Điều đáng chú ý trong kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu Chính phủ phương án tăng trưởng 7% trong năm nay. Dù có nhiều chỉ báo tích cực ủng hộ cho mục tiêu tăng trưởng cao, nhưng mức 7% cho cả năm vẫn nằm ngoài nhiều kịch bản dự báo trước đó.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II đạt 6,93%, thúc đẩy tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,42% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này thậm chí vượt kịch bản tăng trưởng cao nhất 6,5% cho cả năm mà Quốc hội đề ra.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định, dựa trên kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm, mục tiêu tăng trưởng năm nay 6,5% hoàn toàn khả thi. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu xây dựng 2 phương án kịch bản trình Chính phủ. Với kịch bản cơ sở, bám sát mục tiêu Quốc hội đề ra, mục tiêu tăng trưởng 6,5% hoàn toàn khả thi.

“Thông thường quý III và IV vẫn được đánh giá là các quý động lực của năm, nên hoàn toàn có sơ sở để kỳ vọng kết quả tăng trưởng cao hơn mức 6,5%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định. Bộ này đã báo cáo Chính phủ phương án cao với kịch bản 2 dự kiến tăng trưởng cả năm đạt 7%. Theo đó, tăng trưởng GDP quý III và IV phải lần lượt đạt 7,4- 7,6%.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nền kinh tế có 6 yếu tố tác động tích cực đến tăng trưởng những các tháng cuối năm. Trước hết là xu hướng tăng trưởng của khu vực và thế giới. Động lực về thu hút đầu tư , bao gồm cả đầu tư của khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều tăng trưởng.

Điều đáng chú ý trong kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay- Ảnh 1.Các động lực về xuất khẩu đã phục hồi.

Các động lực về xuất khẩu đã phục hồi, tỷ lệ các doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu tăng nhanh. “Đây là tín hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp phải những khó khăn như chi phí vận tải tăng lên, hay phải điều chuyển tuyến vận tải trên biển”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Bên cạnh xuất khẩu, du lịch cũng phục hồi khá mạnh mẽ. Việt Nam hoàn toàn có thể hướng tới kỳ vọng đón khoảng 14-15 triệu khách trong năm nay. Đây là yếu tố rất tốt tác động đến khu vực dịch vụ.

Đáng chú ý, Quốc hội đã thông qua hiệu lực của 3 luật quan trọng, gồm: Luật Đất đai, Luật Bất động sản và Luật Kinh doanh nhà ở. Ba luật này sẽ tác động lớn đến thị trường bất động sản, hiện gặp nhiều khó khăn. Với các quy định mới thông thoáng, tạo điều kiện hơn, thị trường bất động sản kỳ vọng sẽ có tín hiệu khởi sắc trong 6 tháng cuối năm, tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế.

Về công tác chỉ đạo, điều hành, Chính phủ rất quyết liệt và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt 4 địa phương là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, phải quyết liệt hơn nữa trong việc thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng.

Dù có nhiều chỉ báo tích cực ủng hộ cho mục tiêu tăng trưởng cao, nhưng mức 7% cho cả năm vẫn nằm ngoài nhiều kịch bản dự báo trước đó.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra 3 kịch bản dự báo tăng trưởng năm 2024, lần lượt ở mức 5,5%, 6% và 6,5%.

TS. Nguyễn Hữu Thọ – đại diện nhóm nghiên cứu của CIEM – lưu ý trong các động lực tăng trưởng, những đầu tàu tăng trưởng truyền thống như TPHCM, Hà Nội tăng trưởng chậm dần trong khi đã xuất hiện một số đầu tàu mới như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa. Tuy nhiên, các đầu kéo này còn ít và chưa thực sự mạnh mẽ.

Để đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2024, nhóm nghiên cứu của CIEM đề xuất Chính phủ tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tập trung nhiều hơn cho các động lực tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy tiếp tục cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh; đồng thời tập trung phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; tăng cường hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy phát triển thị trường hàng hóa dịch vụ.

Trong khi đó, nhóm tác giả của TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV tính tới kịch bản tích cực, tăng trưởng đạt 6,5-7%. Kết quả này có thể đạt được trong điều kiện môi trường quốc tế và trong nước thuận lợi hơn, các yếu tố rủi ro bên ngoài được dự báo và kiểm soát tốt; các động lực tăng trưởng (cả truyền thống và mới) được khai thác, phát huy tốt hơn; kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, niềm tin của doanh nghiệp và người dân được củng cố…

Theo Báo Tiền Phong