[Đắk Lắk] Trồng rừng theo chứng chỉ: Nâng cao giá trị rừng trồng và phát triển lâm nghiệp bền vững

Thời gian gần đây, nhiều diện tích đất trồng rừng theo chứng chỉ quốc tế đã được các nông hộ, doanh nghiệp (DN) triển khai. Qua đó góp phần nâng cao giá trị lâm nghiệp, quản lý chặt chẽ rừng trồng, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững.

Liên kết phát triển rừng trồng theo chứng chỉ

Công ty TNHH Ayobiomas đã hỗ trợ 702 nông dân được cấp chứng chỉ cho gần 2.400 ha rừng trồng ở 4 xã: Ea Lai, Ea Trang, Cư Króa, Ea M’đoal (huyện M’Drắk). DN cam kết mua sản phẩm gỗ cao hơn giá thị trường 3%, đồng thời, hỗ trợ cho người dân 2.000 cây giống/ha do Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Bộ sản xuất. Bên cạnh đó, người dân giữ rừng lâu năm sẽ được chia sẻ rủi ro trong thời gian canh tác. DN này cũng đang được Cục Lâm nghiệp hỗ trợ cấp chứng chỉ cho 3.000 ha rừng trồng tại các xã khác trên địa bàn huyện.

Nhiều diện tích rừng trồng ở huyện M’Drắk được người dân và doanh nghiệp trồng theo hướng bền vững.

Ông Vương Chính Thuần, Trưởng Phòng Kỹ thuật lâm nghiệp Công ty TNHH Ayobiomas cho biết, đơn vị đang xây dựng nhà máy chế biến gỗ công suất 150.000 tấn viên nén/năm (giai đoạn 2 mở rộng thành 250.000 tấn/năm) nên nhu cầu nguyên liệu rất lớn. Qua liên kết với người dân giúp DN chuẩn hóa nguyên liệu, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Với gỗ nguyên liệu đạt chứng nhận quốc tế, sản phẩm gỗ chế biến đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu của khách hàng khó tính, lợi nhuận tăng 20 – 30%. “DN chế biến lâm sản sẽ giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc vốn dễ tính, nhưng giá mua thấp mà tập trung vào những thị trường cao hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Đặc biệt, các nước châu Âu yêu cầu cao về sản phẩm không có nguồn gốc gây phá rừng”, ông Thuần nhấn mạnh.

Tương tự, Công ty TNHH Hoàng Đại Vương cũng đang xây dựng nhà máy tại huyện Krông Búk, công suất 150.000 tấn sản phẩm viên nén/năm và liên kết với hơn 1.000 hộ dân ở các xã: Ea Riêng, Ea H’mlay, Cư M’ta (huyện M’Drắk) trồng rừng có chứng nhận, tổng diện tích 3.361 ha. Đơn vị cũng đang triển khai các bước để mở rộng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chất lượng cao thêm 4.000 – 5.000 ha tại các huyện Lắk, Krông Bông, Ea H’leo và Krông Năng thông qua liên kết với người dân và các công ty lâm nghiệp. Theo đó, DN bỏ chi phí thuê đánh giá, cấp chứng chỉ; đồng thời, hỗ trợ thu mua gỗ rừng trồng cho người dân với giá cao hơn thị trường trung bình 3 – 5%.

“Bên cạnh yếu tố xã hội và môi trường, rừng trồng có chứng chỉ sẽ mang lại lợi ích cho người trồng rừng và DN, tạo liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu trồng rừng nguyên liệu đến chế biến” – ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk.

Rừng trồng có chứng chỉ không chỉ mang lại lợi ích cho DN mà cho cả người trồng rừng. Ông Nguyễn Danh Sanh (thôn 5, xã Ea Lai, huyện M’Drắk) cho biết, gia đình ông có 8 ha đất trồng keo từ nhiều năm nay. Trước đây, ông chỉ trồng rừng theo kinh nghiệm, mua cây giống trôi nổi, giá bán sản phẩm thì bấp bênh. Từ khi thực hiện trồng rừng theo chứng chỉ, ông được hỗ trợ cây giống, trồng theo quy trình kỹ thuật và cam kết bao tiêu sản phẩm cao hơn mặt bằng thị trường 3% (được bán cho đơn vị khác nếu giá cao hơn). Các loại phụ phẩm từ keo như vỏ, cành, lá trước đây thường đốt bỏ, nay cũng được DN thu mua.

Theo ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện M’Drắk, toàn huyện có trên 35.710 ha rừng trồng, sản lượng khai thác hằng năm đạt trên 80.000 m3. Chủ trương của huyện là phát triển trồng rừng theo chứng chỉ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, thúc đẩy ngành chế biến lâm sản, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

Hướng tới phát triển lâm nghiệp bền vững

Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, đến nay, diện tích đất có rừng toàn tỉnh hơn 497.235 ha, trong đó, rừng tự nhiên gần 411.931 ha; rừng trồng 85.304 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 38,04%. Rừng trồng có chứng nhận sẽ tăng giá trị kinh tế rừng, đảm bảo các giá trị bảo vệ môi trường và lợi ích xã hội, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Trước đây, việc cấp chứng chỉ rừng khó triển khai do chi phí lớn, không có ngân sách để thuê các đơn vị tư vấn đánh giá, cấp chứng chỉ. Gần đây, với sự tham gia của hai DN và hỗ trợ từ Cục Lâm nghiệp, đã có hơn 5.500 ha rừng của các nhóm hộ được cấp chứng nhận.

Một nhà máy chế biến viên nén sử dụng gỗ rừng trồng có chứng chỉ đang vận hành thử nghiệm tại huyện Krông Búk.

Với diện tích hơn 85.000 ha, tiềm năng phát triển rừng trồng của tỉnh còn rất lớn. Cái khó hiện nay là các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng… có chuyên môn, kỹ thuật, nhưng thiếu nguồn lực để triển khai. Ngoài ra, thời gian trồng rừng dài, cộng thêm áp lực về nhu cầu kinh tế, rủi ro về thiên tai, thị trường nên nhiều người dân chưa mạnh dạn trồng rừng gỗ lớn, rừng có chứng chỉ. Bên cạnh đó, một số người dân còn mơ hồ về chứng chỉ rừng, còn lo ngại về đầu ra của gỗ rừng trồng và ràng buộc với đơn vị liên kết.

Hiện nay, chủ trương của tỉnh là tạo điều kiện để các DN phối hợp với địa phương, chủ rừng và người dân để tăng diện tích rừng được cấp chứng chỉ. Khi DN liên kết với người dân trồng rừng theo chứng chỉ, tỉnh khuyến khích DN hỗ trợ trực tiếp cây giống mới, giống chất lượng cao để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng và bảo đảm năng suất phải cao hơn 20 m3/ha/năm. Tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk Nguyễn Quốc Hưng, để phát triển mạnh rừng trồng có chứng nhận thì phải có sự tham gia đồng bộ của “bốn nhà” trong tất cả các khâu. Đồng thời, tiếp tục thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước đầu tư phát triển rừng trên địa bàn nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp. Ngoài ra, bên cạnh các chính sách hỗ trợ thông thường, cần có chương trình tín dụng ưu đãi cho DN, chủ rừng phát triển rừng trồng gỗ lớn. Về phía người trồng rừng, cần thay đổi tư duy, cách làm, tuân thủ quy trình kỹ thuật, quy định của chứng nhận nhằm sản xuất, kinh doanh rừng trồng hiệu quả.

Theo Báo Đắk Lắk