Doanh nghiệp hối hả tuyển lao động

Sau thời gian gặp khó khăn về đơn hàng buộc phải cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng, hiện nhiều doanh nghiệp (DN) TPHCM không chỉ kín đơn hàng ngay từ đầu năm mới mà còn tích cực tuyển nhân sự với số lượng lớn; tăng phúc lợi giữ chân lao động…

Nhiều vị trí việc làm chờ người lao động

Trong những ngày đầu tháng 3, thủ phủ nhà trọ gần khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân, TPHCM) sôi nổi hơn khi có thông tin Công ty TNHH PouYuen Việt Nam cần tuyển gấp 1.000 lao động. Đặc biệt, những công nhân từng làm ở PouYuen đã nghỉ việc và những lao động ngoài 40 tuổi nếu đủ sức khỏe và có tay nghề vẫn được nhà máy tiếp nhận. Đây là đợt tuyển lớn nhất của DN này từ sau nhiều lần cắt giảm gần 10.000 lao động năm 2023.

Đại diện Công ty PouYuen cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty đã phục hồi, đơn hàng có đến giữa năm 2024. Nhiều xưởng sản xuất thiếu lao động, cần bổ sung người để đảm bảo tiến độ. “Sau khi phỏng vấn và kiểm tra tay nghề, người đạt yêu cầu sẽ được tuyển và không phân biệt công nhân mới hay cũ. Ngoài mức lương cơ bản 5 triệu đồng, công nhân còn có các khoản phụ cấp như sinh hoạt, chuyên cần, môi trường, tiền tăng ca, thưởng hiệu quả 500.000 – 1 triệu đồng…” – đại diện Công ty PouYuen cho biết.

Là DN chuyên cung cấp sản phẩm kết cấu thép phục vụ công trình, thị trường chủ yếu là Nhật, Mỹ, Trung Đông… Công ty CP Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng (khu công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh) liên tục tuyển lao động. Đầu năm 2024, Đại Dũng rao tuyển tới 1.000 lao động. Ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Nhà máy Đại Dũng – An Hạ thông tin, sản lượng dự kiến năm 2024 của công ty tăng từ 92.000 lên 150.000 tấn do nhu cầu từ đối tác ở các thị trường. Số nhân sự tuyển dụng ngoài việc đáp ứng nhu cầu dây chuyền sản xuất tại chỗ, còn phục vụ việc mở rộng các nhà máy cũ (đóng tại Long An, Quảng Ngãi) và vận hành các nhà máy mới từ đầu năm 2025 (đóng tại Bà Rịa – Vũng Tàu).

Doanh nghiệp hối hả tuyển lao động- Ảnh 1.Doanh nghiệp nhiều đơn hàng, tăng tốc tuyển dụng lao động ngay từ đầu năm (ảnh tại Tổng Công ty CP May Việt Tiến)ảnh: U.P

Chị Lê Thị Sang (32 tuổi, quê Long An), công nhân Công ty Giày da Thiên Phát (TP Thủ Đức) chia sẻ: “Mới vừa sau Tết đã có nhiều đơn hàng, được tăng ca mỗi ngày nên tinh thần ai cũng phấn chấn. Với đà này, thu nhập trung bình hàng tháng của tôi tầm 12 – 13 triệu đồng, đủ để lo cho con đi học, trả tiền phòng trọ và còn dư để dành phòng thân. Mong đơn hàng sẽ có đều đặn để công nhân yên tâm làm việc”.

Đến thời điểm này, Công ty Giày da Thiên Phát đã lấp đầy đơn hàng đến hết quý III/2024. Do lượng hàng nhiều, thời gian giao gấp nên DN này tuyển thêm khoảng 50 lao động, không yêu cầu độ tuổi, tay nghề. “Công ty ít biến động nhân sự nhưng do nguồn hàng nhiều nên cần nhận công nhân thêm để kịp tiến độ giao hàng. Tín hiệu đáng mừng là mỗi ngày đều có người đến nộp hồ sơ và thử việc. Công ty cam kết trả đầy đủ lương thưởng, BHXH và các chế độ theo quy định” – ông Nguyễn Văn Phát, Giám đốc Công ty cho biết.

“Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục theo dõi tình hình lao động trở lại làm việc sau Tết, tình trạng thiếu hụt lao động tại các DN, phối hợp với các cơ quan, tổ chức triển khai các chương trình tiếp sức người lao động, kết nối cung – cầu lao động để giúp người lao động sớm ổn định công việc, DN tập trung kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh”.

Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM Lượng Thị Tới

Chiêu mộ lao động với mức lương khủng lên tới 30 triệu đồng/tháng, bà Trần Thị Lệ Quyên, phụ trách bộ phận tuyển dụng Tổng Công ty CP May Việt Tiến (quận Tân Bình) cho biết, đã đăng tải nhiều nơi để tuyển dụng lao động lượng lớn làm việc tại TPHCM ngay sau Tết. “Thông thường, sau Tết có khoảng 10% người lao động nghỉ việc nên chúng tôi phải tuyển dụng bổ sung vào lực lượng này. Có nhiều vị trí việc làm tại DN chờ người lao động như may, cắt, ủi, hoàn thành, đóng gói…” – bà Quyên cho biết.

Giữ chân “nguồn lực vàng”

Để giữ lao động, Công ty CP Sài Gòn Food (huyện Bình Chánh) ngoài chế độ tốt, còn quan tâm đến đời sống tinh thần của công nhân. Biết người lao động khó mua vé xe về quê dịp Tết, công ty bố trí xe đưa đón tận nơi; tổ chức ngày hội vui chơi dịp lễ để mọi người thêm gắn kết tình cảm… Trong giai đoạn khó khăn, DN chấp nhận giảm lợi nhuận để chăm lo đầy đủ đời sống tinh thần cũng như vật chất cho công nhân, người lao động.

“Công ty luôn xem người lao động là “tài sản” quý giá, nên trong hoàn cảnh nào cũng phải ưu tiên hàng đầu. Nhờ vậy trong nhiều năm qua, lực lượng lao động sản xuất chính của công ty ít biến động, phần lớn người lao động gắn bó lâu dài với DN” – bà Trần Thị Kiều Oanh, Giám đốc Nhân sự Công ty Sài Gòn Food cho biết.

Đề cập chính sách thu hút lao động, ông Nguyễn Văn Trí, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc (quận 7) nhận định, chủ trương đối đãi thực tâm của DN là “chất keo” gắn kết người lao động, giúp ổn định nguồn lực lâu dài. Tại Công ty Lập Phúc, mọi việc đều được công khai từ đơn giá sản phẩm đến chế độ tiền lương, phúc lợi. Bên cạnh đó, công ty thường xuyên nâng cao kiến thức, tập huấn kỹ năng nghề cho lao động, ai có nhu cầu nâng cao trình độ đều được hỗ trợ tối đa.

Công ty V.N.F (quận Bình Tân) còn giữ chân lao động bằng “bí quyết” liên kết với ngân hàng triển khai đề án cho công nhân vay tiền để ổn định cuộc sống. “Nếu ngân hàng cho công nhân vay 20 triệu đồng, công ty sẽ trừ dần một phần lãi và nợ gốc vào thu nhập hằng tháng trong thời hạn 2 – 3 năm. Làm như vậy vừa có tác dụng hỗ trợ vừa gắn kết, giữ chân người lao động hiệu quả. Do đó nhiều năm qua, rất ít công nhân nghỉ việc tại DN” – bà Lê Thị Mỹ Châu – Giám đốc Công ty V.N.F cho hay.

Tại cuộc họp ngành Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TPHCM hồi cuối tháng 2 vừa qua, bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, thị trường lao động đang có nhiều tín hiệu khởi sắc. Hiện nhiều DN có nhu cầu tuyển dụng hàng ngàn lao động để thực hiện các đơn hàng trong nước và xuất khẩu. Qua kết quả khảo sát hơn 3.200 DN, tính đến ngày 19/2 ghi nhận tỷ lệ DN đã hoạt động trở lại khoảng 98%, người lao động quay trở lại làm việc đạt 97%.

Báo cáo mới nhất của Cục Thống kê TPHCM cho thấy, hoạt động sản xuất công nghiệp của thành phố trong 2 tháng đầu năm 2024 có dấu hiệu phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt mức tăng trưởng dương 4,3% so cùng kỳ sau 2 năm liên tục giảm. Sở Công Thương TPHCM cũng ghi nhận hầu hết DN đã có đơn hàng. Đặc biệt, 2 ngành khó nhất là gỗ và dệt may đều đã có đơn hàng đến tháng 6, thậm chí có DN dệt may đã nhận đơn hàng đến hết năm 2024.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, mặc dù xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm có nhiều khởi sắc nhưng tình hình thế giới hiện nay tiềm ẩn yếu tố rủi ro, bất ngờ. Do đó, từ nay đến cuối năm, ngành công thương tổ chức 17 sự kiện xúc tiến thương mại để hỗ trợ DN. Đặc biệt, trong tháng 5, Sở sẽ tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu nhằm tạo điều kiện để DN gặp gỡ các đoàn khách mua hàng quốc tế giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác, phát triển thị trường…

Theo Báo Tiền Phong