường còn nhiều diễn biến bất lợi, không ít doanh nghiệp (DN) vẫn tăng tốc sản xuất, mở rộng thị trường, tuyển thêm lao động… nhờ nhanh nhạy nắm nhu cầu thị trường, biến thách thức thành cơ hội.

Vượt lên chính mình

Kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm sâu nên nhiều DN co hẹp sản xuất, thế nhưng Tập đoàn KIDO vẫn liên tục mở rộng nhà máy, tăng đầu tư mua bán sáp nhập… Chia sẻ tin vui khi đã đàm phán và mua lại thành công 25% cổ phần bánh bao Thọ Phát, ông Bùi Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn KIDO, Tổng giám đốc điều hành Công ty CP Dầu thực vật Tường An (TPHCM), cho biết: “Sự gia nhập của Thọ Phát vào KIDO sẽ là bước ngoặt quan trọng để chúng tôi phát triển mạnh ngành bánh bên cạnh dòng bánh tươi, bánh Trung thu… Đồng thời đây cũng là đòn bẩy để Tập đoàn sớm bứt phá mục tiêu đứng thứ 2 thị trường bánh”

Sản xuất trong nhà máy Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam. ảnh: H.C

Để bứt phá ngay thời điểm kinh tế khó khăn, ông Tùng cho rằng, đó là một phần trong chiến lược tái cấu trúc bộ máy quản lý, đặt ra chiến lược phát triển mới giai đoạn hậu dịch bệnh COVID-19. Năm 2022, KIDO đã tăng công suất sản xuất nhà máy sản xuất dầu tại Vinh hơn 4 lần (từ 40.000 tấn lên 170.000 tấn sản phẩm/năm), phục vụ thị trường phía Bắc, giúp giảm chi phí logistics. DN cũng đầu tư hơn 250 tỷ đồng xây dựng nhà máy dầu KIDO Long An nhằm phục vụ người tiêu dùng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; khánh thành nhà máy bánh KIDO’s Bakery tại quận 12, TPHCM khi tái xuất thị trường bánh Trung thu năm 2022…

“Công ty cũng đang tuyển thêm lao động thời vụ không giới hạn số lượng, thực hiện chuyển đối số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Chúng tôi cũng đang rà soát toàn thị trường, thử nghiệm các ứng dụng quản lý hệ thống hướng tới mục tiêu mở rộng hệ thống phân phối trên toàn quốc trong thời gian tới”, ông Tùng cho biết.

Tại Bình Dương, Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (chuyên sản xuất dây dẫn điện cho ôtô, có hơn 7.000 lao động) cũng có nhiều tín hiệu tích cực. Ông Nogihiroshi, Tổng giám đốc Công ty, cho biết, ngoài Việt Nam, việc sản xuất dây điện ôtô công ty có ở 45 nước trên thế giới. “Các cứ điểm của tập đoàn phối hợp với nhau, thống nhất mang việc làm về cứ điểm ở Việt Nam nhiều nhất, đảm bảo đủ công việc cho công nhân”, ông Nogihiroshi nói. Ông cho biết, DN đang có nhu cầu tuyển gần 800 lao động tại Bình Dương.

Đồng Nai:

Tăng số người nhận trợ cấp thất nghiệp

Ngày 22/6, thông tin từ Bảo hiểm xã hội Đồng Nai cho biết, tính từ đầu năm đến 31/5, đơn vị này đã chi trả chế độ bảo hiểm xã hội một lần cho hơn 28.000 người với số tiền trên 2.000 tỷ đồng. Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai cho hay, đã tiếp nhận gần 7.200 hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng 5, trung bình có hơn 230 hồ sơ/ngày. Trong 5 tháng đầu năm, Trung tâm đã ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho gần 29.000 lao động với số tiền trên 820 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, số người và số tiền chi trợ cấp thất nghiệp trong tỉnh đều tăng. Nguyên nhân do DN gặp khó khăn về đơn hàng và sản xuất, kinh doanh nên cắt giảm lao động. Hiện trung bình lao động thất nghiệp được hưởng trợ cấp gần 6 tháng lương, khoảng 6 triệu đồng/người. Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai đang tăng cường tổ chức các sàn giao dịch việc làm để giới thiệu việc làm cho người lao động, nhất là lao động đang thất nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề nhằm tìm việc làm phù hợp tại các doanh nghiệp.

MẠNH THẮNG

Ông Nguyễn Lê Trí, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH ASG Vina (Bình Dương), cho biết, dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng ban giám đốc công ty có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động khó khăn với phương châm không để ai trong công ty phải mất việc. “Công ty đã cử nhân sự trực tiếp đến một số nước ở châu Âu để tìm kiếm đơn hàng. Hiện nay, công nhân của công ty chưa phải nghỉ việc vì thiếu đơn hàng”, ông Trí khẳng định.

