[Đà Nẵng] Ứng dụng số hóa dữ liệu đất đai

Sở Tài nguyên và Môi trường đang tăng cường giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính về đăng ký đất đai trực tuyến và đẩy mạnh ứng dụng, vận hành dữ liệu đất đai được số hóa nhằm tăng hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và dữ liệu đất đai được số hóa đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục cho công dân. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và dữ liệu đất đai được số hóa đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục cho công dân. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Hiện bộ thủ tục hành chính (TTHC) về đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) được chuẩn hóa và đã đăng công khai trên cổng thông tin dịch vụ công cùng các cổng thông tin điện tử để công dân, tổ chức thuận tiện tra cứu và làm thủ tục ĐKĐĐ trực tuyến. Tại các chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ thành phố ở các quận, huyện, các chuyên viên hướng dẫn tổ chức, công dân nộp hồ sơ ĐKĐĐ trực tuyến thông qua điện thoại thông minh hoặc máy tính xách tay, máy tính bảng một cách nhanh chóng, thuận tiện, nhằm tạo thói quen cho tổ chức, công dân đăng ký làm các TTHC trong lĩnh vực đất đai trực tuyến.

Theo Văn phòng ĐKĐĐ thành phố, các TTHC liên quan đến đăng ký đất đai đã được hoàn thành nâng cấp lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Các hồ sơ được chuyển trình ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) từ các chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ thành phố ở các quận, huyện đến Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường các quận, huyện cũng như luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử; hồ sơ được tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa điện tử theo đúng quy định.

Năm 2023, toàn hệ thống Văn phòng ĐKĐĐ tiếp nhận, giải quyết 101.125 hồ sơ của công dân đăng ký, làm các TTHC về đất đai như: đăng ký biến động chuyển quyền sử dụng đất, giao dịch bảo đảm và các biến động khác, với tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến hơn 98%; 25.754 hồ sơ được liên thông thực hiện thủ tục nộp thuế; 21.875 hồ sơ được gửi tin nhắn (SMS) vào điện thoại di động của công dân, đại diện tổ chức để hướng dẫn làm thủ tục liên quan…

Việc giải quyết hồ sơ theo phương thức trực tuyến và tăng cường ứng dụng cơ sở dữ liệu đất đai đã được số hóa đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục liên quan đến cấp sổ hồng 5-10 ngày. Chẳng hạn, thời gian cấp sổ hồng lần đầu được rút ngắn từ 30 ngày làm việc xuống còn không quá 25 ngày; cấp sổ hồng không quá 15 ngày làm việc đối với trường hợp được giao đất bố trí tái định cư, cấp đổi sổ hồng nguyên trạng 7 ngày làm việc; cấp đổi sổ hồng có bổ sung quyền sở hữu tài sản trên đất là không quá 15 ngày làm việc; cấp lại đối với trường hợp mất sổ hồng không quá 10 ngày sau khi đã thực hiện niêm yết, công khai; đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được xử lý không quá 1 ngày làm việc, đăng ký chuyển quyền sử dụng đất không quá 5 ngày làm việc…

Hiện Văn phòng ĐKĐĐ thành phố đã hoàn thành xây dựng quy chế tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết TTHC về đất đai không phụ thuộc địa giới hành chính. Đơn vị cũng đã hoàn thành cấu hình 3 dịch vụ công thiết yếu thuộc lĩnh vực đất đai cần tích hợp lên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ thành phố Đà Nẵng Nguyễn Hồng Song cho biết, đơn vị đang tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và cấp sổ hồng, hạn chế đến mức thấp nhất hồ sơ trễ hẹn mà không có nguyên nhân. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng phần mềm ViLIS; thường xuyên cập nhật bổ sung số hóa dữ liệu đất đai trong giải quyết TTHC; phát triển, xây dựng bổ sung các phầm mềm, các tính năng nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả bộ cơ sở dữ liệu đất đai đã được số hóa.

Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) Lê Hà Thanh cho hay, sở đang tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai thành phố, bảo đảm làm giàu, làm sạch dữ liệu trên cơ sở hồ sơ địa chính, dữ liệu bản đồ địa chính đã được xây dựng, cập nhật qua các giai đoạn trên phạm vi toàn thành phố theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, phục vụ đa mục tiêu nhằm tăng cường hiệu suất, hiệu quả, tính minh bạch của hoạt động quản lý Nhà nước về đất đai và đáp ứng các yêu cầu, nhu cầu về trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin đất đai của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, sở sẵn sàng tham gia và sẽ bổ sung, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai thành phố để tham gia vào hệ thống thông tin đất đai quốc gia tập trung (MPLIS) do Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thí điểm tại Đà Nẵng và một số địa phương khác thời gian tới.

Báo Đà Nẵng