[Đà Nẵng] Vịnh cảng vùng biển Đà Nẵng – Vị thế giao thương quan trọng

Từ quá khứ đến hiện tại, vịnh cảng vùng biển Đà Nẵng luôn có vị trí chiến lược, vị thế giao thương quan trọng. Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên.

Hệ thống cầu bến tại Cảng Đà Nẵng. Ảnh: PV

Từ vị trí tiền cảng

Thông tin tại buổi triễn lãm “Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn” do Nhà Trưng bày Hoàng Sa, huyện đảo Hoàng Sa tổ chức cuối tháng 3 vừa qua, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa Võ Ngọc Đồng cho biết, giữa thế kỷ XVI, Đà Nẵng là tiền cảng trung chuyển hàng hóa, sửa chữa tàu thuyền, đến thế kỉ XIX, đã trở thành thương cảng lớn nhất miền Trung. Đà Nẵng vừa là tâm điểm của những chuyến hàng hải vừa là nơi diễn ra quan hệ ngoại giao không chính thức giữa triều đình Huế (triều Nguyễn) với các nước phương Tây. Đồng thời, Đà Nẵng là nơi “hải cương trọng địa”, có cửa biển “tối vi xung yếu”, giữ vị trí chiến lược quan trọng trong quân sự, quốc phòng. Với vị thế đó, Đà Nẵng có vai trò đặc biệt về kinh tế, quân sự, quốc phòng dưới triều Nguyễn.

Dưới triều Nguyễn, vùng biển Đà Nẵng có vai trò đặc biệt quan trọng vì “có vùng biển lớn, vừa rộng vừa sâu có thể chứa được hàng ngàn thuyền ghe, phía ngoài có núi che, không phải lo về sóng gió”. Do đó, các thuyền vận tải công, thuyền tuần tra, thuyền đánh cá và thuyên buôn các nước thường vào cửa biển này trú ẩn khi qua hải phận gặp phải gió lớn. Bên cạnh đó, Đà Nẵng có vị trí cách kinh đô không xa nên rất thuận tiện cho việc vận chuyển, liên lạc, quản lý và kiểm soát của triều đình Huế. Vì vậy, vua Minh Mạng lệnh cho “phàm thương thuyền các nước Tây dương đến buôn bán chỉ được đậu ở cửa biển Đà Nẵng”. Cũng bởi có vị trí địa chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế và quốc phòng, nên từ thời nhà Nguyễn đã sớm cho xây dựng hệ thống phòng thủ ở vùng ven biển với các thành đài, đồn bảo kiên cố và trang bị vũ khí, súng pháo, đại bác để phòng bị.

Theo Tiến sĩ Lê Tiến Công, Giám đốc Nhà Trưng bày Hoàng Sa, trong tranh cuộn (emaki) Nhật Bản, vẽ vào thời Edo (1603-1868), miêu tả cảnh thương thuyền Nhật Bản vượt biển đến buôn bán với xứ Đàng Trong (tranh Chaya Shinroku Kochi toko zukan). Hình vẽ trên tranh miêu tả hành trình của thương nhân Chaya Shinroku (Trà Ốc Tân Lục) từ Nhật Bản vượt biển đến Hội An; cảnh sinh hoạt tại phố người Nhật ở Hội An, cảnh phái đoàn của thương nhân Chaya Shinroku đến yết kiến tổng trấn Quảng Nam tại dinh trấn Thanh Chiêm, cảnh thuyền Chaya đi theo một dòng sông nhỏ tới một cửa biển lớn, rồi theo một dòng sông khác đi đến một dinh phủ có lũy tre bao bọc và dãy súng thần công bảo vệ. Bên ngoài dinh phủ là cảnh dòng sông, đồng ruộng và làng mạc trù phú; trên bờ sông có ba con voi với quản tượng trên lưng…

Trung tâm kinh tế biển

Trong cuốn “Lược sử Đà Nẵng 700 năm” của nhà nghiên cứu Lê Duy Anh có ghi, Đà Nẵng nếu không có con vịnh, thì chẳng có gì là quan trọng. Vịnh Đà Nẵng đã tạo nên một vóc dáng giao lưu về hàng hải của cả miền Trung Việt Nam. Kể từ khi trở thành nơi hội tụ của cư dân, nhất là có sự lui tới của người nước ngoài vào hải cảng buôn bán, Đà Nẵng càng có vị thế thương mại lớn, cho đến đầu thế kỷ 19 thì Đà Nẵng chiếm lĩnh, thay thế vai trò của Hội An về thương mại.

Theo ông Võ Ngọc Đồng, nhìn lại lịch sử, Đà Nẵng ngày càng có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nước ta. Với việc công bố lần đầu gần 100 văn bản lưu hình dấu và bút tích vua phê tại triển lãm nêu trên là những sử liệu tín thực góp phần làm sáng tỏ vai trò, vị thế của vùng biển Đà Nẵng trong lịch sử.
Chiến lược và các chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung – Tây Nguyên; có sự kết nối chặt chẽ với các cục tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các thành phố lớn trong cả nước và khu vực Đông Nam Á, châu Á – Thái Bình Dương; dựa trên việc khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế, nhất là về tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng kinh tế biển, vị trí địa kinh tế và địa chiến lược quan trọng của thành phố Đà Nẵng trong vùng và cả nước.

Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phần quan điểm, mục tiêu nêu: Phát triển thành phố Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng; phát triển kinh tế nhanh và bền vững, coi việc nâng chất lượng cuộc sống của người dân đạt ở mức cao là nhiệm vụ trung tâm; tập trung phát triển 3 trụ cột chính: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển, đảo, trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa – thể thao, giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học – công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên…

Lịch sử cảng Đà Nẵng thành lập từ năm 1901. Sự phát triển của cảng Đà Nẵng luôn gắn liền với sự phát triển của thành phố, góp phần chung vào công cuộc bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát triển kinh tế-xã hội địa phương và miền Trung. Cảng Đà Nẵng hiện là một khâu quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Cảng Đà Nẵng cũng được chọn là điểm cuối cùng của tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây, nối liền 4 nước Myanmar, Thailand, Lào và Việt Nam, là cửa ngõ chính ra Biển Đông cho toàn khu vực. Với lịch sử hơn 120 năm hình thành và phát triển, cảng Đà Nẵng hiện là cảng biển container lớn nhất miền Trung hiện nay, sở hữu gần 1.700m cầu bến với khả năng tiếp nhận các tàu hàng tổng hợp lên đến 70.000 DWT, tàu container đến 4000 Teus và tàu khách đến 170.000 GRT, cùng với các thiết bị xếp dỡ và kho bãi hiện đại.

Theo Báo Đà Nẵng