[Bình Định] Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ngày 07/11, tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định diễn ra Hội nghị “Tập huấn công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)”. Tại Hội nghị, các DNNVV đã được trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật, như: Pháp luật về quản lý lao động; Pháp luật về huy động vốn và quản trị vốn kinh doanh; Pháp luật về quy trình đầu tư; Pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…

Hội nghị “Tập huấn công táctrợ pháp lý cho DNNVV” do Trung tâm hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội DNNVV Việt Nam phối hợp với Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho DNNVV, Bộ Tư pháp và Hội Doanh nhân, Doanh nghiệp tỉnh Bình Định  tổ chức.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Viết Hiền.

Tham dự Hội nghị có các vị: Lê Anh Văn, Ủy viên Ban thường vụHiệp hội DNNVV Việt Nam, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực – Hiệp hội DNNVV Việt Nam; Nguyễn Văn Học, Uỷ viên BCH Hiệp hội DNNVV Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân, Doanh nghiệp tỉnh Bình Định; Phó giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Trần Thị Thuý Lâm, Giảng viên cao cấp Khoa Kinh tế, Trường  Đại học Luật Hà Nội; TS Nguyễn Văn Tuyến,Chủ nhiệm Khoa sau Đại học, Trường Đại học Luật Hà Nội; cùng hơn 90 học viên là lãnh đạo, chuyên viên các DNNVV trên địa bàn tỉnh Bình Định…

-Ông Nguyễn Văn Học phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: V.H

Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Ban tổ chức, ông Nguyễn Văn Học cho biết: Hội nghị “Tập huấn công tác hỗtrợ pháp lý cho DNNVV” được tổ chức nhân Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11), triển khai Kế hoạch Hỗ trợ pháp lý cho DN năm 2023 của Ban quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho DN giai đoạn 2021 – 2025 – Bộ Tư pháp, đồng thời tăng cường kết nối trao đổi giữa các tổ chức đại diện DN cấp quốc gia và cấp địa phương về công tác hỗ trợ DN…

Theo đó, mục đích của Hội nghị là nhằm bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về pháp lý cho DNNVV, về văn hóa DN và các kỹ năng mềm cho đội ngũ doanh nhân tỉnh Bình Định, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cơ chế thị trường và xu thế hội nhập…

-Ông Lê Anh Văn giới thiệu về chương trình Hội nghị. Ảnh: Viết Hiền.

Còn theo ông Lê Anh Văn, Hội nghị nằm trong chương trình mục tiêu đổi mới phương thức hoạt động của Hiệp hội DNNVV Việt Nam, đồng thời tăng cường kết nối giữa các đơn vị của Hiệp hội  với các cấp hội tại địa phương, triển khai các hoạt động của doanh nhân, DN, hướng đến Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11).

Theo đó, DN Việt Nam với đa phần là DNNVV. Theo thống kê, DNNVV hiện chiếm khoảng 98% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp tới 45% GDP, 31% vào tổng ngân. Với tiềm năng phát triển đáng kỳ vọng đến như vậy, song người sáng lập của các DNNVV lại khá đau đầu về các vấn đề quản trị, như: Tài chính, công nghệ, nhân sự, năng suất lao động,… Điều này, dẫn đến quản trị DNNVV là một bài toán cực kỳ cân não.

Theo một khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì chỉ có ½  DN ra đời từ 2015-2017 tồn tại trong 05 năm đầu, và rồi chỉ  ⅓  trong số đó đạt mốc 10 năm tiếp theo. Bên cạnh đó, có khoảng 46% DN cho rằng, việc rút lui khỏi thị trường trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua là do không cân đối được dòng tiền; 38% do vấn đề nhân sự. Bên cạnh đó, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, song nhiều DN vẫn tồn tại, phát triển.

Bàn chủ toạ Hội nghị. Ảnh: V.H

Đây là các DN có chiến lực kinh doanh phù hợp, có mô hình quản trị linh hoạt, kế hoạch và chiến lược kinh doanh thích ứng được với khủng hoảng. Tuy nhiên, số lượng DN này còn hạn chế, đồng thời cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận những thông tin chính sách, pháp luật, nhất là những vấn đề pháp luật liên quan đến quản trị doanh nghiệp, quản trị nguồn vốn, quản trị rủi ro…

Vì vậy, Hội nghị hôm nay có ý nghĩa không nhỏ, góp phần trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật cho các DNNVV…

PGS.TS Trần Thị Thuý Lâm trình bày báo cáo. Ảnh: Viết Hiền.

Tiếp đó, các DNNVV đã được các giảng viên của Trường Đại học Luật Hà Nội giới thiệu một số chuyên đề, như: “Pháp luật về quản lý lao động trong DN, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp”; “Pháp luật về huy động vốn và quản trị vốn kinh doanh đối với DNNVV; Tư vấn pháp luật về quy trình đầu tư, phát triển dự án kinh doanh bất động sản đối với DNNVV”…

Theo đó, với chủ đề “Pháp luật về quản lý lao động trong DN, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp”, PGS.TS Trần Thị Thuý Lâm đã giới thiệu với các đại biểu một số nội dung cơ bản, như: Bộ Luật lao động 2019; Nghị đinh 145 NĐ/CP/2020; Thông tư số 10/2020 BLĐTBXH; Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt hành chính PLLĐ.

Ban tổ chức và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Viết Hiền.

Đồng thời, PGS.TS. Trần Thị Thuý Lâm tập trung phân tích một số nội dung chủ yếu, như: Nhận diện Hợp đồng lao động – Thực tiễn và một số vấn đề cần lưu ý; Giao kết Hợp đồng lao động; Cách thức soạn thảo, thực hiện Hợp đồng lao động; Những trường hợp chấm đứt Hợp đồng lao động; Phương án sử dụng lao động; Nghĩa vụ của người sử dụng lao động phải thanh toán cho người lao động khi chấm dứt Hợp đồng lao động; Tiền lương – Thực tiễn và những vấn đề cần lưu ý; Đào tạo nghề; Các trường hợp đào tạo nghề; Hợp đồng đào tạo nghề…

Còn TS. Nguyễn Văn Tuyến thì giới thiệu về chuyên đề “Pháp luật về huy động vốn và quản trị vốn kinh doanh đối với DNNVV; Tư vấn pháp luật về quy trình đầu tư, phát triển dự án kinh doanh bất động sản đối với DNNVV”.

TS. Nguyễn Văn Tuyến trình bầy báo cáo. Ảnh: V.H

Theo đó, từ ví dụ cụ thể về hoạt động kinh doanh của một số công ty, DN, TS Nguyễn Văn Tuyến đã phân tích về các vấn đề: Giải pháp quản trị vốn kinh doanh; Mở sổ sách kế toán DN; Mở tài khoản tiền gửi thanh toán tại tổ chức tín dụng; Thực hiện chế độ sổ kho; Kiểm kê tài sản; Thiết lập, vận hành hệ thống kiểm toán nội bộ và kiểm soát nội bộ trong DN.     

Theo Trang Thương hiệu Công Luận