[Đắk Nông] Doanh nghiệp “chào sân” nhiều sản phẩm mới

Doanh nghiệp Đắk Nông đang nỗ lực gia nhập thị trường với hàng loạt sản phẩm mới, góp phần cải thiện sản xuất, kinh doanh.

Bắt nhịp xu hướng tiêu dùng xanh

Ngoài các sản phẩm truyền thống, năm nay, Công ty TNHH Thương mại – xuất nhập khẩu macca sachi Thịnh Phát (Gia Nghĩa) đã cho ra mắt thị trường thêm 3 sản phẩm mới, đó là: măng cụt, sầu riêng và mít sấy thăng hoa.

Sơ chế quả măng cụt sấy tại Công ty TNHH Thương mại – xuất nhập khẩu macca sachi Thịnh Phát (Gia Nghĩa)

Tận dụng nhà xưởng có sẵn, đầu năm 2023, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để nâng công suất cho các máy sấy thăng hoa, xây kho trữ đông nguyên liệu. Công ty hiện đang có 3 kho cấp đông, trữ đông, giúp dự trữ gần 200 tấn nguyên liệu các loại phục vụ sản xuất cho từ nay đến cuối năm.

Giám đốc Công ty Nguyễn Thị Ngọc Hương cho biết: “Từ giữa năm 2023, nhận thấy tín hiệu tốt từ thị trường, doanh nghiệp tranh thủ ngay cơ hội để nghiên cứu, sản xuất thêm các sản phẩm mới. Đây là những sản phẩm được tạo ra từ 100% trái cây tươi, được chế biến bởi công nghệ sấy thăng hoa, nên được nhiều khách hàng đón nhận”.

Các sản phẩm mới đang được Công ty cung cấp cho các hệ thống các siêu thị mini, kênh phân phối tại Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các tỉnh miền Tây… Mỗi tháng, Công ty đang cung ứng ra thị trường khoảng 50 tấn thành phẩm sấy khô. Công ty đang hoàn thiện các thủ tục để đăng ký sản phẩm OCOP cho 3 sản phẩm mới này trong năm 2023.

Sản phẩm trái cây sấy thăng hoa của Đắk Nông được nhiều người tiêu đón nhận

Với hệ thống máy móc hiện có, sắp tới, doanh nghiệp sẽ làm thêm một số sản phẩm mới như: chanh dây, dâu tây, thanh long, kiwi, chuối… sấy thăng hoa… Tùy theo mùa trái cây và nhu cầu của người tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ thu mua và chế biến để đưa sản phẩm ra thị trường.

Tương tự, trong năm 2023, tại địa bàn huyện Cư Jút cũng có thêm nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn mới được sản xuất theo hướng “xanh-sạch”. Trong đó, nổi bật là các sản phẩm như: trà bí đao, bánh tráng xoài, sản phẩm khô từ rau, củ, quả…

Theo ông Phan Thành Việt, Phó trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Cư Jút, sản lượng nông sản trên địa bàn rất lớn. Hàng năm, do không kịp thu mua, nông sản chín nhanh, không để lâu được, nên hư hỏng, thiệt hại nhiều cho bà con.

Một số sản phẩm nông sản mới qua chế biến của huyện Cư Jút

Nhận thấy thực trạng đó, nhiều cơ sở sản xuất đã đầu tư máy móc hiện đại, công suất lớn để bảo quản, chế biến sâu, cho ra thị trường thêm nhiều sản phẩm mới. Giá trị kinh tế các loại nông sản đặc trưng của địa phương cũng được nâng cao hơn trước.

Tăng “sức đề kháng” cho doanh nghiệp

Để góp phần tháo gỡ các khó khăn nội tại của kinh tế, tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2023, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng về tiêu dùng trong nước, đầu tư và xuất khẩu.

Tín hiệu thị trường tốt giúp doanh nghiệp Đắk Nông thúc đẩy sản xuất trong những tháng cuối năm

Cùng với nỗ lực của doanh nghiệp, trong những tháng đầu năm, Nhà nước đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn như: giảm lãi suất ngân hàng; các loại phí, lệ phí được ưu đãi; một số chính sách giảm thuế, gia hạn thuế, gia hạn nộp tiền thuê đất…

Đặc biệt, từ ngày 1/7/2023, nhiều loại hàng hóa chính thức được giảm 2% thuế VAT đến hết năm. Điều này sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp cộng đồng doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi sản xuất.

Nhờ đó, trong tháng 7, một số sản phẩm công nghiệp của Đắk Nông sản xuất tương đối ổn định và tăng nhẹ so với tháng trước. Đây được xem là tín hiệu tốt sau nửa năm sản xuất chật vật, thị trường chồng chất những khó khăn của doanh nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh Đắk Nông có 304 doanh nghiệp gia nhập thị trường, với tổng số vốn đăng ký là 1.239 tỷ đồng, tạo việc làm cho 1.090 lao động. Tỉnh có 104 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Theo Báo Đắk Nông