Tương tự, đại diện Công ty TNHH H&M (chuyên sản xuất giày thể thao ở Bình Dương) nói rằng, đã có thêm đơn hàng, đảm bảo cho trên 5.000 lao động thường xuyên. Theo kế hoạch, từ nay đến hết 2023, Công ty tuyển dụng thêm 1.000 lao động phục vụ sản xuất tại nhà máy ở Bình Dương.

Tiếp sức doanh nghiệp

Tập đoàn Kido mở rộng quy mô sản xuất trong năm 2023. ảnh: U.P

Muốn DN phục hồi sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, không thể thiếu sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC), cho biết, đã phối hợp với Sở KH&ĐT và các sở, ngành liên quan hoàn thành dự thảo chương trình cho vay kích cầu đầu tư và dự kiến được trình HĐND thành phố trong kỳ họp tới.

Theo ông Thanh, chương trình kích cầu lần này sẽ được thực hiện mạnh mẽ hơn về mức hỗ trợ cũng như mở rộng nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ. Mặt khác, hạn mức hỗ trợ lãi vay được nâng lên 200 tỷ đồng, thay vì chỉ 100 tỷ đồng như ở các kỳ trước và mức hỗ trợ có thể là 50% hoặc 100% lãi vay. Trong đó, các DN thuộc các nhóm ngành như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, giáo dục, y tế, thể thao văn hóa, môi trường, các dự án xây dựng nhà xưởng cao tầng sẽ được hỗ trợ tối đa 100% lãi vay.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn cho biết, trong bối cảnh khó khăn, DN ở Bình Dương đã thực hiện nhiều phương án tiếp xúc, tìm kiếm đơn hàng thị trường mới, thậm chí cử nhân sự sang các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… để nối lại các đơn hàng và tìm kiếm thị trường mới. “Từ đầu năm đến nay, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã tổ chức đoàn công tác đến các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Cuba… để gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài. Tới đây, Bình Dương sẽ đón các đoàn DN nước ngoài đến tìm hiểu để đầu tư”, ông Toàn cho biết.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), cho rằng, dù đã xuất hiện những điểm sáng nhưng nhìn chung, DN vẫn đối mặt nhiều khó khăn về vốn, thị trường…, rất cần được hỗ trợ tháo gỡ. Một trong những điểm nghẽn lớn trong xuất khẩu là tình trạng tồn kho hàng hóa ở nước ngoài, đòi hỏi các DN phải tiếp tục tìm giải pháp, tiếp cận và khai thác những thị trường mới. “Cộng đồng DN rất kỳ vọng những điểm mới của nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 khi được thông qua và áp dụng sẽ góp phần tạo đột phá cho TPHCM trong tương lai gần”, ông Hòa nói.

Đồng Nai: Tăng số người nhận trợ cấp thất nghiệp

Ngày 22/6, thông tin từ Bảo hiểm xã hội Đồng Nai cho biết, tính từ đầu năm đến 31/5, đơn vị này đã chi trả chế độ bảo hiểm xã hội một lần cho hơn 28.000 người với số tiền trên 2.000 tỷ đồng. Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai cho hay, đã tiếp nhận gần 7.200 hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng 5, trung bình có hơn 230 hồ sơ/ngày. Trong 5 tháng đầu năm, Trung tâm đã ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho gần 29.000 lao động với số tiền trên 820 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, số người và số tiền chi trợ cấp thất nghiệp trong tỉnh đều tăng. Nguyên nhân do DN gặp khó khăn về đơn hàng và sản xuất, kinh doanh nên cắt giảm lao động. Hiện trung bình lao động thất nghiệp được hưởng trợ cấp gần 6 tháng lương, khoảng 6 triệu đồng/người. Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai đang tăng cường tổ chức các sàn giao dịch việc làm để giới thiệu việc làm cho người lao động, nhất là lao động đang thất nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề nhằm tìm việc làm phù hợp tại các doanh nghiệp. MẠNH THẮNG

 

Công ty Cà Mèn và LNS International mới đây ký hợp tác phân phối độc quyền sản phẩm cháo bột cá lóc Quảng Trị và các sản phẩm đóng gói khác của startup Cà Mèn đến thị trường Mỹ. Theo đó, từ nay đến năm 2026, LNS International sẽ vận chuyển qua đường biển hàng triệu sản phẩm của Cà Mèn đến thị trường Mỹ, với tổng trị giá khoảng 5 triệu USD. Đây là lần đầu tiên món ăn cháo bột cá lóc (hay còn gọi là bánh canh cá lóc) được xuất khẩu chính ngạch với số lượng lớn sang thị trường Mỹ. “Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, xuất khẩu suy giảm, việc các DN khởi nghiệp có được đơn hàng xuất khẩu lớn là tín hiệu tích cực. Điều này giúp tạo việc làm cho người lao động của Cà Mèn ở TPHCM cũng như các nông dân trực tiếp sản xuất cho chúng tôi ở tỉnh Quảng Trị”, anh Nguyễn Đức Nhật Thuận (người sáng lập Công ty Cà Mèn) bày tỏ. NGÔ TÙNG

Theo Báo Tiền Phong